Già cậy con?

Cha mẹ vất vả cả đời để nuôi con trưởng thành và luôn mong ước cho con có một mái ấm hạnh phúc, kinh tế vững vàng. Bù lại đến lúc tuổi già cha mẹ vẫn muốn ở gần con cháu để được đỡ đần, nương tựa. Đạo lý của người Việt là vậy song mong muốn tưởng chừng như đơn giản ấy nhiều khi lại rất xa xôi…

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Quê ở Hương Sơn nhưng khi gả chồng cho con gái về thành phố, ông bà Lâm cũng bán nhà đưa theo đứa con trai về ở cùng với vợ chồng con gái. Một mặt bao năm lăn lộn buôn bán nơi thâm sơn cùng cốc đã có tý vốn liếng cộng với tuổi đã cao, mong muốn của ông bà là được sống những ngày yên bình giữa đô thị phồn hoa với ước mơ giản đơn là có thêm chỗ dựa cho đứa con trai sắp vào tuổi trưởng thành. Sau khi bán xong nhà, chưa kịp cầm tiền nóng tay ông bà đã đưa gần hết vốn liếng của mình cho vợ chồng con gái khi cô này than vãn thiếu vốn làm ăn.

Ảnh: Giadinh.net

Nhưng rồi việc kinh doanh của đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn, cộng với gánh nặng gia đình gồm cha mẹ cùng cậu em vợ đang ở độ tuổi “hay ăn hơn hay làm”, chàng rể tự nhiên thay đổi, thường hay cau có, nói năng cục cằn khiến nhiều lần ông bà Lâm tự ái và tủi thân. Gia đình cũng vì thế mà “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi con trai của ông Lâm mượn chiếc xe máy của bạn đem đi cầm đồ và phải đền. Chàng rể trong lúc bức xúc đã đánh cậu em vợ và dẫn đến mâu thuẫn nặng nề hơn khiến ông bà Lâm bắt đầu có ý định tách riêng. Thế nhưng số tiền ông bà đưa cho vợ chồng con gái đã không còn được trả lại mà tàn nhẫn hơn cậu con rể đã tính vào tiền ăn ở của 3 người suốt gần 2 năm ở chung…Nhìn ông bà Lâm giờ như già đi thêm mấy tuổi. Không biết ngày mai cuộc sống của ông bà sẽ ra sao khi mà cả chỗ chui ra chui vào giờ cũng không có…

Không giống như gia đình ông Lâm, bà Liên ở phường Bắc Hà(TP Hà Tĩnh) sau khi chồng mất đã ở giá làm lụng nuôi 4 đứa con trưởng thành, lập gia đình, có công ăn việc làm rồi ra ở riêng. Bao nhiêu năm kiếm được tiền bà đều dồn hết cho những đứa con, giờ ngoảnh lại bà vẫn ở một mình trong căn nhà rách nát mà mỗi ngày mưa to bà lại phải sang ở nhờ nhà hàng xóm. Kinh tế các con có đứa đã có của ăn của để nhưng mặc nhiên với người mẹ lưng đã còng với mái tóc bạc trắng mà không ai trong các con của bà nghĩ đến chuyện nâng cấp hay xây mới cho bà một căn nhà nhỏ đủ để an dưỡng tuổi già. Mới đây thôi, nhờ sự vận động của đoàn khối dân cư, nhiều người đã góp sức, góp của giúp bà xây được căn nhà tình nghĩa. Hôm nhận nhà, trong khóe mắt già nua với những nếp nhăn đầy sương gió của bà Liên đã lăn trào những giọt nước mắt vừa tủi thân, vừa cảm kích trước những tấm lòng của giềng xóm.

Hay như hoàn cảnh của bà Nhâm, một người phụ nữ không chồng có một đứa con trai độc nhất ở Xuân An, Nghi Xuân. Đứa con trai ngày nào còn đỏ hỏn trong tay mẹ giờ đã đến tuổi trưởng thành, phá phách, vào tù ra trại giờ suốt ngày uống rượu, say rồi về lại lôi bà ra đập kể tội đời. Hàng xóm, chính quyền đã nhiều lần can thiệp rồi vẫn đâu lại vào đấy. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy bà Nhâm đôi mắt đỏ hoe, trên người đầy vết trầy xước…

Vĩ thanh

Một bác hàng xóm của tôi tâm sự: “ Sau khi bác trai mất, đã mấy lần bác định chuyển về ở cùng với vợ chồng đứa con nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bác lại thôi vì sợ những va chạm thường ngày làm mất tình cảm. Bác ở gần đây và thỉnh thoảng vợ chồng các con về chơi hoặc gửi cháu như thế bác thấy vui lắm rồi”.

Theo các chuyên gia tâm lý, tinh thần, tâm lý và quan điểm sống ở mỗi độ tuổi thường rất khác nhau. Vậy nên sự hòa hợp trong gia đình phải bắt nguồn từ ý thức của mỗi người. Nếu biết cư xử và nhường nhịn nhau thì dù có khác thế hệ vẫn tìm thấy những điểm chung. Người đứng giữa giải quyết trong những trường hợp mâu thuẫn gia đình thích hợp nhất là người con ruột. Sự răn dạy nghiêm khắc và khuôn khổ ngay từ nhỏ của những bậc sinh thành với những đứa có hoàn cảnh “đặc biệt” là điều hết sức cần thiết. Đã đến lúc chúng ta cũng cần nhìn lại cái nhân, hiếu trong cuộc sống hiện tại. Bởi ngoài những điển hình nêu trên vẫn còn rất nhiều những “hạt sạn” như thế tồn tại trong cộng đồng. Phải chăng, đã đến lúc cần một hồi chuông lớn về nếp sống của không ít người đã bỏ qua những đạo đức tưởng như rất bình thường nhưng lại rất lớn lao đó?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast