Hà Tĩnh khốn khó sau trận lũ kép

Lũ kép trong tháng 10 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân Hà Tĩnh. Sau lũ, được giúp đỡ của Chính phủ, các bộ ngành và sự đùm bọc của đồng bào trong và ngoài nước, Hà Tĩnh đã gồng mình khắc phục hậu quả nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Khốn khó

Sau trận lũ chồng lịch sử chừng một tháng, chúng tôi trở lại "rốn" lũ Đức Giang (Vũ Quang). Đường làng, thôn xóm và trên những mái nhà cành cây, ngọn cỏ vẫn còn in hằn vết tích của trận lũ tàn khốc. Nhiều trạm xá tan hoang, trường học đang trơ lại khung nhà. Trụ sở UBND xã vẫn còn đậm vết của nước ngập lên tận nóc nhà. Tỉnh lộ 5 và tuyến liên xã Liên – Hương (đoạn qua trung tâm xã Đức Giang) bị xói lở nhiều đoạn được vá víu tạm bợ.

Nhân dân xã Đức Giang ra quân làm thủy lợi nội đồng sau lũ
Nhân dân xã Đức Giang ra quân làm thủy lợi nội đồng sau lũ

Tranh thủ trời nắng ráo, người dân đổ xô ra đồng, tất bật cho vụ sản xuất đông xuân 2010 - 2011. Trên những bãi đất màu đã phủ màu xanh của ngô, rau. Anh Lê Xuân Đông ở xóm Văn Giang cho biết: Sau lũ, nhờ nắng hửng kéo dài mà đã kịp cày bừa, trồng hai sào ngô và rau để chuẩn bị cho ngày giáp hạt, khoảng mươi ngày nữa là có rau bán. Anh Đồng còn cho biết thêm, nhờ có Chính phủ và tấm lòng thơm thảo của bà con cả nước mà chúng tôi có đủ gạo ăn tùng tiệm trong một vài tháng tới.

Xóm trưởng xóm Văn Giang cho biết: Cả xóm có 47/47 ngôi nhà bị ngập từ 2-3 mét, hơn một nửa số hộ phải sơ tán người, tài sản và trâu bò lên vùng cao. Tuy bị ngâm lụt gần 20 ngày, nhưng sau lũ bà con lo vệ sinh môi trường, nhà cửa và giúp nhau dựng lại những nhà cửa bị trôi, xiêu vẹo để sớm ổn định cuộc sống. Tại xóm Văn Giang này, chúng tôi được chứng kiến tình cảm của những người dân đang giúp gia đình anh Trần Văn Huân tôn lại chỗ nền bị trôi và xây lại chỗ tường nhà bị đổ...

Sau lũ, Đức Giang có 44 đoàn cứu trợ đến thăm và tặng gần 1,2 tỷ đồng cùng 87 tấn gạo cùng một số đồ dùng thiết yếu khác. Ngoài ra, tỉnh, huyện hộ trợ giống ngô, lúa cao sản để sản xuất vụ đông xuân. Đức Giang đã gieo trỉa được 40 ha ngô, đậu Hà Lan và rau các loại. Nhiều nơi, rau ngô đã bắt đầu lên xanh. Cũng như các xã khác trong huyện, bà con Đức Giang đã trồng rau, ngô, khoai lang mật độ dày để chống đói và phục vụ chăn nuôi trâu bò, hươu...sau lũ.

Đức Giang là một trong bảy xã của huyện Vũ Quang bị thiệt hại nặng nề do lũ gây ra. Toàn xã có 580/824 ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ. Ngoài tài sản nhân dân bị hư hại do mưa lũ, thì điều đáng ngại nhất là đường giao thông và kênh mương cứng bị hư hỏng và xuống cấp hơn 10 km; Đập tràn Bãi Trạng bị hư sập; trạm xá chưa thể đưa vào hoạt động... Thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng, trong đó cơ sở hạ tầng chiếm gần 2/3. Đặc biệt, Đức Giang là một trong những địa phương của huyện Vũ Quang bị tình trạng cát bao phủ nặng nề. Sau lũ, toàn bộ khu vực trường học các cấp, trạm y tế, trụ sở UBND xã và gần 50/129 ha đất “bờ xôi, ruộng mật” bị cát bao phủ, có nơi dày cả mét.

Chị Trần Thị Soa ở xóm Văn Giang ngán ngẩm: “Cả gia đình chỉ nhìn vào hai sào ruộng màu mỡ nhưng bây giờ cát bồi thế này không biết tính làm sao. Nước lũ tràn về đã cuốn hết tài sản, lúa gạo, bây giờ còn để lại hậu quả thế này!”.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Giang Bùi Duy Hoàn cho biết: “Chỉ riêng việc bị “sa mạc hóa” đồng ruộng đã làm cho việc triển khai trồng vụ Đông Xuân của Đức Giang gặp nhiều khó khăn và phải mất nhiều thời gian mới có thể cải tạo đồng ruộng như trước lũ!”.

Theo Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn: Sau xã Đức Giang, là các xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Ân Phú, Đức Liên, Hương Minh… cũng bị thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân cùng với nhiều công trình thuỷ lợi, đường giao thông, trường học, y tế và đồng ruộng bị “sa mạc hoá” (chiếm khoảng 1/3 diện tích đất lúa toàn huyện) nhiều diện tích phải còn lâu mới khôi phục lại được như cũ.

Không riêng gì Vũ Quang mà còn rất nhiều địa phương khác ở Hà Tĩnh đang gặp phải muôn vàn khó khăn sau trận "lũ chồng" trong tháng 10 vừa qua. Và, phải mất một thời gian khá dài nữa mới có thể khôi phục lại, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Cần sự hỗ trợ

Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2015-2020, trở thành tỉnh công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay Hà Tĩnh vẫn là tỉnh nghèo, khi thu nhập đầu người mới hơn phân nửa bình quân cả nước, thu ngân sách mới vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng/năm, gần 80% dân số sống ở nông thôn và liên quan đến nông nghiệp. Hậu quả của trận lũ lịch sử này không chỉ phá hỏng hạ tầng kỹ thuật mà Hà Tĩnh đã xây dựng trong nhiều năm mà còn gia tăng tỷ lệ đói nghèo và cận nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa...

Nông dân Hà Tĩnh đang dồn sức chuẩn bị sản xuất đông xuân nhằm vớt vát thiệt hại sau trận "lũ chồng" vừa qua
Nông dân Hà Tĩnh đang dồn sức chuẩn bị sản xuất đông xuân nhằm vớt vát thiệt hại sau trận "lũ chồng" vừa qua

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết: Sau lũ, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra Nghị quyết 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2010 và những giải pháp về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai những năm tiếp theo. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực phối hợp với sự hỗ trợ của Trung ương để giải quyết những công việc trước mắt, như cứu tế cho người dân vùng lũ và vệ sinh môi trường nên đã không xẩy ra tình trạng dân bị đói, rét, thiếu thuốc điều trị, cũng như dịch bệnh bùng phát. Với sự giúp đỡ của xóm làng và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong cả nước nên 396/396 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi đang được xây dựng mới, khang trang với giá trị từ 40-50 triệu đồng/nhà...

Chính quyền và người dân Hà Tĩnh đang gồng mình vượt qua những khó khăn trước mắt do lũ lụt gây ra, nhưng về lâu dài để ổn định cuộc sống người dân vùng lũ thì Hà Tĩnh đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, trong đó là hệ thống cầu cống, đường xá, hồ đập, kênh mương... bị hư hỏng nghiêm trọng, thiệt hại ước hơn 3.500 tỷ đồng, chiếm hơn ½ tổng thiệt hại do lũ gây ra đối với Hà Tĩnh. Đây là những công trình có ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến đời sống dân sinh của người dân vùng lũ. Đặc biệt các công trình như: cầu tràn Hương Đô, đập Động Dài (Hương Khê); cầu Hương Thọ, đập tràn Bãi Trạng (Vũ Quang); đập Khe Bình, cầu Cố Quảng, tuyến đường tuần tra biên giới (Hương Sơn); Kênh T9 (Can Lộc); đường liên xã Rú Dầu – Chùa Am- Chợ Nướt (Đức Thọ); cầu Chợ Vực (Cẩm Xuyên); tuyến tỉnh lộ 5, đường Hồ Chí Minh (ngã ba Phúc Đồng)... cùng nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện khác cần được sửa chữa, nâng cấp hay làm mới cho phù hợp với tình hình lũ lụt hiện nay.

Bên cạnh đó, ở những vùng dân cư dọc các con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Ngàn Trươi, Sông La... cần phải xây dựng nhiều cụm công trình hạ tầng kỹ thuật vượt lũ (điện, đường, trường, trạm, khu dân cư...) gắn với xây dựng nông thôn mới để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu. Ngoài ra, trang thiết bị cơ sở vật chất của các trường học, trạm y tế ở vùng lũ cần sớm được bổ sung. Những vấn đề này thực sự nằm ngoài khả năng của một tỉnh nghèo. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, Hà Tĩnh rất cần sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương... để vượt lên sau trận lũ lịch sử này.

Được sự quan tâm ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, Hà Tĩnh đã có hơn 1.300 đoàn đến cứu trợ với tổng trị giá khoảng 130 tỷ đồng. Trung ương cũng đã hỗ trợ tỉnh 5.000 tấn gạo và 285 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai công tác phân phối hàng cứu trợ kịp thời đến nhân dân các vùng ngập lụt; đã hỗ trợ trực tiếp 125 tỷ đồng gồm nhiều đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt, sản xuất. Hà Tĩnh đã và đang dồn sức khôi phục nhanh kết cấu hạ tầng KT-XH, trước hết là các cơ sở y tế, trường học, điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, thông tin liên lạc... Sau lũ, các địa phương đều tổ chức lễ ra quân làm thủy lợi, hội thi làm đất bằng cơ giới. Đến nay cơ bản các địa phương vùng lũ đã ổn định, tổ chức triển khai sản xuất vụ Đông Xuân nhằm phấn đấu đạt khoảng 30 vạn tấn lương thực để bù lại một phần thiệt hại do lũ lụt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast