Đừng lãng phí nguồn vốn sau xuất khẩu lao động!

(Baohatinh.vn) - Hầu hết lao động xuất khẩu sau khi hồi hương đã tích lũy được vốn, tay nghề và có tác phong làm việc công nghiệp. Song, việc phát huy nguồn vốn, kinh nghiệm tích lũy được qua quá trình lao động ở nước ngoài để đầu tư sản xuất, kinh doanh (SXKD), làm giàu chưa được nhiều người thực hiện...

Nhiều công trình phúc lợi xã hội, mô hình phát triển kinh tế ở Thiên Lộc (Can Lộc) được huy động từ nguồn vốn tích lũy của những người XKLĐ.

Nhiều công trình phúc lợi xã hội, mô hình phát triển kinh tế ở Thiên Lộc (Can Lộc) được huy động từ nguồn vốn tích lũy của những người XKLĐ.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, hiện Hà Tĩnh có 51.426 người lao động đang làm việc tại nước ngoài (chiếm 10% tổng số lao động cả nước đang làm việc tại nước ngoài); bình quân mỗi năm mang lại gần 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn số tiền người lao động tích lũy được sử dụng để giải quyết các nhu cầu cấp bách của gia đình như: trả nợ; xây dựng, sửa chữa nhà cửa và mua sắm đồ đạc...

Gần 20 năm trước, Cương Gián (Nghi Xuân) là xã thuộc diện khó khăn, nhưng nhờ có lực lượng lớn lao động làm việc ở nước ngoài, nay đã thay da đổi thịt. Hiện Cương Gián có 2.472 lao động đang làm việc ở nước ngoài; tổng tiền lương mỗi năm ước đạt 405 tỷ đồng, trong đó, gửi về nước ước từ 220-230 tỷ đồng. Theo ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), đây là nguồn vốn lớn để người lao động đầu tư SXKD, tạo việc làm, tăng thu nhập sau khi về nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm qua, số doanh nghiệp, cơ sở SXKD do các lao động trở về nước làm chủ ở Cương Gián rất ít so với một số xã ở Nghi Xuân. Một số lao động có ý thức tổ chức SXKD nhưng lại đầu tư ở địa bàn khác. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn vốn từ người dân để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội còn hạn chế.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị tổng kết công tác XKLĐ giai đoạn 2011-2015, ông Đoàn Đình Anh - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, chúng ta đang để lãng phí nguồn vốn tích lũy của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có nhiều xã, mỗi năm lao động gửi về nước hàng trăm tỷ đồng, nhưng chủ yếu sử dụng vào việc xây nhà, mua sắm vật dụng gia đình và chi tiêu… Nếu được đầu tư SXKD thì sẽ tăng thu nhập cho người lao động và tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Thạch Kim (Lộc Hà) cũng là một trong những địa phương có số lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhất huyện. Khác với Cương Gián, nhiều người đi XKLĐ về nước đã sử dụng nguồn vốn tích lũy đầu tư SXKD. Ông Từ Đức Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Toàn xã có gần 1.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, ước tính bình quân mỗi năm, số lao động này gửi về nước gần 10 tỷ đồng. Nhờ XKLĐ mà nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.

Nhiều năm nay, không ít lao động ở Thạch Kim XKLĐ về nước đã sử dụng hiệu quả vốn tích lũy đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của địa phương như: khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, hậu cần nghề biển… Điển hình như: anh Nguyễn Văn Dũng (xóm Long Hải), sau 7 năm đi XKLĐ ở Hàn Quốc, với số vốn tích lũy được, anh mạnh dạn đầu tư một tàu dầu trên 1 tỷ đồng để bán dầu cho các tàu cá. Ngoài việc tăng thu nhập cho gia đình, anh còn tạo việc làm ổn định cho 3-4 lao động địa phương. Có người chưa về nước nhưng gửi tiền cho người thân đứng tên đầu tư nuôi trồng thủy, hải sản mang lại lợi nhuận cao.

Việc chưa tận dụng nguồn vốn tích lũy của người đi lao động ở nước ngoài để đầu tư SXKD ở địa phương là một sự lãng phí. Chính vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ, các cấp chính quyền cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng, tái đầu tư nguồn vốn hợp lý sau khi trở về nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast