Hãy khuyến khích phát huy mặt tốt của con!

(Baohatinh.vn) - “Chống mắt lên mà xem con ông A, bà B kia kìa. Con người ta từng ấy tuổi đã làm được thế này, thế khác. So với con họ, mày chỉ là đứa vô dụng, chẳng làm được cái tích sự gì”.

Chẳng thèm đoái hoài đến vẻ mặt đầy ấm ức của con, người mẹ vẫn thản nhiên “dìm” đứa trẻ bằng việc so sánh với con người khác. Điều đáng nói, đó lại là thực cảnh vẫn đang tồn tại trong nhiều gia đình hiện nay.

Khuyến khích những mặt tốt để con cái tự nhìn nhận và biết phát huy hơn nữa giá trị bản thân của chúng.
Khuyến khích những mặt tốt để con cái tự nhìn nhận và biết phát huy hơn nữa giá trị bản thân của chúng.

Để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, không ít gia đình đã lựa chọn phương pháp giáo dục con theo kiểu “Tây”, phải dạy con ý thức tự lập ngay từ khi còn rất nhỏ. Nhưng, dù có “cải tiến” ở mức độ nào, thì cách giáo dục con cái của chúng ta suy cho cùng vẫn mang nặng tư tưởng của người Việt. Không ít ông bố, bà mẹ thường đặt hết kỳ vọng vào con cái, để rồi khi không được như ý, sẽ so sánh thất bại của con mình với thành công của con người khác. Tôi từng chứng kiến vẻ ủ dột của một học sinh thất bại trong kỳ thi vượt cấp. Thay vì an ủi, động viên con, điều đầu tiên, mẹ em lại nói là: “Thấy con người ta đỗ hết trường này đến trường khác chưa?”.

Sống trong thời buổi hội nhập, con người phải đuổi theo guồng quay “công nghiệp”. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh luôn có tư tưởng “nhìn lên”. Cách suy nghĩ đó chỉ cho họ thấy những mặt tốt đẹp của người khác và luôn nhìn thấy mặt xấu của con mình. Các bậc làm cha, làm mẹ thường biện hộ cho hành động đó rằng, việc nêu ra điểm tốt của người khác cũng là cách để con cái mình noi theo. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phương pháp này không những không đưa lại kết quả tốt mà còn vô tình làm tổn thương con trẻ. So sánh với con người khác cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh luôn hạ thấp bản thân và con cái mình.

Một người bạn tôi quen từng là thủ khoa đầu vào của trường đại học. Nhưng, danh hiệu đầy hãnh diện ấy lại tạo ra cho cậu áp lực không hề nhỏ. Bố mẹ cậu cho rằng, đã là thủ khoa thì trong các môn học, con mình luôn phải tỏ ra xuất sắc hơn người. Bởi vậy, không ít lần, bạn tôi phải nghe “bài ca so sánh” chỉ bởi “lỡ” đứng... thứ hai, thứ ba.

Thường xuyên so sánh khiến con cái “miễn nhiễm” với “thần tượng” của bố mẹ. Đặc biệt, với những đứa trẻ có cá tính nổi trội, việc đặt chúng lên bàn cân với người khác sẽ là một thất bại trong giáo dục con cái của các bậc phụ huynh. Mải mê tìm kiếm điểm tốt của nhà người và bới móc điểm xấu của con cái sẽ khiến cha, mẹ không bao giờ thỏa mãn mà quên mất rằng, con cái họ cũng đã nỗ lực rất nhiều.

Mỗi đứa trẻ luôn có một thế mạnh khác nhau. Vậy thì, thay vì tiếp tục so sánh, tại sao các bậc phụ huynh không tìm tới phương pháp giáo dục hiệu quả hơn: khuyến khích những mặt tốt để con cái tự nhìn nhận và biết phát huy hơn nữa giá trị bản thân của chúng?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast