Hào khí những người lính cụ Hồ

Đó là tất cả những gì tôi nhận thấy ở các anh khi chứng kiến cuộc sống của các anh sau chiến tranh . Bằng tất cả tình yêu cuộc sống, các anh đã không ngừng nỗ lực vươn lên để không những không còn là gánh nặng của gia đình mà ngược lại đã trở thành những bờ tựa vững chắc cho gia đình, người thân.

Khuôn mặt chữ điền, dáng người khỏe mạnh, thoạt nhìn ít ai có thể đoán được anh là thương binh hạng ¼, lại đang mang trong mình bạo bệnh. Anh là Trần Văn Đề, ở Thạch Liên, Thạch Hà.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang, anh Đề trầm tĩnh: Hoàn cảnh tôi gian truân lắm! Nhà chỉ có hai anh em trai, mẹ mất khi 2 tuổi. Lớn lên, anh vào sỹ quan quân đội. Còn tôi… cũng tha thiết được nhập ngũ nên đã viết đơn tình nguyên gia nhập. Tôi được đưa sang chiến trường Campuchia, vào đội trinh sát độc lập, thuộc trung đoàn 250, tiểu đoàn 309, mặt trận 479. Tháng 4 năm 1983, trong một lần đi trinh sát khu vực thuộc 12 ngôi nhà của địch tôi bị phát hiện và bị bắn vào bụng. Sau khi bị thương, tôi được giám định kết luận thương tật 29%. Tổ chức đã hỏi tôi: “Ý anh bây giờ thế nào, có thể ở lại chiến trường hay trở về quê hương?”. Bấy giờ tôi đã là đảng viên, là Bí thư Chi bộ, là Trung đội phó, vì vậy tôi không thể nhụt chí chiến đấu được, tôi đã tha thiết xin được ở lại. Tháng 5 năm 1985, trong trận đánh cuối cùng trước khi tôi nhận được lệnh về tại Nha Trang để đi học, không may tôi đã bị thương nặng, bị bắn gãy chân và nhiều mảnh đạn trên đầu.

Anh Trần Văn Đề bên quầy tạp hóa của gia đình

Sau dưỡng thương, ông Đề được đưa về trại thương binh của Bộ. Năm 1990, thực hiện chủ trương của Nhà nước khuyến khích thương binh là đảng viên tình nguyện viết đơn trở về làng, ông Đề đã tiên phong thực hiện. “Hồi ấy trở về vậy thôi chứ chán nản lắm. Tôi nghĩ là tôi sẽ không lấy vợ vì mình không thể chăm lo được cho gia đình. Đi lại vô cùng khó khăn, trợ cấp của Nhà nước thì chỉ có 18 kg gạo/tháng. Nhưng rồi thời gian cũng trôi qua và cuộc sống đời thường lại trở về với tôi”, ông Đề thổ lộ.

Đám cưới cùng cô hàng xóm và những đứa con kháu khỉnh dần dần ra đời là bước ngoặt lớn nhất đối với cuộc đời ông Đề. Ông bắt đầu thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó đã đánh thức nghị lực trong ông. Cùng với công việc của cán bộ an ninh, tư pháp địa phương, ông bắt đầu mở thêm dịch vụ buôn bán tạp hóa, buôn bán than, phân bón, lò gạch… Thiếu một chân, ông không đi lại được nhiều, ông lại nhờ đôi chân của những người khác đưa đón mình đi lại phục vụ cho công việc bằng cách trả ngày công cho họ. Và cứ thế, kinh tế gia đình ngày một khá giả; những đứa con của ông được chăm lo ăn học đến nơi đến chốn.

Vẫn cái giọng trầm tĩnh ban đầu, ông Đề cho biết: “Tôi đã phát hiện bị bệnh ung thư thanh quản đã gần 2 năm nay. Dừ sống chết không biết ngày nào nhưng có điều chắc chắn tôi còn sống thì còn tiếp tục công việc, phải là chỗ dựa cho vợ và các con. Giờ gia đình tôi chủ yếu tập trung vào buôn bán tạp hóa, nông sản, phục vụ nước uống tại nhà cho các gia đình. Mỗi tháng thu nhập bình quân từ 10 -15 triệu đồng”.

Vẫn cái nghị lực phi thường ấy nhưng ở ông Hoàng Văn Chắt, thương binh 1/4 (xã Thạch Hội) lại biểu hiện một cách khác. Ông lúc nào cũng xông xáo, nhiệt tình và vui tính. Ông kể: Mình nhập ngũ năm 1971 vào chiến trường Kon Tum – Gia Lai. Năm 1972, trong một lần đi trinh sát, mình bị vấp phải mìn cài của địch. Lúc ấy vào mùa mưa, chúng ta lại lo đánh địch nên không có lính để cáng đi. Mãi hai ngày sau mới ra được Bệnh viện, họ đã cắt đi cả đôi chân của mình”.

Trở về làng, ông Chắt vui lắm vì được quây quần bên gia đình, bà con nhưng ông cũng canh cánh nỗi lo: “Người ta có cả hai chân, còn mình… không biết rồi sẽ sinh hoạt ra sao đây?”. Tuy nhiên, nỗi niềm ấy nhanh chóng được xóa đi khi ông lắp được đôi chân giả. Có chân giả, ngày đêm ông luyện tập, từ đi bộ, đến đi xe đạp và bây giờ ông đã đi được xe máy.

Ông Chắt vui vẻ: “Giờ mình đi thế này nhiều người không biết mình là thương binh đâu. Mà nhiều người đã biết mình thương binh rồi cũng không biết mình bị thương một chân hay hai chân”. Quả thật như thế, nhìn dáng xông xáo, nhanh nhẹn của ông thì không ai có thể đoán được ông đang dùng… đôi chân giả. Đã 22 năm nay, đôi chân giả đã cùng ông hành trình làm chế độ chính sách cho bà con địa phương, hết xóm này, làng kia lại lên huyện. Mà huyện có phải gần đâu, cách đến hàng chục km. Đôi chân giả còn giúp ông đi lại làm giàu cho gia đình. Trước đây, ngoài làm chế độ chính sách, ông tranh thủ thời gian học may và mở quán may mặc, rồi còn sắm thêm loa máy phục vụ đám cưới. Giờ ông lại mở ốt sửa chữa xe đạp, máy xay xát. Ông còn chăn nuôi lợn đàn, thường xuyên có từ 20-30 con lợn trong chuồng…

Ông Phạm Hữu Tuất – Trưởng Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Thạch Hà cho biết: Ngoài ông Đề và ông Chắt, ở Thạch Hà còn có rất nhiều điển hình khác như ông Phan Văn Thạch, thương binh ¼, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Hương; Văn Ngọc Chung, thôn binh ¼ đặc biệt ở xã Tượng Sơn; Đặng Hữu Ngọc, thương binh 2/4, có 4 con đều bị nhiễm chất độc da cam ở Thạch Tiến… Họ, không chỉ là những người thương binh “tàn nhưng không phế” mà hơn thế nữa họ còn là những điển hình, có những đóng góp hết sức tích cực trong công cuộc xây dựng địa phương đổi mới hôm nay.

Vâng! Nhìn các anh, không ai không thể thán phục, những tấm gương của ý chí và nghị lực, những người lính cụ Hồ một thời xông pha trận mạc, không tiếc xương máu, chiến đấu cho độc lập, tự do, cho hạnh phúc muôn dân. Và hôm nay, vẫn giữ nguyên hào khí ấy, các anh lại một lần nữa tiếp tục chiến thắng, chiến thắng nỗi đau và sự tàn phế để mang lại hạnh phúc cho người thân, cộng đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast