Gánh nặng những mảnh đời hậu chiến…

Thứ chất độc ghê tởm ấy được tích tụ từ những người cha, người mẹ là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã một thời “ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Đau đớn thay chất độc ấy lại tiếp tục đột nhập và tiêu diệt trí óc thể xác những đứa trẻ vô tội…

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

Gánh nặng những mảnh đời hậu chiến… ảnh 1

Có lẽ sự hăng hái nhiệt tình của Nguyễn Quang Tiến xuất phát từ tình yêu thương con người nên sau chiến tranh trở về anh vẫn đau đáu không nguôi những mảnh đời bất hạnh. Chính vì thế người ta vẫn biết ông chủ tịch “ Hội nạn nhân chất độc màu da cam” làm cái việc vác tù và hàng tổng này, suốt ngày vù đầu mà bổng lộc không theo tới. Lại có đêm Tiến đi cơ sở về trằn trọc không ngủ được khi nhìn thấy cảnh tượng đôi vợ chồng nhà nọ phải chia tay nhau vì người chồng vừa bị nhiễm chất độc da cam rồi lại thêm di chứng tâm thần. Khi cơn lên người đàn ông nọ đã lấy cuốc bới tung nền nhà để đào giao thông và miệng luôn hô “ Xung phong”.. Đã có lần anh mời tôi đi tiếp cận nhân chứng này nhưng lần lữa mãi vẫn chưa tới được.

Chiều tháng bảy sau một cơn mưa nhẹ trời đất có dịu hơn, sau chuyến công du miền sơn cước Hương Sơn về tôi tìm lại gặp Tiến. Căn phòng làm việc của anh hôm nay có được trang bị thêm chiếc quạt nhỏ nhưng vào đây tôi vẫn có cảm giác ngột ngạt, bức bối. Sự bức bối không phải từ căn phòng hẹp mà cái bức bối nhiều nỗi đau xã hội đang còn mắc nợ những người có số phận rủi ro khi nhiều người qua lại chờ đợi trình bày gia cảnh. Tiến xăng xái lục tủ và đưa cho tôi một loạt hình ảnh những căn hộ có những đứa con bị hậu quả của di chứng chiến tranh mang trong mình thứ chất độc dã man nhất hành tinh. Tiến nói: "Chính bọn em nhiều lúc xuống cơ sở thăm gia đình họ, họ không kể nhiều lời nữa mà mình thấu hiểu tâm can họ đau khổ biết chừng nào. Thương đứt ruột mà giải quyết cho hết những nhân chứng này đang là một quá trình dài lắm anh ạ". Khi tôi muốn anh cho biết về các đối tượng nạn nhân chất độc màu da cam, anh đưa cho tôi xem một loạt hồ sơ. Toàn huyện Đức Thọ trong năm 2012 này có gần 1200 trường hợp bị phơi nhiễm chất độc màu da cam. Số người được hưởng chế độ gần 800 người. Hiện tại có hơn 80 gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, 10 gia đình đặc biệt lâm vào cảnh bi đát.

Một gia đình có 3 con bị chất độc da cam
Một gia đình có 3 con bị chất độc da cam

Để tìm được nhân chứng người bị nhiễm chất độc màu da cam của những gia đình nghèo bên kia bờ sông La, tôi đã cùng với cán bộ nhân viên trong phòng của Tiến bưon bả giữa mùa nắng cao điểm, tận mắt chứng kiến những địa chỉ bất hạnh này. Vượt qua cầu Thọ Tường chạy vòng theo con đường rải thảm nhựa, tình cờ tôi gặp một thằng bé đang thả trâu trên bãi, nó hỏi:" Bác tìm ai?".Tôi bảo : "Tìm nhà ông Đào Văn Ngụ ( xóm An Tùng xã Đức Tùng ) . Nó gặng lại "Ông Ngụ có hai đứa con bị tật nguyền a?. "Đúng đấy cháu ạ ". Theo hướng tay của thằng bé chỉ, tôi đi qua ba ngõ nữa là tới nhà. Một ngôi nhà tranh tồi tàn rách nát. Mọi tiện nghi trong gia đình ông đều xộc xệch, cáu bẩn : từ bộ bàn ghế ngồi đến các phương tiện sinh hoạt khác đều chẳng có cái gì đáng giá vài trăm ngàn . Nom đôi mắt của ông trũng sâu và hai gò má gầy tóp lại đủ biết ông Ngụ đã vật lộn với bao nhiêu sóng gió đời thường. Thế nhưng điều tôi không ngờ đến chính người cựu chiến binh này lại từ chối không nhận “hộ nghèo”. Tôi nghe ông Ngụ tâm sự hồi trẻ ông đi bộ đội và tham gia rất nhiều trận chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Một buổi sáng ông thấy máy bay rà xuống thấp ở vùng trận địa. Ông Ngụ cùng đồng đội nép mình vào công sự quan sát. Không thấy chúng thả bom, nhưng lạ quá khi nhìn lên những đám cỏ trước mặt, chúng được phủ lên một thứ chất trắng đục như màu sữa. Đồng đội bảo nhau :"Thằng Mỹ rải thảm chất DIOXIN để hủy diệt rừng đấy ". Mặc dầu đã có tính cảnh giác rất cao, nhưng thứ chất độc ghê tởm này nó như một con sói độc nấp sẵn để rình mồi và ông Đào Xuân Ngụ đã bị chất độc màu da cam ám vào mình lúc nào không biết nữa .

Ông Ngụ trở lại quê hương sông nước của mình, mặc dầu da không hằn lên những vết sẹo của bom đạn nhưng vết thương lòng đã làm cho ông không bao giờ nguôi. Ông Ngụ tâm sự "Tôi lấy vợ từ lúc đi bội đội , 1974 thì vợ sinh đứa con trai đầu là Đào Hữu Phúc, đến năm 1977 thì sinh tiếp cháu trai nữa là Đào Hữu Tiến. Cả hai thằng con đều bị dị hình dị tật, trí nhớ đần độn và ngớ ngẩn. Nhiều lúc ra đường không biết về. Có lần trong lúc tôi đang đi vắng nó định châm lữa đốt vào mái tranh may mà vợ tôi phát hiện kịp ". Nghĩ tới thân phận mình tự nhiên hai khóe mắt ông Ngụ đỏ hoe. Sau chiến tranh trở về ông Ngụ cùng vợ một nắng hai sương chăm lo thửa ruộng khoán của mình, phần chăm cây lúa, phần phải chăm con. Trăm thứ sinh hoạt chủ yếu nhờ vào bông lúa và hơn 700 ngàn đồng phụ cấp chế độ. Đùng một cái vợ ông bị ung thư qua đời. Bây giờ ông Ngụ một mình lại gánh thêm gánh nặng cảnh “gà trống nuôi con” tật nguyền ...

Chất độc da cam (tên tiếng Anh là Agent Orange) là tên gọi một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong thời kì chiến tranh Việt Nam từ 1961 - 1971.

Sau buổi chiều tới Đức Tùng, ngày hôm sau tôi tiếp tục cuộc hành trình để hiểu thêm những cảnh ngộ đáng thương tâm như ông Nguyễn Như Hà ở xã Đức Hòa. Ông Nguyễn Như Hà hồi trước đã từng dũng cảm chiến đấu ở chiến trường núi Bà Đen miền Tây Nam Bộ. Trong lúc bom sôi đạn réo ông khỏe tới mức có thể bê được hai hòm đạn lên vai một lúc. Điều ông cũng không tin được mình lại bị nhiễm chất độc màu da cam. Vợ ông Hà sinh 3 người con thì cả ba đều bị nhiễm chất độc da cam "hạng nặng" đó là : Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Thị Thúy Kiều và Nguyễn Thị Giang. Cháu Nguyễn Đức Tùng bị liệt từ nhỏ và được 2 tháng thì Tùng mất. Hai người con gái đều bị sụn xương và khèo tay. Khi nghe tiếng khách ngoài cổng, Kiều và Giang đã chạy ùa ra. Không phân biệt người quen kẻ lạ, cứ ôm vai bá cổ và giọng lưỡi líu lại không rõ âm .. Một bà hàng xóm bảo với tôi " Cứ nhắc đến gia cảnh bác Hà ai mà cũng thấy đau lòng . Tội nhất là bác gái, hai đứa lớn lồng ngồng như thế mà nhiều lúc phải dỗ nó ăn như trẻ nhỏ . Có lúc cáu lên nó quăng cả bát đĩa, có lúc trời rét hai chị em lội xuống ao ngụp ." . Chiến tranh như một luỡi dao sắc lạnh cứa vào nội tâm hàng trăm, hàng ngàn người cùng cảnh ngộ như ông Hà trong mỗi thôn mỗi xóm của làng quê Việt nam .

Trong nỗi đau về chất độc màu da cam mà tôi gặp hầu như gia đình nào cũng nghèo khó. Cái khổ hơn là họ phải hầu hạ con mình ngay cả chuyện vệ sinh .Tôi đã gặp chị Phan thị Xuân ở xã Tùng ảnh. Nhìn người mẹ này ai lại nghĩ sẽ sinh ra một một đứa con thân hình dị tật như thế . Cháu Lê Thị Hoa (con chị) đã nằm một chỗ trên giuờng hai mươi năm nay. Miệng của cháu mọc tới ba lớp răng, nó tua tủa trông như những mảnh thuỷ tinh vỡ. Do nằm một chỗ nên cái lưng cháu rắn như một thanh gỗ. Đôi cặp mắt trắng dã vô hồn, ráo hoảnh . Chị bảo " Số mình vậy đành phải chịu, kêu ai bây giờ anh. Khổ nhất là mỗi lần cháu tiểu tiện, vì hệ thần kinh không điều khiển được nên em phải mất hàng tiếng đồng hồ giặt giũ, lau chùi ."

Tôi hỏi "Thế ngày trước chị đi thanh niên xung phong hay bộ đội ?"''

Chị Xuân đáp : " Em đi làm công nhân đường sắt . Hồi đó sau tháng 3 năm 1975 em tham gia làm tuyến đường sắt Minh Cầm - Tiên An . Em ở Quảng Trị một vùng đất xới lên mô cũng thấy vỏ đạn . Đến bây giờ em cũng chả hiểu mình uống nước hay ăn rau hoa quả có chất độc ở vùng đất ấy mà nên nông nỗi này”.

Còn đó những gánh nặng đầy vai

Những nhân chứng mà tôi liệt kê ở huyện Đức Thọ có thể chưa phải tột đỉnh đau thương so với những gia cảnh khác trên đất Hà Tĩnh này. Chính vì thế nỗi đau của Đức Thọ chỉ mới là “nét chấm phá” của hậu chiến tranh.

Có người bảo hậu chất độc màu da cam nó là con thú “gặm nhấm người” biết đau mà không ai cứu được. “ Cái đau trong cõi tinh thần. Đã đau một phút lại dần dần đau..”. Nỗi đau từ mỗi gia đình nhân lên nỗi đau toàn xã hội.

Bao người cha, người mẹ vẫn hiểu được rằng : con cái là tài sản vô giá là nguồn hạnh phúc vô biên. Vậy mà biết bao nhiêu những người lại phải cam chịu, khi con cái của mình bị tuyệt vọng tương lai bởi thứ chất độc ghê tởm này. Cái đau của chất độc man rợ hơn tội ác thời trung cổ đã làm băng hoại một phần nòi giống con Lạc cháu Hồng. Hồi chuông về chất độc màu da cam đã gióng lên từ Việt nam, được nhân dân Mỹ và cả hành tinh nghe được và dấy lên làn sống phẫn uất đòi công lý.

Trở lại sự hiện diện những gia đình có người bị chất độc màu da cam tại Đức Thọ và vùng quê khác trên đất Hà Tĩnh nếu không có tình thương của cộng đồng thì họ dễ tủi thân và mặc cảm. Chính vì thế ngoài những đồng tiền quyên góp nhân đạo, hưởng ứng theo phong trào như xây nhà tình thương, trợ cấp lương thực, miễn giảm các khoản đóng nộp xã hội thì việc khám và chữa bệnh miễn phí cho những gia đình này cũng rất cần thiết. Cần có những đội quân lưu động y tế, những tổ chức nhân đạo về tận cơ sở như vùng quê Đức Thọ này. Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là những người làm công tác chính sách xã hội từ mọi ngành, mọi cấp phải hướng dẫn tiếp hồ sơ thật cụ thể. Chiến tranh mang trong mình tật nguyền, nhưng để tìm đến sự thật nhân chứng “ giải quyết hậu quả sau chiến tranh” cũng không dễ dàng chi vì thế họ lại “ phải tiếp tục để hoàn chỉnh những cẩm nang hồ sơ sau bao năm lưu lạc”. Làm vơi nỗi buồn ấy cần lắm những cán bộ chuyên trách nhiệt tình, vô tư, trong sáng..

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast