Hạnh phúc được làm việc và cống hiến

(Baohatinh.vn) - Họ có thể là một Tổng đội Phó Tổng đội TNXP, Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân gái trong chiến tranh hay là nữ chủ trang trại… trong thời bình. Điểm chung nhất của họ là cống hiến, hy sinh không mệt mỏi cho đất nước, quê hương nhưng lại vô cùng giản dị giữa đời thường.

Những phụ nữ bình dị:

Báo Hà Tĩnh điện tử xin giới thiệu đến bạn đọc một số gương mặt trong số hàng trăm ngàn phụ nữ Hà Tĩnh hôm nay.

Vào Đảng lúc 21 tuổi

Người phụ nữ phúc hậu này đã 50 tuổi Đảng, 72 tuổi đời, hàng ngày vẫn đạp xe tới làm việc tại Hội cựu TNXP Hà Tĩnh. Khiêm tốn, điềm đạm, nhưng đằng sau đó là sự cống hiến khiến chúng ta nể phục.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cha mẹ đều là nông dân ở thôn Đại Đồng, xã Kỳ Văn (Kỳ Anh), chị Lương Thị Tuệ là người chịu khó, chịu khổ và tự lập sớm.

Bà Lương Thị Tuệ (người thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Phạm Thế Duyệt tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (năm 2002).

Bà Lương Thị Tuệ (người thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Phạm Thế Duyệt tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (năm 2002).

Chị Tuệ thành thật: “Mình sinh năm 1945, khi cả nước có tới 2 triệu người chết đói, nhưng gia đình vẫn yên ổn và mình vẫn khỏe mạnh từ nhỏ tới già. Kể cũng lạ...”.

Ngày ấy đã xa mờ như khói, như sương, nhưng “đốm lửa hồng” của ký ức vẫn thắp sáng mãi. Bà Loan - mẹ chị sinh hạ được 7 người con, chị Tuệ là con thứ ba trong gia đình. Người anh thứ hai của chị đi bộ đội và hy sinh tại chiến trường miền Nam lúc 20 tuổi. Cha mẹ đã tảo tần nuôi chị học xong lớp 7. Thời ấy, số học sinh thuộc diện như chị ở làng không nhiều.

Ở tuổi “gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” lại được tắm mình trong khí thế miền Bắc “mỗi người làm việc bằng hai”, chị Tuệ đã được giác ngộ lý tưởng cao đẹp của thanh niên thời đại Hồ Chí Minh: “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng cần, dân gọi”. Với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, “nói ít, làm nhiều” nên chị đã được các đoàn viên mến phục bầu làm bí thư chi đoàn.

Một năm sau, chị được bầu làm Bí thư Đoàn xã Kỳ Văn, trực tiếp tổ chức, chỉ đạo đoàn viên thanh niên tiến công vào mặt trận sản xuất nông nghiệp, với các phong trào làm bèo hoa dâu, thủy lợi, phân xanh. Bí thư đoàn xã như con thoi đến từng thôn, tới từng lối ngõ, vận động tuổi trẻ đào hố ủ phân, tư vấn về kỹ thuật. Bản thân chị Tuệ còn leo núi chặt hoàng xà về ủ phân xanh, cuốc bộ cùng đoàn viên hàng chục cây số gánh bèo hoa dâu về thả xanh đồng.

Rồi những ngày làm chiến dịch thủy lợi, sớm dậy, sương chưa tan, trong tay chị đã đầy đủ quang gánh và cuốc xẻng cùng lớp lớp thanh niên nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng, ngăn bờ thửa, khơi thông dòng chảy đón nước về đồng. Với hàng trăm ha bèo hoa dâu phủ kín đồng, hàng ngàn tấn phân xanh, Đoàn xã Kỳ Văn đã dẫn đầu phong trào thi đua toàn huyện. Ngày 3/3/1966, chị được cấp ủy Kỳ Văn kết nạp Đảng, lúc mới 21 tuổi.

Tình yêu thử thách qua khói lửa

Thời gian ở địa phương, chị được cấp trên giao làm Trưởng trạm Trung chuyển K7-K10 để đón đồng bào Vĩnh Linh sơ tán, làm Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Văn. Rồi chị đi TNXP, làm Đại đội trưởng C555, Tổng đội Phó Tổng đội TNXP Hà Tĩnh chỉ huy hàng trăm TNXP “vác đá, vá đường” ở những nơi ác liệt nhất. Hết chiến tranh, chị tiếp tục tự học. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp cảm phục chị ở bản lĩnh, đức khiêm tốn, tính trung thực. Tuổi thanh xuân của chị Tuệ lấp lánh những huyền thoại. Nhưng chuyện khiến tôi cảm động nhất là mối tình của chị.

Chị Tuệ kể: Năm 1965, khi vừa tròn 20 tuổi, chị đính ước với anh Phạm Xuân Sính (quê Kỳ Thọ). Ba ngày sau, anh Sính lên đường nhập ngũ rồi biền biệt tin tức. Chị cũng gia nhập TNXP. Chiến trường ác liệt, sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ. Con gái có thì, mẹ chị giục: “Con đừng chờ đợi nữa, liệu mà lấy chồng đi”. Đoan trang và khỏe mạnh như chị Tuệ, không ít chàng trai ngỏ lời. Nhưng chị Tuệ vẫn một mực thủy chung với anh Sính.

Rồi sự kiên tâm chờ đợi ấy đã được đền đáp. Năm 1973, sau 8 năm trời đằng đẵng, một buổi chiều tháng bảy, một đoàn xe từ Nam ra chở hàng chục cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân. Xe chạy rất nhanh nhưng một người trong xóm chị Tuệ đã nhặt được một lá thư viết vội ném từ trên xe xuống đường. Lá thư anh Sính đã trở thành thông điệp vui cho không chỉ riêng bản thân chị mà cả 2 gia đình và bà con xóm làng. Cuối năm 1973, sau đợt an dưỡng 3 tháng tại Vĩnh Phú, anh Sính về quê và tổ chức lễ cưới. Xuất ngũ, anh chuyển về Ty Nông nghiệp Hà Tĩnh công tác. Chị Tuệ cũng hết nghĩa vụ TNXP, về làm cán bộ tuyên huấn Hội LHPN Hà Tĩnh.

Xây dựng tổ ấm gia đình từ hai bàn tay trắng, cuộc sống đời thường dẫu gieo neo, vất vả nhưng anh chị vẫn sống rất hạnh phúc. Chị Tuệ sinh được 2 con trai, con đầu là Phạm Lương Kiên, con thứ hai là Phạm Lương Trung. Chữ Trung và chữ Kiên “ghép lại” như ý chí, bản lĩnh và niềm tin sắt son với Đảng của vợ chồng chị. Nhưng hạnh phúc chưa đầy đặn, rủi ro lại đến với gia đình chị. Năm 1979, do di chứng sốt rét ở chiến trường, anh Sính bị sưng lách nặng và vĩnh viễn ra đi, để lại cho chị 2 đứa con thơ dại.

Còn sức, còn cống hiến

Với bản lĩnh phi thường, biết hy sinh nên chẳng nhiều lời, chị Tuệ đã vượt qua nỗi đau, vượt qua những thiếu đói thời bao cấp, gánh trọn 2 vai việc nước nhà, nuôi con khôn lớn. Có lẽ, tính ham làm, bám sát thực tiễn và ham học đã thấm sâu vào máu thịt chị.

Rồi chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Vừa phải lo đối nội, vừa phải lo đối ngoại, nhưng mọi công việc được giao chị đều hoàn thành xuất sắc. Dấu ấn thành công nhất của chị khi ở cương vị này là tổ chức cho phụ nữ tích cực tham gia phong trào xóa đói, giảm nghèo. Chị tất bật, lúc ra Hà Nội, lúc lên Hương Sơn, lúc vào Kỳ Anh. Không có nơi nào thiếu bước chân của bà Phó Chủ tịch hội. Nhờ tháo vát, năng động, thông qua tổ chức của Hội LHPN Việt Nam và ngành ngoại giao, chị đã kết nối được với các tổ chức OXFAM Anh, OXFAM Bỉ, Quỹ Nhi đồng Anh cho chị em phụ nữ Hà Tĩnh vay 1 triệu USD thực hiện dự án xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, cuộc sống của hàng trăm gia đình phụ nữ được cải thiện, đồng vốn vay sinh sôi, phong trào được tiếp tục nhân rộng. Năm 1996, chị được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh; năm 2000, được vinh dự tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Đã 15 năm nghỉ hưu, vào tuổi “thất thập” nhưng chị vẫn tham gia BCH Chi bộ phường Hà Huy Tập, làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh. Hình ảnh người phụ nữ ngược xuôi trên những chuyến xe giữa ngày đông giá rét đi khắp các miền quê trong tỉnh để vận động, thăm hỏi, trao quà tết, xây nhà tình nghĩa… cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp tư liệu lịch sử cho các nhà báo… trở nên quen thuộc. Chị thuộc hoàn cảnh từng đồng đội cũ, tên tuổi các cán bộ hội và luôn đau đáu làm gì để đời sống cựu TNXP bớt khó khăn. Có người hỏi “đi nhiều như thế có mệt không?”, chị cười: Trái lại, tôi càng đi, càng thấy vui và khỏe lên nhiều!

Chị Tuệ tâm sự: “Được trở về từ cuộc chiến và có 2 con khôn lớn, trưởng thành, với tôi, đó là hạnh phúc. Nhiều đồng đội khác đã mãi yên nghỉ trong lòng đất. Những người còn sống như tôi phải tiếp tục làm việc. Còn sức, còn cống hiến. Đó cũng là lẽ thường”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast