Đồng tôm ký sự

Ở vùng bãi ngang phía bắc huyện Nghi Xuân, vào khoảng từ đầu năm 90 của thế kỷ trước con tôm lên ngôi. Gần như toàn bộ số ruộng ven bờ sông Lam, năng suất thấp, canh tác được một vụ người dân đã “hiến” cho xã lập đồng nuôi tôm cua xuất khẩu...

Nhưng vài ba năm nay đồng tôm quê tôi rộ lên nhiều chuyện quá. Con tôm, con cua xuất khẩu làm cho lắm ông chủ đông được đổi đời, cho xóm làng càng ngày càng đổi mới. Vậy mà, chuyện về đồng tôm bây giờ lại vui ít, buồn nhiều. Ông chủ đồng này bảo: “ cứ bám vào đồng tôm cháo chẳng có mà ăn(!?)”; ông chủ đồng khác thì tuyên bố: “ phen này dứt khoát đưa đồng lên Ủy ban trả cho xong nợ (!)” Chuyện về đồng nuôi tôm cua xuất khẩu cứ là xôn xao cả lên, trở thành “ chuyện thường ngày ở…xã!”

Nghe chuyện, vừa băn khoăn, vừa háo hức, tôi lội ra đồng. Người dẫn đường cho tôi là ông Lê Văn Tá, một chủ đồng tôm có thâm niên gần 30 năm và đang ăn nên, làm ra ở xã Xuân Đan. Tôi theo anh trèo lên con đê Hội Thống, phóng tầm mắt nhìn lên phía núi Hồng Lĩnh, lại nhìn về phía Cửa Lạch Hội. Hàng trăm cái đồng tôm, cái vuông vắn, cái hình chữ nhật, cái hình thang…được bao bọc bởi những con đập vững chãi, lô nhô những cửa cống cấp thoát nước.

Chẳng nhắc gì đến chuyện “ tai tiếng” của đồng tôm, anh Tá rủ rỉ kể:

- Người dân vùng bãi ngang quê tôi vốn nghèo, nghèo lắm anh ạ. Dễ thường từ lúc rủ nhau kéo đến đây lập nghiệp, ngoài số ít người làm nghề biển, người dân chủ yếu sống nhờ vào cây lúa, củ khoai nơi đất mặn, chua phèn. Đất không nuôi nổi người, vào những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước, mỗi xã có hơn trăm hộ khăn gói ra đi tìm cuộc sống mới cho mình. Số ở lại đánh vật với ruộng đồng. Nhiều trai tráng, thực tình trong đó có tôi, bí kế, rủ nhau lên rừng đốn gỗ xuôi bè. Những khi nông nhàn thì tụ tập nhau cờ bạc. Túng quẫn thì sinh ra trộm cắp. Bao tệ nạn ra đời từ cái đói, cái nghèo, từ thất nghiệp… nhức nhối lắm anh ạ!

Anh Tá bỗng thở dài, hướng đôi mắt nhuốm màu sông nước vào những đồng nuôi tôm cua xuất khẩu tít tắp. Rồi khoát rộng một vòng tay, tiếng anh sôi nổi hẳn lên:

- Khoảng cuối năm 1980, cả vùng quê tôi bỗng xôn xao kháo nhau về cái chuyện anh Lê Hồng Sen cùng ông Nguyễn Thính Phú ở xóm Song Giang, xã Xuân Đan này “cả gan” thuê người đắp đập bao ven bãi sông Lam để nuôi tôm, cua. Giống như anh Sen, ông Phú, ở xã Xuân Hội có hai anh em ruột là ông Nguyễn Trọng Thanh, Nguyễn Anh Táo, người xóm Hội Châu cũng vay mượn tiền bạc cả trăm triệu đồng, đắp con đập to như con đê Hội Thống, chắn ngang cái Đồng Luồng rộng tới hơn 50ha, vốn là đồng ngập mặn, hoang hóa xưa nay để nuôi rong rêu câu và tôm, cua. Các đồng tôm ấy còn “ dám” thuê hơn chục nhân công làm việc, hưởng lương theo sản phẩm. Thấy cách làm táo tợn quá, nhiều người quả quyết tuyên bố: “ Đã có người làm thuê, tức thị mấy cha làm theo mô hình tư bản chủ nghĩa(!)” Ngày ấy Đảng ta chưa phát động công cuộc đổi mới. Chưa xã nào có lệnh cấm mấy ông làm, nhưng các ông chủ đồng đó cũng phải lắm phen vất vả vì nhiều lẽ. Mà các ông ngày ấy cũng chỉ nuôi các loại tôm, cua tự nhiên là các loại tôm đất, tôm lớt, tôm càng…tự nhiên, chứ chẳng phải tôm sú như bây giờ. Vậy mà cứ như mấy ông bắt được vàng, chỉ sau vài ba năm, từng là các hộ “thường thường bậc trung”,các ông chủ đồng đã xây được nhà cửa, mua được xe “ kim vàng giọt lệ ”, cung cấp tiền nong chu tất cho con cái học hành…!

Người dân xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) cải tạo ao đầm bước vào vụ nuôi mới. Ảnh: HT

Chúng tôi cứ men theo bờ sông mà đi. Tới một đồng tôm thênh thang rộng, anh Tá rỉ tai tôi : “ Đồng ông Ba đấy! Ông này nuôi trồng khá lại biết nhiều chuyện lắm. Anh cứ “ khui” mà coi!” Ngồi với ông Ba trong căn lều canh đồng lộng gió, giọng anh hồ hởi:

- Nói cho thật, làm cái anh nuôi tôm, cua xuất khẩu đúng như đi tìm vàng thật, nhưng mà là cái nghề sông nước, nên gian nan lắm! Trước hết anh phải có cái gan, sau nữa là phải có cái kỹ thuật. Dưới mặt nước kia là tiền triệu, trăm triệu, tiền tỷ, là vàng ròng cả đấy. Tơ lơ mơ là đi tong ngay. Nhiều người kêu lỗ là bởi không ít chủ đồng tôm vấp phải cái thói tưởng bở. Mấy năm nay, ngoài việc thời tiết chẳng mấy thuận hòa, nuôi con tôm, con cua mà mấy người ấy cứ làm được chăng, hay chớ nên lắm người cháy nhà không khói đấy anh ạ! Chuyện nhiều vụ tôm, nhiều chủ đồng để tôm, cua chết sắp lớp dày cả gang tay dưới đáy đồng không phải là chuyện hiếm. “ Chim trời, cá nước” mà anh!

Cứ bảo nuôi tôm lỗ, vậy mà nhà nhà đua nhau làm đồng tôm. Bây giờ, ở các cửa sông ven biển Nghi Xuân, không nơi nào không có đồng nuôi tôm, cua xuất khẩu. Hơn 100 đồng, ao, đầm nuôi tôm, cua xuất khẩu chứ ít đâu, đã thu hút hơn 1000 lao động có công việc, thu nhập thường xuyên, đều đặn. Các đồng, ao, đầm này đã góp phần không nhỏ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân vùng “ gió Lào, cát trắng ” này. Con tôm lên ngôi, đồng nghĩa với cuộc sống người dân đang từng bước đổi thay, giàu có. Khối người từ ngày có đồng tôm mà giàu lên nhanh chóng đó chứ anh!

Tình cờ, trên đường đi chúng tôi gặp ông Lê Chí Thăng, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Trường. Ông Thăng vốn là một người rất gắn bó với quê hương, một cán bộ rất am hiểu về kinh tế của bãi ngang này. Thấy tôi đưa chuyện xôn xao của đồng tôm vài năm nay ra hỏi, nét mặt ông Thăng thoáng vẻ trầm tư. Hình như chạm phải điều khó nói, ông đang cố lựa lời:

- Quả là vài ba năm nay, nhiều chủ đồng tôm đều kêu tôm bị mất mùa. Nhất là sau cái đận rét thế kỷ năm ngoái. Thực tế thì nhiều đồng mất mùa thật. Nhưng cái “ anh tôm” mùa có mất thì chủ đồng cũng chẳng lỗ. Nói “ mất ” nghĩa là mất con tôm sú, mất thu nhập lớn, chứ con tôm đất, con cua thì có mất đâu. Mà cái “anh” tôm đất, tiền giống không phải mua đã đành, thức ăn của chúng đâu có kén như tôm sú, tôm càng xanh...chỉ cần ba thứ phù du là được, nên chẳng ai bỏ tiền ra mua thức ăn để nuôi chúng làm gì. Cứ nước lên thì “đón” nước vào, để phù sa, phù du theo con nước vào đồng cho tôm ăn. Con nước ròng thì mở cống tháo nước ra, làm sạch đồng. Tôm cua tự nhiên cứ thế mà lớn, lại thu hoạch được quanh năm. Đêm chong đèn lên đơm, mà rỉ rả đếm tiền. Đúng là thu nhập ít hơn tôm xuất khẩu thật và khó làm giàu thật, nhưng coi như lãi ròng! Với lại, phàm cái nghề nuôi tôm có mất vài ba vụ chỉ cần trúng một vụ là đã có lời rồi.

Nhiều người kêu chủ yếu là để xin khỏi nạp sản lượng của đồng lúa mà người dân “hiến” ruộng đất để làm đồng tôm, xã quy mỗi ha ra thóc, tính thành tiền. Kêu thì kêu thế chứ đã mấy ai trả đồng đâu. Nói cho đúng cũng có vài ba người trả, nhưng mấy người ấy trả đồng để xuất ngoại, manh nha đổi đời nhanh hơn.

Tất nhiên suy cho cùng đồng tôm bây giờ cũng đang có nhiều điều bất cập đấy. Điện lưới quốc gia về vùng quê này gần 20 năm rồi, mà hơn 100 cái đồng nuôi tôm cua xuất khẩu mà đã có mấy đồng có điện lưới đâu, thế nên làm gì các đồng có giàn quạt khí! Có ông chủ mạnh bạo như ông Kỳ họ Đặng ở xã

Xuân Hội, mua giàn quạt khí về lắp để nuôi trồng cho đúng quy cách kỹ thuật, cũng phải chạy bằng máy nổ. Mà anh thấy đấy, ở vùng quê này, mới chớm hè gió Lào đã ngùn ngụt, nước nôi nóng như bắc trên bếp, không có giàn quạt khí tôm, cua nào chịu thấu! Lại thêm cái chuyện cấp thoát nước nữa. Nuôi tôm, cua thì nước phải sạch. Lá cây mục, tôm, cua cũng chết, nói chi đến chất hóa học. Vậy mà, trên đồng cạn thì trồng lúa, dưới đồng sâu thì nuôi tôm, nước vào ra chỉ một con mương duy nhất. Phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…cho lúa đồng trên, rồi bao bì ni lông gói đủ thứ trên đời, thải ra… cứ thế theo mương chảy xuống, tràn vô đồng nuôi tôm. Nguồn nước ô nhiễm thế, tôm cua làm gì chẳng chết!

***

Nghe ông cựu Chủ tịch nói, tôi chợt hiểu thêm rằng: Đất Nghi Xuân quê tôi có tiềm năng vô cùng lớn với chiều dài 38km bờ biển và hơn 20km sông ngòi hạ lưu, để phát triển nghành nuôi tôm, cua xuất khẩu. Người Nghi Xuân quê tôi thông minh, cần cù, dám nghĩ, dám làm. Nhưng…Đừng đổ tội oan cho ông trời làm con tôm mất mùa! Những người dân ở vùng đất này - những ông chủ đồng tôm, cua xuất khẩu - đang còn phải biết vượt qua chính mình; còn có bao nhiêu việc phải làm, để cho con tôm, con cua đang lên ngôi ngày càng sinh sôi nảy nở, “trữ lượng” ngày càng nhiều hơn, làm giàu thêm cho quê hương, cho những cuộc đời cần lao…

Nghi Xuân mùa tôm 2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast