Góc khuất của quá trình đô thị hóa nông thôn

Công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với đô thị hóa nông thôn là xu hướng tất yếu của phát triển. Những năm qua, Hà Tĩnh đã tranh thủ thời cơ, phát triển CN-TTCN, TM-DV, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình đô thị hóa ở Hà Tĩnh đã phát sinh nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết.

Xu hướng tất yếu

Thành tựu nổi bật trong quá trình phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn ở Hà Tĩnh trong thời gian qua là đã tranh thủ thu hút được nhiều chương tình, dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia. Theo đó, hàng chục ngàn ha đất, phần lớn ở khu vực nông thôn sẽ nhường chỗ cho dự án; hàng vạn hộ dân nông thôn sẽ rời “lũy tre làng” đến sinh sống tại các khu tái định cư tập trung với hệ thống cơ sở hạ tầng và không gian hoàn toàn mang dáng dấp đô thị. Cùng với sự kiện thị xã Hà Tĩnh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với việc mở rộng địa bàn hành chính và đón nhận cư dân khắp nơi đến sinh sống, làm ăn, có thể nói, chưa bao giờ tốc độ đô thị hóa ở Hà Tĩnh lại diễn ra nhanh chóng và rộng khắp như hiện nay.

Nông thôn Kỳ Anh trên đà đô thị hóa
Nông thôn Kỳ Anh trên đà đô thị hóa

Quá trình đô thị hóa đã góp phần tạo bước phát triển đột phá về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật dịch vụ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động theo hướng sản xuất hàng hoá. Kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp; diện mạo nông thôn và đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú và khởi sắc.

Những góc khuất

Bên cạnh những mặt trái do nguyên nhânkhách quan, những khó khăn của nền kinh tế tỉnh nhà đang trong quá trình chuyển đổi và hạn chế trong quản lý, điều hành, đô thị hóa đã và đang phát sinh những vấn đề bức xúc, liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cần được nhận thức đúng và giải quyết hợp lý.

Trước tiên phải kể đến tình trạng nông dân mất đất canh tác do thu hồi phục vụ các chương trình, dự án, khu công nghiệp và mở rộng hạ tầng đô thị. Đến nay, diện tích đất bị thu hồi ở Hà Tĩnh ước gần 10 ngàn ha. Trong đó, 80% diện tích thuộc loại đất hai lúa, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và quý giá bao đời của người dân nông thôn, nền tảng đảm bảo an ninh lương thực của địa phương bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Cùng với số đất bị thu hồi, tình trạng nông dân không có việc làm “ngồi chơi xơi nước” và tiêu tiền trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Cuộc sống của hàng vạn hộ nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền đền bù tái định cư.

Thiếu sự hài hòa trong đô thị hóa sẽ dẫn đến mất cân đối về chất lượng sống
Thiếu sự hài hòa trong đô thị hóa sẽ dẫn đến mất cân đối về chất lượng sống

Những người nông dân một đời quen với ruộng vườn, với hạt lúa củ khoai, bây giờ không có đất để canh tác, không nghề nghiệp. Sự nhàn rỗi cộng với số tiền đền bù khá cao, tạo cho họ một cuộc sống sung túc tạm thời, làm cho họ có ảo tưởng mình là một tỷ phú, từ đó thỏa sức tiêu tiền mà không nhận ra mình đang phung phí chính nguồn sống của tương lai.

Cũng như phần lớn các hộ gia đình ở khu tái định cư xã Kỳ Phương (Kỳ Anh), với số tiền được đền bù gồm cả đất ruộng và đất vườn cộng lại, gia đình bà Lê Thị Lý trích phần lớn để xây một căn nhà khá khang trang hiện đại và mua sắm nhiều vật dụng, số tiền ít ỏi còn lại gửi vào ngân hàng chi tiêu dần. Bà Lý cho biết: “Suốt bao đời vất vả, khổ cực, chưa bao giờ có đồng tiền lớn cầm tay, nay Nhà nước đền bù cho số tiền lớn, là cơ hội để gia đình xây được căn nhà và mua sắm ít đồ dùng. Điều chúng tôi lo nhất là, còn một ít tiền gửi ngân hàng là nguồn sống duy nhất của cả gia đình. Nhiều lúc phải rút cả tiền gốc để đóng tiền học cho con, không biết tương lai rồi sẽ ra sao”.

Sự đổi đời, giàu lên một cách nhanh chóng cộng với sự nhàn rỗi trong môi trường mới mẻ, nhiều cạm bẫy cũng đã tạo cơ hội không thể tốt hơn cho các tệ nạn xã hội phát sinh và phát triển, đặc biệt là trong thanh, thiếu niên.

Nhiều ý kiến đã nhận định, đô thị hóa nông thôn, không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống cho các vùng quê yên bình, mà nó còn gây ô nhiễm nặng nề về đạo đức xã hội cho chính những người đang sống trong môi trường đó. Ông Nguyễn Ngọc Trường, một người dân ở khu tái định cư Kỳ Liên tâm sự: “Là những người làm cha làm mẹ, chúng tôi không thể không lo về các tệ nạn xã hội đang từng ngày phát triển trong thanh, thiếu niên.

Đô thị hóa phải đảm bảo hài hòa

Đô thị hóa, về mục tiêu phải hướng vào phục vụ thiết thực công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát triển nền nông nghiệp toàn diện và bền vững; xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò chủ thể của nông dân… Nhìn lại quá trình đô thị hóa nông thôn ở Hà Tĩnh thời gian qua, dễ thấy còn nổi lên rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, trong đó việc giải đáp bài toán, phải làm gì khi nông dân mất tư liệu sản xuất là vấn đề trọng tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh: “Với xu thế CNH - HĐH, thì không thể không nhường đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp. Tuy nhiên cần phải có sự lựa chọn, những địa phương nào có đất có độ phì nhiêu thì kiên quyết phải giữ để đảm bảo đất sản xuất cho nông dân. Ngược lại, những vùng đất bạc màu, sản xuất kém hiệu quả thì cho chuyển đổi để phát triển công nghiệp. Cùng với đó, cần phải có sự quy hoạch để đảm bảo chất lượng của đô thị hóa, đồng thời đảm bảo được sự phát triển nền nông nghệp bền vững”.

Bên cạnh đó, đối với các vùng tái định cư tập trung, cần có chiến lược đào tạo nghề, giải quyết việc làm để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân biết sử dụng, chi tiêu đồng tiền được đền bù từ các chương trình, dự án có kế hoạch và tiết kiệm. Phối hợp với nhà trường, các cơ sở giáo dục và gia đình đề ra các biện pháp chăm sóc, giáo dục, quản lý thanh thiếu niên, định hướng cho các em biết tiếp thu có chọn lọc những giá trị tốt đẹp của văn hóa, văn minh đô thị. Xiết chặt các biện pháp an ninh, đấu tranh ngăn chặn và từng bước xóa bỏ những tiêu cực, tệ nạn trong đời sống văn hóa xã hội…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast