Gia tăng người bị tai nạn lao động và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp

Thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), chăm sóc sức khỏe cho người lao động là điều kiện để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, số doanh nghiệp thực hiện được điều này còn ít và người lao động vẫn phải chịu thiệt thòi.

Doanh nghiệp thờ ơ với sức khỏe người lao động

Đến năm 2010, Hà Tĩnh có 1.407 doanh nghiệp với 44.417 công nhân lao động được quản lý nhưng chỉ có 8 đơn vị có cán bộ y tế; 10 - 15% doanh nghiệp lập hồ sơ vệ sinh lao động cho công nhân. Điều đó đồng nghĩa với chủ doanh nghiệp còn thờ ơ với sức khỏe người lao động. Đây là nguyên nhân gây nên tai nạn lao động và nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp.

Người lao động hiện đang chịu nhiều sức ép về việc làm với môi trường lao động có nhiều tác hại như: bụi, tiếng ồn, rung chuyển, khí độc, phóng xạ... Thế nhưng, hiện nay, việc chẩn đoán và giám định bệnh nghề nghiệp còn yếu cả về tổ chức, nhân lực và trang thiết bị.

Phần lớn người lao động đang thiếu kiến thức về ATVSLĐ-PCCN
Phần lớn người lao động đang thiếu kiến thức về ATVSLĐ-PCCN

Năm 2010, Hà Tĩnh có gần 200 trường hợp bị viêm xoang, viêm mũi, thanh quản cấp, hen phế quản; 15 trường hợp bị bệnh nội tiết; trên 100 trường hợp bị bệnh mắt, tai, tim mạch, bệnh da và hàng trăm trường hợp bị tai nạn lao động. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi vẫn còn nhiều lao động chưa được khám và phân loại bệnh. Trong khi đó chưa phải cơ sở nào cũng quan tâm và có chính sách thỏa đáng đối với công tác chăm sóc sức khỏe người lao động.

Quy trình để người lao động được hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp là người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ (mỗi năm một lần) cho lao động, nếu phát hiện dấu hiệu lao động mắc bệnh nghề nghiệp thì đưa ra hội đồng giám định. Sau khi hội đồng giám định kết luận người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động sẽ tạm ứng tiền khám chữa bệnh và làm thủ tục để nhận chế độ từ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, để tránh tốn kém chi phí và mất thời gian làm thủ tục, nhiều doanh nghiệp đã cố tình làm ngơ trước quyền được khám bệnh định kỳ và phát hiện bệnh nghề nghiệp của người lao động.

Gia tăng người bị tai nạn lao động và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp

Thị xã Hồng Lĩnh có hàng chục mỏ đá, lò luyện măng gan, trạm trộn nhựa đường với hàng ngàn người lao động. Năm 2010 vừa qua, địa bàn có 287 người bị tai nạn lao động, gần 100 người bị các bệnh về mắt, phổi, tai. Riêng tại phường Đậu Liêu, năm 2010 có 122 ca tai nạn lao động vào cấp cứu và điều trị tại trạm y tế, trong đó có 86 ca tai nạn làm tại các cơ sở khai thác đá.

Nhân viên y tế xã Đậu Liên (TX Hồng Lĩnh) chữa trị vết thương cho một lao động
Nhân viên y tế xã Đậu Liên (TX Hồng Lĩnh) chữa trị vết thương cho một lao động

Làng nghề Trung Lương - thị xã Hồng Lĩnh hiện có 1 cơ sở chuyên sản xuất tấm lợp brôximăng (Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Trung Nam). Sử dụng sợi Amiăng trong sản xuất này luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh bụi phổi nếu người lao động không sử dụng đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện bảo hộ cá nhân như: khẩu trang nhiều lớp, kính, quần liền áo, mặt nạ chống bụi; thay quần áo, tắm rửa sau khi nghỉ sản xuất; không ăn uống, hút thuốc nơi sản xuất có bụi vì khi tiếp xúc lâu ngày với Amiăng có thể dẫn đến ung thư phổi, màng phổi, vôi hoá màng phổi. Do bệnh thường xuất hiện sau 10 năm tiếp xúc với Amiăng nên đa số lao động còn chủ quan.

Anh Trần Xuân Cường, ca trưởng - Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Trung Nam cho biết: “Hầu như công nhân làm việc tại đây không được trang bị bảo hộ lao động, còn anh em lao động ít người để ý đến vấn đề này”.

Giải pháp để hạn chế bệnh nghề nghiệp

Theo BS. Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh: Để đảm bảo An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường vì sự an toàn của người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh lao động, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động; tập trung thanh, kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân và các lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, sử dụng điện, khai thác đá và sử dụng vật liệu công nghiệp, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động phải thường xuyên tập huấn các quy định về bảo hộ lao động.

Đối với người lao động, cần trang bị cho mình một số kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, trong khi làm việc phải sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân như: đeo khẩu trang, đeo nút tại, sử dụng mặt nạ chắn bụi, không hút thuốc lá, thuốc lào; thường xuyên rèn luyện thân thể, tắm rửa sau giờ lao động. Đặc biệt, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, nếu phát hiện bệnh thì phải điều trị kịp thời, dứt điểm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast