Hạt Kiểm lâm VQG Vũ Quang: Vừa đá bóng vừa thổi còi...

Về lý thuyết, Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang đã được thành lập vào năm 2002 nhưng thực tế mãi đến đầu năm 2011 mọi hoạt động theo đúng tên gọi mới được thiết lập. Cũng từ đây lỗ hổng về mô hình “vừa đá bóng vừa thổi còi” mới phát huy hết công suất. Và, máu rừng Vũ Quang không ngừng chảy là câu chuyện không mới lạ…

“Chiếc gậy” giữ rừng

Vườn Quốc gia Vũ Quang gồm 48 tiểu khu, diện tích gần 57.000ha là nơi bảo tồn đa dạng sinh học – hệ động, thực vật thuộc dãy đông Trường Sơn, trong đó có những động vật cực kỳ quý hiếm nằm trong sách đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ nghiêm nhặt. Đồng thời có chức năng phòng hộ đầu nguồn cho cho 3 hệ thủy phân: Ngàn Trươi, Khe Tre, Rào Trổ. Địa bàn rừng của Vườn tương đối phức tạp, có 50km tiếp giáp với biên giới Việt – Lào. Đặc biệt, vùng đệm của Vườn có trên 35.000 người dân sinh sống với mức thu nhập bình quân đầu người thấp, tập quán sống dựa vào rừng nên công tác bảo vệ rừng luôn là một bài toàn nan giải cho chủ rừng, các ngành chức năng và cấp chính quyền. Trước thực trạng đó, nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn vấn nạn khai thác rừng trái phép, năm 2002, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Hạt Kiểm lâm trực thuộc Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Rừng VQG bị xẻ thịt
Rừng VQG bị xẻ thịt

Năm 2011, Hạt Kiểm lâm Vườn mới chính thức đi vào hoạt động với 49 cán bộ, Kiểm lâm viên, có lâm hàm, lâm hiệu, ấn chỉ theo quyết định số 1235 của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Vũ Quang – nơi Vườn đóng chân còn có Hạt Kiểm lâm huyện, với “gọng kìm” của 2 lực lượng Kiểm lâm, việc khai thác lâm sản trái phép tưởng như không có cơ hội tồn tại trong Vường Quốc gia Vũ Quang.

Thế nhưng, thâm nhập vùng lõi Vườn Quốc gia Vũ Quang, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi chứng kiến việc khai thác gỗ trái phép của “lâm tặc” vẫn ngang nhiên tồn tại. Dưới tán rừng phòng hộ kia, “máu rừng đang chảy”.

Những bất cập

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn khai thác rừng trái phép trong Vườn Quốc gia Vũ Quang, một trong những nguyên nhân chính là do sự chồng chéo, không phân định rõ ràng trong công tác quản lý, điều hành và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm. Về lý thuyết, Hạt Kiểm lâm của Vườn có “toàn quyền” nhưng bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm của huyện Vũ Quang cũng có chức năng và nhiệm vụ bảo vệ rừng trong vườn. Vì sự không rõ ràng này, nếu không có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng Kiểm lâm dễ dẫn đến tình cảnh “cha chung không ai khóc”. Theo ông Nguyễn Văn Minh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang thì: Không phải chúng tôi không thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, bảo vệ rừng trong Vườn nhưng về biên chế, nhiệm vụ theo quy định không thể đáp ứng hết được. Hơn nữa, trong đó đã có lực lượng Kiểm lâm của Vườn. Theo quy định của Nghị định 119/2006/NĐ-CP thì Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang cũng là một đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm Lâm nhưng ở đây lại thuộc Vườn nên không có sự thống nhất trong chỉ đạo và hành động.

Cũng vì việc thành lập Hạt Kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Vũ Quang nên ông Đào Huy Phiên – Giám đốc Vườn đồng thời là Hạt trưởng, nghĩa là gánh cùng một lúc 2 vai theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Rõ ràng, theo nhiệm vụ, quyền hạn, Kiểm lâm phát hiện rừng bị khai thác, có quyền quy trách nhiệm và xử lý chủ rừng. Nhưng trong trường hợp này, người ra quyết định xử phạt là ông Phiên với tư cách Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn và chủ rừng - người bị xử phạt cũng chính là ông. “Tay phải chặt tay trái” trong khi tay trái lại chỉ đạo, điều hành tay phải thì đòi hỏi một sự công tâm, nghiêm khắc là điều không thể. Chính ông Phiên cũng đã thừa nhận điều bất hợp lý này trong cuộc trao đổi với chúng tôi ngày 8-1. Ông Phiên cho biết:

Theo quy định, Hạt Kiểm lâm của Vườn có đầy đủ chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng như Hạt Kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm, nghĩa là Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý chủ rừng khi có sai phạm. Khi xử lý vi phạm, mình tự chém mình là rất khó nên việc quy định mô hình Hạt Kiểm lâm thuộc Vườn là chưa hợp lý, nên chăng cơ cấu nhân sự cả Vườn Quốc gia như một Hạt kiểm lâm.

Về vấn nạn khai thác gỗ trái phép trong vùng lõi Vườn Quốc gia Vũ Quang đã được phản ánh trên Báo Hà Tĩnh, ông Phiên cho biết: Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã cử nhiều đoàn công tác vào kiểm ra nhưng…không thấy. Theo ông thì: việc lâm tặc khai thác gỗ trong Vườn là do…rừng giàu. Đối với các chủ rừng, nếu thiếu tình thần trách nhiệm để xảy ra nạn khai thác trái phép thì sẽ bị xử lý nhưng ở đây chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, lâm tặc khai thác gỗ mà tôi không thể ngăn chặn được thì…thôi.

Những hình ảnh mà chúng tôi có được trong đợt xâm nhập vùng lõi Vườn Quốc gia Vũ Quang:

Phần còn lại của một cây gỗ táu “lâm tặc” chưa “ăn” hết
Phần còn lại của một cây gỗ táu “lâm tặc” chưa “ăn” hết
Phương tiện vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng
Phương tiện vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng
Lâm tặc xuống tay hạ sát cây gỗ lớn
Lâm tặc xuống tay hạ sát cây gỗ lớn
Gốc cây đã được lâm tặc đánh dấu khẳng định "chủ quyền"
Gốc cây đã được lâm tặc đánh dấu khẳng định "chủ quyền"
Rừng ơi!
Rừng ơi!

Lời kết

Tôi đã có cuộc xâm nhập vùng lõi Vườn Quốc gia Vũ Quang, chưa hết bất ngờ với việc ngang nhiên tàn sát rừng của “lâm tặc” thì lại ngỡ ngàng trước việc chồng chéo, bất cập của lực lượng Kiểm lâm và nhất là thái độ, cách nhìn nhận của Chủ rừng kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang. Có lẽ, đã đến luc phải có một giải pháp căn cơ để bảo vệ Vườn Quốc gia Vũ Quang, xin đừng để máu rừng cạn kiệt trước sư thờ ơ, lúng túng của những người có trách nhiệm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast