Gập ghềnh cá “xe”...

Làng biển quê tôi là cửa lạch một thời nổi tiếng về nghề “cá vó” - nghĩa là đánh bắt cá bằng lưới vó ánh sáng... Nhưng rồi, từ một làng biển có ngư trường đánh bắt cho năng suất cao trở thành thị trường tiêu thụ cá “xe”. Thuật ngữ cá “xe” bây giờ trở thành câu cửa miệng của dân làng biển.

Cá “xe” về biển cửa

Cá “xe” ở đây là cá chở bằng xe đông lạnh từ các nơi đổ về “nhập kho”, phân phối cho người nướng cá chở đi bán ở các chợ. Ngày xưa, chiếc xe đạp Phượng Hoàng được cải tiến thành xe chở cá thật tiện, có thể len lỏi vào các đường làng, ngõ xóm, còn bây giờ thì bằng xe máy. Đó là xe “đầu ra”, còn xe “đầu vào” là hàng loạt ô tô các loại đến từ khắp mọi miền.

Cá “xe” từ các tỉnh nhập cho đại lý tiêu thụ.
Cá “xe” từ các tỉnh nhập cho đại lý tiêu thụ.

Nhà tôi ở gần nhà o Lương, một “chuyên gia” cá nướng. Chỉ với nghề nướng cá “xe”, o cũng đủ nuôi cả gia đình. Một ngày làm việc của o bắt đầu từ 4h sáng với chiếc xe máy Tàu gia công lại bộ khung đèo hàng phía sau. Xe tải đều “căn giờ” làm sao đến làng tôi vào khoảng 3-4h sáng, lúc đó chợ cá sáng mới họp. Một chủ đại lý tiêu thụ cá đông lạnh ở đây cho biết: “Làm ăn khó lắm chú à. Xe cá về, chúng tôi phải thanh toán tiền mặt ngay nhưng bán cho chị em buôn cá nướng thì phải cho nợ, có khi 10 ngày sau mới lấy được tiền. Vì thế, riêng tiền vay ngân hàng để “bán chịu” cho phường buôn cá nướng cũng đã lớn rồi”.

Sau khi xếp cá lên xe, o Lương “dong” thẳng một mạch lên chợ Nghèn. Một ngày của o Lương ở chợ Nghèn bắt đầu bằng việc nhóm lửa quạt than, nướng cá ngay tại chợ và bán cho khách hàng. Người dân nông thôn gọi là cá “tàu” (cá được đánh bắt bằng tàu về bán ở lạch Sót. Ít người biết đó là cá “xe” từ nơi khác chở về). O Lương làm phép tính đơn giản khiến tôi giật mình. Cá đến tay người tiêu dùng giá đã tăng gấp đôi, gấp ba.

Cá “xe” cũng lắm nỗi truân chuyên. Thường, các đại lý cá ở làng tôi có đường dây điện thoại “nóng” cho các ngư trường khác, khi có độ chênh lệch giá là lập tức lên đường chở về, không kể ngày đêm, mưa gió. Nhưng đôi khi đại lý chỉ cần tiêu thụ ít lại phải thuê xe nhỏ lên quốc lộ 1 để “tăng bo” chở về. Xe không dừng lại thì làm sao bốc dỡ cá được. Thế là cá lại đội thêm mấy giá nữa. Có lần tôi bắt gặp một xe cá chạy xuống cảng rất sớm trước khi chợ họp. Thì ra đây là một kiểu làm ăn mới khá tinh khôn. Xe chở cá xuống tàu nhỏ đậu sát bờ xong “biến luôn”, xóa tan “hiện trường”. Người mua tưởng cá vừa được đưa từ tàu lên.

Hành trình cá “xe” còn có cá Hàn Quốc, Nhật Bản. Cá Hàn Quốc thường là cá cam; cá Nhật Bản là cá nục to cỡ gần bắp tay. Loại cá này được đông lạnh ngay khi mới đánh bắt lên với công nghệ cao. Những con cá cam to đông cứng nhưng vẫn tươi ngon xếp gọn trong các hộp bìa các-tông với các đai thùng chắc chắn. Một chủ đại lý giải thích. Cá nhập khẩu trước khi đến người tiêu dùng đã được kiểm nghiệm khá kỹ. Chủ yếu cá được nhập vào cảng Hải Phòng, sau đó bốc lên xe đông lạnh chở vào đây. Tuy giá cao nhưng đảm bảo an toàn, không ướp tẩm bằng các chất độc hại như một số lời đồn đại.

Nỗi niềm cạn lạch

Nhớ lại một thời cửa lạch Sót quê tôi thuyền, tàu vào ra tấp nập nhưng nay vắng ngắt vì sông lạch đã cạn, mặc dù ở đây đã xây dựng một cảng cá hoành tráng. Thì ra nguyên nhân chính mà giá cá “xe” đội lên khi đến tay người tiêu dùng là vì cửa lạch cạn, tàu không vào được. Vì thế, phải chạy đến các cửa lạch khác dọc bờ biển như Cửa Nhượng, Cửa Hội để dùng xe tải chở về làng cá lạch Sót. Cảng cá ở đây nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, có dãy núi Nam Giới che chắn bão, nhưng những năm gần đây, lạch Cửa Sót bị bồi lấp gây trở ngại cho tàu thuyền mỗi khi ra, vào cảng.

Lạch Cửa Sót bị bồi lấp gây trở ngại cho tàu thuyền mỗi khi ra, vào cảng
Lạch Cửa Sót bị bồi lấp gây trở ngại cho tàu thuyền mỗi khi ra, vào cảng

“Nếu tàu trên 90 CV về cảng vào thời điểm có triều cường cao nhất thì khó khăn lắm mới vào được cửa lạch” - anh Phạm Văn Hùng, một ngư dân địa phương cho biết.

Ông Lương Hồng Hải chỉ huy con tàu có công suất 135 CV than thở: “Những ngày đánh bắt trên biển chỉ mong vào bờ thật nhanh, an toàn để bán cá. Khi vào đến cửa lạch lại bị mắc cạn mà vẫn cố vào thì dễ gãy chân vịt lắm”.

Một ngư dân tàu cá huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho hay: “Tàu tôi hành nghề ở vùng biển Bắc miền Trung và thường chọn cảng cá này để “nhả” hàng sau những chuyến bám biển. Nhưng có một thực tế là cửa lạch này đang bị bồi lấp quá nhanh, bắt buộc chúng tôi phải chọn bến khác để nhập hàng”.

Thời tiết đã sang thu, nhưng tôi vẫn chụp được hình ảnh cửa lạch cạn với những đụn cát kéo dài nhô lên. Cảng cá không phát huy được hiệu quả kinh tế lại đang xuống cấp mạnh. Toàn bộ nước thải và chất bẩn cảng cá chảy vào bể lắng và được “tống” ra biển, phá hại môi trường sinh thái. Mỗi ngày ở cửa lạch này, triều cường chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ thì tàu thuyền không thể ra vào kịp. Đặc biệt về mùa mưa bão sẽ rất nguy hiểm nếu tàu thuyền mắc cạn.

Bây giờ xây dựng nông thôn mới, đường làng, ngõ xóm quê tôi đã được “phủ” bê tông rộng rãi, chắc chắn, nhưng hành trình cá “xe” vẫn còn bao nỗi gian truân, gập ghềnh. Chỉ ước mong sao dự án nâng cấp nạo vét cảng Cửa Sót sớm được thực hiện. Để ngư dân nơi đây lại ra khơi, để cá “tàu” thay thế cá “xe” và để cửa Sót thông thoáng mở ra biển lớn…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast