Hạnh phúc trong tầm tay

(Baohatinh.vn) - Trải qua lịch sử đầy biến động với nhiều nỗi đau thương, trong đó có chiến tranh và chia rẽ, tháng 6/2012, Liên hợp quốc đã chọn ngày 20/3 hàng năm là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Sự kiện này chứng tỏ, niềm hạnh phúc của con người là giá trị cao quý mang tính nhân loại, cần được tôn vinh và nỗ lực hành động để ai cũng có thể đạt được. Đó cũng là cơ sở để xây dựng một xã hội ôn hòa, khoan dung và tiến triển.

Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

Hạnh phúc là sự hài lòng

Hạnh phúc cũng như tự do, bình đẳng, nhân quyền… là giá trị chung, phổ quát của nhân loại. Đã là con người, thì bất kể dân tộc nào, tôn giáo nào, cách thức thực hành ra sao, đều mong muốn đạt được các giá trị chung đó. Tuy nhiên, không giống như các giá trị khác, hạnh phúc do chỗ gắn với cảm xúc, nên luôn dao động về ý nghĩa tùy từng nhận thức, quan niệm. Bởi vậy, không ít người bằng nỗ lực và tinh thần duy lý đã mải miết tìm hạnh phúc để rồi luôn nhận thấy bất an, mất cân bằng và hao mòn sức khỏe.

Hạnh phúc trong tầm tay mỗi người. Ảnh: internet
Hạnh phúc trong tầm tay mỗi người. Ảnh: internet

Thời chiến tranh, khi người lính trở về từ chiến trường, gặp lại người thân nơi hậu phương thường mừng mừng, tủi tủi đến rơi nước mắt. Đó là hạnh phúc, bất luận, sau đó, vợ chồng phải đối diện với đói nghèo. Đó là khi người mẹ khi vượt cạn thành công, cười mãn nguyện nhìn đứa con mới chào đời. Trong những trường hợp này, hạnh phúc là trạng thái cảm xúc nhất thời, mãnh liệt của cá nhân. Những trạng thái ấy sẽ qua nhanh để thay thế bằng những trạng thái khác. Đó chính là sự biến đổi của khái niệm hạnh phúc. Lúc này, hạnh phúc trong quan niệm lại được bù đắp bởi những đòi hỏi khác cao hơn, bởi thế, nó làm nhọc lòng không ít người.

Có người cho rằng, tiền nhiều, nhà cao, xe đẹp mới là hạnh phúc. Có người lại cho rằng, con cái khỏe mạnh, giỏi giang là hạnh phúc… Điều đó có nghĩa, nếu không đạt được những điều trên, con người chưa có niềm hạnh phúc, thậm chí, chỉ con người hiện đại với đầy đủ tiện nghi mới có hạnh phúc (vì thời kỳ trước làm gì có nhà cao, xe đẹp…). Ở đây, hạnh phúc là cảm nhận của cá nhân, được đánh giá bằng sự hài lòng về những điều đang có.

Hạnh phúc là trong một thời điểm cụ thể, một người đang sống với những tình cảm, trạng thái tốt nhất cả về thể chất, tinh thần, toàn bộ năng lượng mà người ấy đang có; chứ không phải là sống theo mong muốn của ai đó, hoặc quan niệm của tập thể, số đông. Vậy nên, đừng quan niệm hạnh phúc là phải có thứ này, thứ khác, phải thế này, thế nọ để theo đuổi mà bỏ quên thực tại đáng sống. Trong khi, biết đâu, nếu mải miết kiếm tìm, chúng ta chỉ nhận về nỗi bất an, căng thẳng, thậm chí, đổ vỡ gia đình… Thế nên, có ai đó từng nói: hạnh phúc như sức khỏe, chỉ khi mất đi, chúng ta mới biết nó quý giá đến nhường nào.

Không có hạnh phúc cho trái tim ích kỷ

Hạnh phúc là trạng thái cá nhân nhưng sẽ không có hạnh phúc cho những ai chỉ nghĩ đến bản thân mình. Hạnh phúc của một người phải được đặt trong quan hệ với người khác, với gia đình, rộng hơn là xã hội, thể chế. Sẽ chẳng có hạnh phúc nếu gia đình thiếu hòa thuận. Sẽ chẳng có hạnh phúc nếu đất nước còn chiến tranh, ly tán hay xã hội đầy rẫy bất đồng. Cũng sẽ chẳng có hạnh phúc nếu tự thỏa mãn những gì đang có, hoặc ngồi chờ đợi ai đó mang lại cho mình mà thiếu sáng suốt để tạo động lực vươn lên. Thái độ bàng quan, “cầu an”, vô cảm không phải là con đường đi đến hạnh phúc, dẫu cho nó tránh gặp phải những xung đột.

Thiếu tinh thần phản biện, xây dựng chính là thiếu trách nhiệm công dân, không cung cấp năng lượng để một tập thể, một cộng đồng phát triển. Một thực tế lâu nay ở nước ta đó là, chúng ta luôn xếp đầu bảng về chỉ số hạnh phúc. Thực tế này phản ánh sự hài lòng của người dân trong cảnh đất nước thái bình, nhưng cũng cho thấy, tinh thần cầu an rõ rệt. Bởi thế, năng lượng để thúc đẩy mỗi cá nhân phát triển theo hướng tự do, phát huy cao trí tuệ, phẩm chất, từ đó, thúc đẩy quốc gia phát triển đang còn nhiều vấn đề phải bàn. Bởi vậy, chúng ta đang rơi vào sự lãng phí nhân lực đến mức thấy rõ, nền kinh tế theo hình thức khai thác tài nguyên đang chiếm ưu thế so với kinh tế tri thức – một xu hướng của thời kỳ hiện đại.

Tình trạng sức khỏe của từng người bị đe dọa bởi đủ thứ do công tác quản lý nhà nước lỏng lẻo và bất cập ở mọi cấp, trong khi chúng ta thiếu giải pháp về lâu dài, đơn cử như chuyện chống thực phẩm bẩn, xử lý môi trường. Điều này làm cho chỉ số phát triển con người của chúng ta gặp không ít khó khăn, trong khi hạnh phúc phải bao gồm tổng thể: thể chất, tinh thần, trí lực... Ở khía cạnh ngược lại, chính phủ mỗi nước phải có trách nhiệm và hành động đảm bảo mỗi người đều được hưởng hạnh phúc theo cách của họ.

Cũng như thông điệp vào năm 2013 của Liên hợp quốc “Hãy hành động vì hạnh phúc”, chúng ta phải có sứ mệnh xây dựng hạnh phúc cho chúng ta trong tương quan với xây dựng xã hội. Liên hợp quốc đề ra ngày hạnh phúc cũng là mong muốn con người trên trái đất này, bất luận ở đâu, theo tôn giáo, đảng phái nào đều có được niềm hạnh phúc trong đại đồng, đẩy lùi chiến tranh, chia rẽ, hướng đến sự bình đẳng, nhân ái, thực thi nghiêm túc quyền con người.

Năm nay, hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Kế hoạch số 649 về việc tổ chức nhiều hoạt động gắn với rèn luyện sức khỏe toàn dân, nâng cao nhận thức của toàn xã hội để xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Những việc làm đó là ý nghĩa và cần thiết. Nhưng, cần phải nhận thức rằng, không phải làm được tất cả những việc trên là chúng ta nghiễm nhiên có hạnh phúc. Hạnh phúc là khát vọng nhân loại hướng đến và tôn vinh, do đó, phải thường xuyên bồi đắp bằng hành động để xây dựng, bảo vệ, bổ sung những giá trị mới liên quan đến con người. Hạnh phúc trong tầm tay là vậy!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast