Hà Tĩnh ban hành công điện yêu cầu chủ động ứng phó diễn biến mưa lũ

(Baohatinh.vn) - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, lượng mưa cả đợt các khu vực dự báo phổ biến 200 - 400mm, khu vực đồng bằng ven biển phía nam của tỉnh khả năng có nơi trên 450mm.

Hà Tĩnh ban hành công điện yêu cầu chủ động ứng phó diễn biến mưa lũ

Sạt lở đất trên tuyến QL 8A thuộc địa bàn xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) ngày 14/10

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hôm nay (15/10), không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống phía Nam.

Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa bắc dải hội tụ nhiệt đới (trên dải hội tụ nhiệt đới có một vùng áp thấp có khả năng mạnh lên), từ đêm nay (15/10) đến ngày 18/10, khu vực Hà Tĩnh có khả năng sẽ xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to.

Lượng mưa cả đợt các khu vực dự báo phổ biến 200 - 400mm, khu vực đồng bằng ven biển phía nam của tỉnh khả năng có nơi trên 450mm; các tuyến sông trên địa bàn có khả năng xuất hiện một đợt lũ lên mức báo động 2 đến báo động 3; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven sông và khu vực đô thị. Đặc biệt, thời gian qua, mưa kéo dài trong nhiều ngày, đất đã bão hòa nước nên rất dễ bị sạt trượt khi có mưa lớn.

Để chủ động ứng phó với tình hình mưa, lũ trong các ngày tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về ứng phó với tình hình mưa, lũ.

UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu, vùng cửa sông, ven biển để kịp thời thông báo cho người dân biết, chủ động phòng tránh. Chủ động triển khai phương án sơ tán dân ở vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn, đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân nơi sơ tán trong trường hợp mưa, lũ lớn kéo dài.

Đối với các hồ chứa vừa và nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro phải có phương án chủ động hạ thấp mực nước hồ để đảm bảo an toàn (mở rộng tràn đã có hoặc mở thêm tràn phụ...); triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều xung yếu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp. Cử người thường trực, hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: Ngầm qua suối, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc... nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc, Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chủ động tranh thủ khi thủy triều thấp mở các cống tiêu để tiêu nước đệm, đồng thời cử cán bộ thường xuyên túc trực để vận hành tiêu thoát lũ, giảm ngập úng.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các công trình trọng điểm: hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên; Sông Rác - Kim Sơn - Thượng Sông Trí, đê La Giang, Khu kinh tế Vũng Áng, Nhà máy Thủy điện Hố Hô, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn, Công trình Ngàn Trươi – Cẩm Trang, chủ động triển khai các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho công trình. Đối với các hồ chứa thủy lợi có tràn điều tiết cửa van, hồ chứa thủy điện cần theo dõi diễn biến mưa, lũ chủ động điều tiết sớm để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; hạn chế tối đa lưu lượng điều tiết qua tràn khi vùng hạ du đang bị ngập lụt sâu.

Đối với các công trình đang thi công, đề nghị địa phương, chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, tổ chức thường trực tại hiện trường 24/24h để ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn cho công trình.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương, cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời chỉ đạo và tuyên truyền cho người dân được biết, chủ động ứng phó.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast