Hàng ngàn m2 đất nông nghiệp “biến” thành tài sản riêng!

Một doanh nghiệp tư nhân và một hộ gia đình tại thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) dễ dàng “qua mặt” chính quyền và ngành chức năng ở huyện, khai thác trái phép hàng ngàn m3 đất nông nghiệp tại khu vực Trại Lợn, xã Gia Phố để sản xuất gạch suốt một thời gian dài mà không hề nộp một cắc thuế tài nguyên nào!

Biến đất nông nghiệp thành… gạch!

Doanh nghiệp tư nhân sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) Khánh Trang thành lập tháng 5/2003, do bà Đặng Thị Oanh - trú tại khối 3, thị trấn Hương Khê làm giám đốc (Bà Oanh là vợ ông Khang – hiện là Chánh Văn phòng UBND huyện Hương Khê).

Nhà máy sản xuất gạch thủ công của bà Oanh được thay thế bằng nhà máy gạch tuy-nel, mặc dù chưa có giấy phép!
Nhà máy sản xuất gạch thủ công của bà Oanh được thay thế bằng nhà máy gạch tuy-nel, mặc dù chưa có giấy phép!

Sự có mặt của doanh nghiệp này vào thời điểm ấy đã góp phần khá quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế địa phương, nhất là đối với một xã miền núi như Gia Phố. Tuy nhiên, điều đáng nói là doanh nghiệp này hoạt động không tuân thủ pháp luật; không được cấp có thẩm quyền cấp phép mà tự ý đứng ra gom đất nông nghiệp của các hộ dân để làm lò gạch!

Kể từ ngày thành lập cơ sở sản xuất gạch thủ công đến năm 2008, doanh nghiệp mới lập dự án thay đổi sản xuất theo mô hình sản xuất gạch tuy-nen mịn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các thủ tục cần thiết theo phương thức sản xuất mới vẫn đang nằm... trên giấy! Một điều kiện quan trọng nhất, là giấy phép cấp mỏ cho phép doanh nghiệp được phép khai thác đất làm gạch, đến nay vẫn chưa có.

Chưa nói đến việc doanh nghiệp sản xuất thủ công “chui” trong suốt 5 năm qua, trốn không biết bao nhiêu là tiền thuế tài nguyên, mà nguy hiểm hơn, vùng đất Trại Lợn do DN Khánh Trang đào đất, làm lò gạch thủ công từ năm 2003 đến nay là đất hoa màu của nông dân; doanh nghiệp đã tự thương lượng với các hộ dân và nghiễm nhiên biến quyền sử dụng trên diện tích đất đó thành của mình, muốn làm gì thì làm, không cần xin phép cơ quan có thẩm quyền!

Sau nhiều năm doanh nghiệp tuỳ tiện lấy đất sản xuất nông nghiệp làm gạch, đến cuối năm 2008, không hiểu nguyên do gì mà UBND huyện Hương Khê lại chuyển vùng đất này thành vùng sản xuất gạch. Liệu có phải đây là việc để hợp thức hoá việc khai thác đất sản xuất làm gạch từ bấy lâu nay?!

Việc “tiền trảm, hậu tấu” này, quả là khó chấp nhận! Quy hoạch vùng Trại Lợn thành vùng đất sản xuất gạch mới được duyệt từ năm 2008, nhưng thực tế hàng ngàn m2 đất nông nghiệp trong tổng số 3ha này đã bị lấy làm gạch và xây dựng từ 5 năm nay rồi!

“Cán bộ đi trước, làng nước đi theo”!

Thấy vợ chồng bà Oanh, (ông Lê Đức Khang lúc bấy giờ là Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy huyện Hương Khê) mở nhà máy sản xuất gạch trên vùng đất nông nghiệp, vợ chồng Trần Đình Đức -Trần Thị Hoàng, trú tại khối 14, thị trấn Hương Khê cũng không bỏ lỡ cơ hội, lập tức “vào cuộc”. Và, khu đất rộng chừng 1ha cận kề với doanh nghiệp Khánh Trang cũng trở thành toàn quyền sở hữu của gia đình này từ đó.

Vùng đất sản xuất nông nghiệp bị đào sâu hơn 3m, xung quanh là khu sản xuất và làng mạc...
Vùng đất sản xuất nông nghiệp bị đào sâu hơn 3m, xung quanh là khu sản xuất và làng mạc...

Trên phần đất thuộc doanh nghiệp Khánh Trang hiện nay đang mọc lên một lò gạch tuy-nel với công suất 6 triệu viên /năm. Còn lò gạch Đức –Hoàng là 2 lò gạch thủ công đang tạm dừng hoạt động vì gạch tồn kho còn nhiều. Đất của doanh nghiệp Khánh Trang và đất của vợ chồng Đức-Hoà, vốn là vùng đất sản xuất rộng mênh mông, nay bị đào sâu đến trên 3 mét để lấy đất làm gạch, tạo thành một hồ nước sâu hoắm.

Sát đó, một vài hộ dân vẫn trồng ngô; cách đó vài trăm mét là khu dân cư... 2 hồ nước rộng mênh mông, sâu hoắm này sẽ là ẩn hoạ đối với người dân, nhất là trẻ em, khi mùa mưa đến, bởi xung quanh cái hố khổng lồ này không hề có hàng rào che chắn!

Nguy hiểm hơn, nếu có lũ lớn, với hố đất bị đào sâu đến 3 mét, rộng hàng trăm m2 này, nước lũ có thể xói lở, lấn sâu vào khu dân cư, gây thiệt hại khôn lường!

Trách nhiệm thuộc về ai?

Có vẻ như đang còn ốm, lại bị “mời” làm việc nên bà giám đốc Oanh tỏ ra rất miễn cưỡng khi tiếp xúc với chúng tôi. Sau khi cho chúng tôi xem tấm bản đồ quy hoạch sử dụng đất tại khu vực Trại Lợn vừa mới “lo” được từ đất nông nghiệp chuyển sang đất sản xuất VLXD, bà Oanh bắt đầu nói về mô hình sản xuất gạch mới theo hướng dẫn của Sở KH &CN.

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề khai thác đất nông nghiệp để sản xuất gạch một cách tùy tiện từ 5 năm nay thì bà giám đốc thay đổi thái độ và xẵng giọng nói: “Các anh là nhà báo thì phải ủng hộ doanh nghiệp chứ! Đối với lò gạch thủ công thì làm gì cần giấy phép. Tôi khẳng định với các anh, không chỉ 5 lò gạch thủ công ở huyện Hương Khê mà tất cả các lò gạch thủ công trong toàn tỉnh cũng đều không có giấy phép!”.

Khi hỏi: Chị nộp phí tài nguyên cho ai? Bà Oanh tỏ ra lúng túng, không trả lời...
Khi hỏi: Chị nộp phí tài nguyên cho ai? Bà Oanh tỏ ra lúng túng, không trả lời...

Phải chăng, nghĩ rằng đã trả tiền mua đất cho các hộ dân nên không cần giấy cấp phép khai thác mỏ của cấp có thẩm quyền? Thế nhưng, trên bàn làm việc của bà giám đốc lúc đó chúng tôi nhìn thấy quyển: Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật...

Ông Lê Quang Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phố, cho biết: “Phần đất ấy được giao cho các hộ dân xóm 1, nhưng do đất xấu nên “nghe nói” họ đã bán cho doanh nghiệp Khánh Trang và vợ chồng Hoàng-Đức, nên việc thu thuế thuộc về Chi cục Thuế huyện Hương Khê. Cả doanh nghiệp Khánh Trang và anh chị Hoàng Đức chưa bao giờ đến đây để làm thủ tục cũng như làm nghĩa vụ thuế gì đối với địa phương”.

Đề cập đến vấn đề, nếu đất xấu, dân “chê” không sản xuất, xã cần phải thu hồi để có phương án sử dụng vào mục đích khác chứ không được để dân tự ý bán cho các đơn vị làm gạch như vậy được, ông Hoà thẳng thắn thừa nhận: “Đó là thiếu sót của chúng tôi!”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Hương Khê, ông Nguyễn Thành Tân lại khẳng định, theo quy định, thu thuế tài nguyên là trách nhiệm của chính quyền địa phương!

Vẫn biết là những lò sản xuất gạch thủ công này đi vào sản xuất đã lâu, nhưng ông Lê Xuân Việt - Phó phòng TN&MT huyện Hương Khê lại nói rằng, hiện tại phòng không lưu giữ của các cá nhân và doanh nghiệp bất kỳ thủ tục gì.

Trong suốt một thời gian dài hơn 5 năm, doanh nghiệp Khánh Trang và gia đình Đức-Hoàng tự ý thương lượng với dân và mặc sức đào hàng ngàn m3 đất nông nghiệp làm gạch nhưng các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và chính quyền địa phương xã Gia Phố, huyện Hương Khê vẫn không hề có ý kiến gì!.

Khi hỏi, vì sao Phòng biết đất nông nghiệp bị lấy làm gạch mà cả một thời gian dài không có ý kiến gì, ông Việt không trả lời... Còn ông Ngô Xuân Ninh - Trưởng phòng TN&MT Hương Khê lại cho hay: “Chúng tôi đang hướng dẫn họ… làm thủ tục?!”

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Vinh - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Hương Khê, khẳng định: “ Trong việc vi phạm này, nếu cán bộ của chúng tôi có liên quan thì sẽ bị xử lý nghiêm, dù người đó là ai. Đương nhiên, việc trốn thuế tài nguyên cũng sẽ bị truy thu...”.

Không biết, số tiền trốn thuế tài nguyên của 2 doanh nghiệp này từ 5 năm nay có được huyện Hương Khê truy thu như lời của ông Vinh?! Và huyện Hương Khê sẽ tính truy thu như thế nào nhưng rõ ràng việc làm sai trái trên đã để lại hậu quả không nhỏ!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast