Hà Tĩnh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng được các chuyên gia cảnh báo là một trong những khu vực có tính tổn thương cao do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chỉ tính riêng từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 4 trận lũ lớn gây nên hậu quả kinh hoàng. “Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Hà Tĩnh” là chủ đề mang tính cấp bách đối với ngành chức năng và các địa phương.

“Các chuyên gia nước ngoài cho rằng 80 lần hay một 100 lần hội thảo về BĐKH vẫn còn ít. 200 lần mới chỉ vừa đủ. Thực tế cho thấy, từ Nghị định thư Kioto, Hội nghị Copenhagen đến Hội nghị Cancun mới đây tại Mexico đều thất bại. Bức tranh về BĐKH toàn cầu cho đến nay vẫn rất ảm đạm. Đó là tầm quốc tế. Còn ở Việt Nam thì sao? Chúng tôi đã không dưới 10 lần mang vấn đề này ra bàn bạc với các đại biểu Quốc hội nhưng kết quả vẫn chỉ nằm trong phạm vi…xem xét”, tiến sỹ Phạm Hồng Thái - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đặt vấn đề.

Biến đổi khí hậu ngày càng gây nhiều tác động đến cuộc sống của người dân các vùng dễ bị tổn thương
Biến đổi khí hậu ngày càng gây nhiều tác động đến cuộc sống của người dân các vùng dễ bị tổn thương

Ông Thái nói tiếp, hậu quả của BĐKH là rất lớn nhưng BĐKH là gì? Biểu hiện của nó ra sao? Thế nào là nước biển dâng? Làm thế nào để ứng phó và thích ứng với BĐKH? Những thuật ngữ này không phải ai cũng biết.

“BĐKH là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình trong một khoảng thời gian dài. Biểu hiện của nó là nhiệt độ tăng từ 0,7 - 1,10C trong một nửa thế kỷ. Cùng đó, số đợt nắng nóng cũng tăng lên. Còn nước biển dâng là tại một vị trí nào đó nước biển có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với trung bình toàn cầu vì có sự khác nhau về nhiệt độ của đại dương và các yếu tố khác. Ứng phó với BĐKH là các hoạt động của con người nhằm giảm nhẹ tác hại của nó. Thích ứng với BĐKH chính là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trương thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương và tận dụng các cơ hội do nó mang lại”, tiến sỹ Phan Thị Anh Đào - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Nước và Biển đảo giải thích.

Về những thiệt hại do BĐKH đối với Hà Tĩnh, ông Phạm Hữu Tình - Trưởng Phòng Tài nguyên Nước và Khí tượng Thủy văn (Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh) nói rõ hơn: “Nằm ở khu vực ven biển miền Trung, Hà Tĩnh có khí hậu khắc nghiệt với nhiều thiên tai nghiêm trọng như bão, gió Tây khô nóng, hạn hán, mưa lớn và lũ lụt. BĐKH đã và đang ảnh hưởng đến tài nguyên nước, nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và các ngành kinh tế chủ yếu tại Hà Tĩnh. Cụ thể, đối với nông nghiệp: hạn hán đầu mùa tăng, tăng nhu cầu tưới nước; úng lụt giữa và cuối vụ, tăng nhu cầu tiêu nước; mặn xâm nhập, tăng nhu cầu nước ngọt; diện tích trồng cây vụ đông và cây ưa lạnh co hẹp lại”.

Cũng theo ông Tình, quá trình nghiên cứu cho thấy, trong lĩnh vực thủy sản, tác động của nước biển dâng và xâm nhập mặn đã thu hẹp môi trường sinh sống của các loài cá nước ngọt trên các sông chính: Cửa Hội, Cửa Nhượng; tác động của nhiệt độ nước biển dâng làm thay đổi nơi di cư đối với các loại cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, phá hủy, suy thoái các rạn san hô. Đối với các lĩnh vực khác, BĐKH làm tiềm năng sản xuất điện bị ảnh hưởng, tăng nhu cầu sử dụng điện; cơ sở hạ tầng bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan; phá hoại mùa màng; rửa trôi đất; sạt lở, xâm thực bờ biển…

Mới đây, trong một hội thảo tìm giải pháp cho vấn về BĐKH, đại diện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Trung tâm Tài nguyên Nước và Biển, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh thống nhất: cần rà soát lại quy hoạch vùng miền; cần định hướng quy hoạch lại khu vực dân cư ở những vùng thấp trũng, di dời lên vị trí cao hơn; làm tốt hơn nữa công tác cảnh báo, dự báo; xây dựng thêm các trạm thủy văn đầu nguồn; nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận biết và có kế hoạch ứng phó kịp thời với BĐKH; làm tốt công tác trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng phòng hộ nhằm tăng độ che phủ; tăng cường năng lực phòng chống bão lũ nhằm giảm thiểu những thiệt hại ở mức thấp nhất nếu tình huống không may xảy ra.

Đối với các khu công nghiệp, các chuyên gia đề nghị xây dựng các khu vực xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến; nâng cấp và làm mới các tuyến đường bằng bê tông thay vì bê tông nhựa như hiện nay; hạn chế các phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông; Khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng sạch như ô tô điện…

Một số ý kiến khác cho rằng cần đưa chưa trình BĐKH vào các trường học để nâng cao khả năng ứng xử của các em học sinh đối với BĐKH; đầu tư xây mới các trường học cao tầng để giáo viên và học sinh có nơi trú ẩn an toàn trong những ngày mưa lũ; sớm thành lập các trung tâm điều tra dịch bệnh theo mùa; sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường; giảm sử dụng các thiết bị như máy điều hòa nhiệt độ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast