Đức Thọ chủ động phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại

(Baohatinh.vn) - Năm 2014, huyện Đức Thọ sớm triển khai các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN). Rút kinh nghiệm trong mùa mưa bão năm 2013, Đức Thọ tổ chức kiện toàn ban chỉ huy các cấp nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành.

Năm 2013, huyện Đức Thọ chịu sự tàn phá nặng nề của 3 cơn bão; 3 trận lốc xoáy và nhiều trận lũ, tuy không có thương vong về người nhưng đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng nông thôn (ước tính trên 82 tỷ đồng).

Nhà tránh lũ góp phần giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ. Ảnh: P.V.
Nhà tránh lũ góp phần giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ. Ảnh: P.V.

Ông Nghiêm Sỹ Đông - phụ trách Phòng NN&PTNT, Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Đức Thọ cho biết: Theo dự báo của khí tượng thủy văn, năm 2014 sẽ có bão, lũ lớn và đến sớm hơn so với những năm trước do thời tiết biến đổi bất thường, nắng nóng kéo dài… Trước tình hình đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Đức Thọ tổ chức kiện toàn; chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lần cuối các phương án PCTT-TKCN của từng địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với các vùng ngập sâu, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất…

Đặc biệt, trong công tác PCTT-TKCN của huyện Đức Thọ năm nay có một nội dung mới được bổ sung đó là Ban chỉ huy đã thành lập một ban tiếp nhận hàng hóa cứu trợ để kịp thời phân phát hàng cứu trợ đúng địa chỉ, đối tượng và số lượng.

Đến thời điểm này, Đức Thọ đã triển khai phương án “4 tại chỗ” đến tận các thôn xóm, cơ quan, trường học… Với phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, Đức Thọ chỉ đạo các ngành, địa phương từ thôn xóm, cơ quan, trường học đến huyện thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”.

Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Nguyễn Văn Việt cho biết: Ngoài Ban chỉ huy của huyện, các cơ quan, đơn vị phải bố trí lực lượng thường xuyên có mặt tại đơn vị khi có mưa lớn, có tin bão gần và sẵn sàng bổ sung vào lực lượng xung kích khi có lệnh điều động. Ngoài ra, mỗi địa phương thành lập một đội xung kích từ 20-30 người, nòng cốt là dân quân tự vệ, dự bị động viên nhằm chủ động đối phó khi có tình huống xấu xẩy ra.

Tại các công trình, địa bàn trọng điểm cũng được Ban chỉ huy tính đến một cách chi tiết và giao trách nhiệm cụ thể từng cấp, ngành. Đối với đê Rú Trí, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện trực tiếp kiểm tra, xử lý các sự cố hư hỏng trên đê, đồng thời chỉ đạo các xã nằm trong khu vực ven đê như: Đức Đồng, Đức Lạc, Đức Long, Đức Hòa trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ huy điều hành công tác PCTT-TKCN theo địa giới hành chính quản lý đã được phân cấp. Đối với đê La Giang, Ban chỉ huy tập trung đốc thúc nhà thầu Tập đoàn Xuân Thành đẩy nhanh tiến độ thi công nâng cấp, làm đến đâu hoàn thành đến đó, tránh tình trạng dở dang trước mùa mưa lũ.

Tại các hồ chứa lớn, huyện giao Ban chỉ huy PCTT-TKCN của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý khai thác công trình thủy lợi và ban chỉ huy các xã có hồ, đập lớn như: Đức Đồng, Đức An, Đức Lập, Đức Hòa, Đức Long, Tân Hương..., thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố trước mùa mưa lũ, đồng thời xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa...

Vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và các địa phương dọc sông La, Ngàn Sâu phải xây dựng phương án chi tiết, đồng thời xác định các điểm có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra, thống kê các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng có khả năng bị uy hiếp. Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý đê thường xuyên kiểm tra, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời các sự cố, đồng thời tập trung chuẩn bị vật tư, lực lượng ứng cứu hiệu quả nhất khi mưa lũ xẩy ra…

Với những phương án chặt chẽ, Đức Thọ đang hướng tới mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ năm nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast