Đức Thọ đang cần những tấm lòng sẻ chia!

Đợt mưa lũ vừa qua, Đức Thọ (Hà Tĩnh) có 27/28 xã, thị trấn bị ngập nhưng đến nay vẫn còn 14 xã nước rút chưa hết. Công tác khắc phục hậu quả lũ lụt của huyện hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là nguy cơ thiếu đói, dịch bệnh xảy ra đối với người dân là rất cao.

Những giọt nước mắt sau lũ

Trời đã đã rải nắng mấy ngày liền nhưng chưa thể đẩy lùi được bầu không khí u ám ở những vùng lũ tại huyện Đức Thọ. Bao trùm vùng đất vẫn là một không gian bạc phết, hoang tàn, xác xơ và… những cảnh đời, những nỗi xót xa.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa cùng cháu không thể dựng lại nhà nên đang cần sự hỗ trợ từ cộng đồng
Bà Nguyễn Thị Nghĩa cùng cháu không thể dựng lại nhà nên đang cần sự hỗ trợ từ cộng đồng

Lũ dữ đã đánh sụp hoàn toàn ngôi nhà bà Nguyễn Thị Nghĩa (xóm 3, xã Liên Minh). “Nước lớn thì bà cháu tui đi sơ tán. Tưởng như mọi lần đi mấy ngày rồi về. Ai ngờ… Bà cháu bây giờ không biết mầm răng cả. Tui thì già rồi, cháu thì còn nhỏ, bố mẹ nó thì đi làm ăn ở trong nam chưa về kịp. Thương nhất là cháu tui. Sách vở, đồ dùng trôi hết rồi” - bà Nghĩa nghẹn ngào trong nước mắt.

Quẩn quanh trong những ngôi làng gần kề, chứng kiến những cảnh đời xót xa không kém. Chỉ cần một lời hỏi thăm nhỏ là những giọt nước mắt trên khuôn mặt của người phụ nữ bất kỳ sẽ vỡ oà. Chị Phan Thị Phương, ở thôn 5, đứng bên nhà hàng xóm nhìn về ngôi nhà của mình với đôi mắt đỏ hoe: “May tí nữa thì cuốn luôn cả thằng con nhà tui rồi chị ạ. Vợ chồng tui dành dụm và đánh liều vay mượn thêm để làm ngôi nhà tàm tạm để ở. Còn nợ ngân hàng đến 15 triệu. Dừ em nỏ biết mần răng nữa…”

CLB Nhà báo nữ Hà Tĩnh tặng quà cho những gia đình nhà bị hư hỏng nặng tại xã Liên Minh
CLB Nhà báo nữ Hà Tĩnh tặng quà cho những gia đình nhà bị hư hỏng nặng tại xã Liên Minh

Nối liền nhà chị Phương là cả một dãy những hố sâu ngoắm khoét vào nền nhà. Có những ngôi nhà đã sập hoàn toàn; có những ngôi nhà đang chơ vơ trên chiếc hầm bị lũ khoan sâu ấy. Quang cảnh như một trận bom tàn. Chúng tôi dừng trước một ngôi nhà đã bị đánh sập hoàn toàn. Người mẹ trẻ đang bế đứa con khoảng 2 tháng tuổi trên tay cho biết: “Nhà em đó chị ạ. Bữa đó may mà có ngoại kịp đưa thuyền đến. Bọn em chỉ chạy được người thôi…”.

Chị Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Đoàn cứu trợ đến từ Hà Nội xót xa: “Thương người dân quá em ạ! Đợt này về Hà Nội chị sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi giúp đỡ người dân ở đây. Đặc biệt, chị sẽ hướng về các trường học và trạm y tế. Thương nhất là các em nhỏ, các em cần được chăm sóc trong một điều kiện tốt hơn. Chị rất muốn làm một điều gì đó cho các em!”

Đức Thọ còn cần lắm những tấm lòng sẻ chia

Trong đợt mưa lũ này, huyện Đức Thọ có 27/28 xã, thị trấn bị ngập. Lũ đã làm hư hỏng nặng 180 nhà dân, làm ướt 545 tấn lúa, cuốn trôi 10 con trâu bò, 1340 con lợn và 27321 con gia cầm. Nhiều diện tích nông nghiệp, thuỷ sản mất trắng; nhiều công trình giao thông thuỷ lợi sạt lở, hư hỏng. Đặc biệt, 97 trường học bị ngập lụt thì có 30 phòng học bị hư hỏng nặng và nhiều đồ dùng giảng dạy và học tập bị hư hỏng.

Trường THCS Liên Minh sau lũ
Trường THCS Liên Minh sau lũ

Huyện đã nỗ lực tổ chức cứu hộ, cứa nạn, thăm hỏi, động viên nhân dân vùng thiệt hại và tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả. Huyện đã trích ngân sách mua mì tôm, nước khoáng cứu trợ cho dân và tổ chức cấp phát hàng cứu trợ kịp thời, không để người dân bị đói, rét và khát; đảm bảo trực cấp cứu người dân. Đồng thời, nước rút đến đâu, tổ chức thu dọn và xử lý vệ sinh môi trường đến đó và động viên nhân dân khắc phục tu sữa nhà cửa và các công trình để sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, đã có 20 trường học được xử lý vệ sinh chuẩn bị đón các em đến trường.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Công tác khắc phục hậu quả lũ lụt của huyện đã được triển khai khẩn trương, tích cực nhưng hiện nay đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, vẫn còn 11 xã nước chưa rút hết; nhiều trường học chưa thể hoạt động trở lại…

Trong những ngày tới, huyện sẽ huy động các lực lượng vụ trang, thanh niên... về các trường học, trạm y tế nước rút để giúp địa phương vệ sinh môi trường, sớm đưa học sinh đi học trở lại và đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Điều chúng tôi lo ngại nhất hiện nay vẫn là vấn đề lương thực, phòng chống dịch bệnh sau lũ cho người dân. Hiện, các nguồn hàng hỗ trợ chúng tôi đã tổ chức cấp phát hết và nguy cơ thiếu đói của người dân trong những ngày tới rất cao”.

Đức Thọ đang rất cần sự sẻ chia từ Nhà nước và cộng đồng!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast