Gia đình và nụ cười trẻ thơ

Đằng sau mỗi nếp nhà hạnh phúc chính là nụ cười trẻ thơ. Gia đình chính là nơi an toàn nhất cho trẻ, là yếu tố quyết định đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Gia đình phải thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con trẻ, là “thành trì an toàn” phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trẻ em.

Nghe tiếng xe máy vọng từ xa, cậu con trai út nhà hàng xóm đã reo mừng chạy ra đón mẹ. Nhìn thấy con, chị Hương nở nụ cười hạnh phúc viên mãn và dựng xe để vào bế con. Ở quê tôi (Cẩm Quan - Cẩm Xuyên), gia đình chị Hương được xem là kiểu mẫu, ai ai cũng ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ không chỉ bởi đó là một gia đình hạnh phúc mà còn bởi cách chăm sóc, giáo dục con cái. Cả 2 anh chị đều làm việc ở UBND xã, đồng lương ít ỏi nhưng với anh chị, đảm bảo chăm sóc cho con cái luôn là ưu tiên hàng đầu. Chị Hương chia sẻ: “Mặc dù công việc áp lực và mệt mỏi nhưng mỗi khi về đến nhà, tôi đều mỉm cười thật tươi và gọi tên các con. Tôi cũng thường xuyên quan tâm, hỏi xem con đã làm gì ở trường cũng như kể cho con nghe những câu chuyện vui, ý nghĩa”.

Còn với gia đình anh Nguyễn Văn Hưng (tổ 3, thị trấn Thạch Hà), mặc dù có đến 3 thế hệ cùng chung sống với nhau nhưng ngôi nhà chưa bao giờ vơi ngớt tiếng cười, đặc biệt là tiếng nô đùa của 2 đứa con gái anh Hưng. Theo anh Hưng, bữa tối là lúc để gắn kết các thành viên trong gia đình, là lúc mọi người thoải mái và kể cho nhau nghe những câu chuyện cười, chia sẻ những gì diễn ra trong sinh hoạt thường ngày. Quả thật, xã hội hiện đại cùng với nhịp sống năng động đã kéo mọi cá nhân theo dòng chảy công việc. Thời gian cha mẹ đi làm cũng là thời gian con đi học, cha mẹ về con lại đi học thêm, kể cả ngày nghỉ nên những bữa tối quây quần bên nhau là khoảng thời gian vô cùng quý giá của gia đình! Anh Hưng chia sẻ: “Để các con gần gũi với ông bà và bố mẹ, tôi hạn chế việc xem ti vi, sử dụng máy tính của con mà thay vào đó là quan tâm, trò chuyện nhiều hơn với con. Trong giáo dục con cái, tôi quan niệm người lớn phải làm gương để các cháu noi theo”. Cũng bởi vậy mà nhiều năm nay, gia đình anh Hưng được nhận giấy khen “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của khu phố.

Tổ ấm gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nụ cười trẻ thơ. Ảnh: Phan Trâm
Tổ ấm gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nụ cười trẻ thơ. Ảnh: Phan Trâm

Để nụ cười con trẻ luôn hồn nhiên, gia đình chính là môi trường quan trọng nhất nhưng cũng không thể tách rời trẻ với nhà trường và cộng đồng xã hội. Không chỉ quan tâm tới những vấn đề của trẻ khi sinh hoạt với gia đình mà còn phải biết được những hoạt động của các cháu tại trường học, tại những nơi sinh hoạt cộng đồng để kịp thời ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra. Bởi vậy, chị Phương (xóm 7, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) luôn chủ động tạo mối gắn kết với cô giáo của con mình. Mỗi khi thấy con đi học về với vẻ bực dọc, không vui, chị đều gọi điện hỏi cô giáo xem hôm nay ở trường có chuyện gì xảy ra với con không để từ đó tâm sự, giải thích cho con hiểu. Chị Phương cho biết: “Con trai mình mới 4 tuổi, chưa tự nhận thức được mọi chuyện nên mình phải biết và giải thích, uốn nắn cháu kịp thời để tránh ảnh hưởng đến tâm lý”. Thực tế cho thấy, nhiều bậc làm cha, làm mẹ thiếu quan tâm đến cuộc sống bên ngoài của con, về nhà lại không chú ý đến biểu hiện của các cháu nên dần dần, tình cảm giữa cha mẹ và con cái có khoảng cách. Đây còn là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ rơi vào các tệ nạn như: nghiện game online, bỏ bê việc học, lang thang, vi phạm pháp luật… thậm chí hậu quả nghiêm trọng hơn là trẻ mắc các bệnh trầm cảm dẫn đến tự tử.

Để tạo cho trẻ thơ tiếng cười, cha mẹ cần tạo một bầu không khí yêu thương, gắn bó, quan tâm chia sẻ giữa các thành viên gia đình. Cho dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng khi có trẻ em trong gia đình thì các thành viên phải cố gắng bỏ qua những mâu thuẫn, xích mích để trẻ luôn có cảm tưởng rằng ngôi nhà của mình chính là tổ ấm. Với những trẻ em có thiên hướng xuất hiện một số năng khiếu, cha mẹ cần khuyến khích tạo mọi điều kiện để ươm mầm tài năng. Việc chăm sóc phát triển trí tuệ cho trẻ em có quan hệ chặt chẽ với việc giáo dục, xã hội hóa trẻ em. “Quan điểm giáo dục hiện nay coi gia đình là một trong 3 môi trường giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, gia đình vẫn là trường học đầu tiên và suốt đời của mỗi con người. Đó là bởi vì gia đình có trách nhiệm, là tình cảm và cũng là quyền uy” – ông Tô Quang Quyền - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Sở LĐ-TB&XH chia sẻ.

Tạo tiếng cười trẻ thơ, hay nói cách khác: quan tâm chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, để thế hệ trẻ hôm nay thực sự là những chủ nhân tương lai của đất nước, trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình. Gia đình phải thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con trẻ, là “thành trì an toàn” phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trẻ em.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast