Hiểm họa từ ma túy đá

(Baohatinh.vn) - Ma túy “đá” hay còn gọi là methaphetamine, là một trong những chất gây nghiện rất nguy hiểm. Người sử dụng thường xuyên có ảo giác, nhiều khả năng gây ra những hành động mất kiểm soát nguy hiểm như: bạo dâm, hành xác, giết người... Đáng lo ngại là tình trạng thanh, thiếu niên đua đòi đập “đá” đang trở nên báo động.

Chơi “đá” trở thành trào lưu

Nhắc đến chơi “đá”, giới trẻ không còn lạ lẫm. Nam, một thanh niên làm nghề phụ xe (ở thị trấn Cày) còn tỏ ra sành điệu khi kể về chuyện này. Cậu ta liệt kê một danh sách dài tên những nam thanh niên chơi “đá” ở TP Hà Tĩnh, rồi ra vẻ hào hứng: “Đập “đá” không nghiện như ma túy nên nó là lựa chọn của nhiều thanh niên thích cảm giác mạnh hiện nay. Đập “đá” phải tụ tập đông mới sướng, nên người chơi thường thuê phòng nghỉ, khách sạn để “chơi”. Nhiều đứa ban đầu kiên quyết không chơi nhưng “thử” một lần là theo hội ngay. Nói thật, với những thứ này, rất khó nói “không”. Như thằng H., làm phụ xe cùng em, nổi tiếng khôn ngoan nhưng rồi “theo đá” lúc nào không hay. Giờ thì nó chơi dày rồi. Bố mẹ biết nên đã bắt nó bỏ nghề về quê…”.

Trong lúc "ngáo đá", đối tượng Trần Tiến Xuân đã quậy phá bệnh viện rồi đâm chí mạng bạn của mình
Trong lúc "ngáo đá", đối tượng Trần Tiến Xuân đã quậy phá bệnh viện rồi đâm chí mạng bạn của mình

B., một học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng cũng tỏ ra rất am hiểu khi nói về ma túy đá. Em kể tỉ mỉ cho tôi nghe về cách chơi, dụng cụ để chơi… Tôi tỏ ý thắc mắc về sự hiểu biết của B., em giải thích: Lớp em có một bạn chơi “đá”. Trước đây, bạn ấy cũng bình thường như bao bạn khác nhưng từ khi chơi “đá”, bạn ấy đổi khác. Thường bỏ học; “chấn” xe bạn đi cắm. Bạn ấy không che giấu “trò chơi” của mình, mà còn mang cả dụng cụ đi theo và khi thì bắt đứa này cất giữ, lúc thì đứa khác... Nó thường bắt nạt nên đứa nào cũng phải nghe lời…”.

Ma túy “đá” đã len lỏi vào trường học; có mặt khắp các vùng miền; trở thành trào lưu của một bộ phận giới trẻ. Một bạn gái làm nghề cắt tóc ở thị trấn Hương Khê cho biết: “Nam thanh niên giờ đập “đá” nhiều lắm. Bọn chúng nói không nghiện như ma túy nên thỉnh thoảng “chơi”, thay đổi cảm giác cho vui. Bọn em thường nói với nhau, giờ lấy chồng không biết đường nào mà lần, vì khó mà phân biệt được người nào chơi “đá” hay không. Nhiều người trông rất hiền lành, lịch lãm nhưng vẫn chơi “đá”.

“Ngáo đá” – hiểm họa khôn lường

Giới trẻ dùng ma túy đá xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bạn bè rủ rê, lôi kéo hoặc chủ động tìm đến nó như thú vui để thỏa mãn trí tò mò; thể hiện đẳng cấp của dân chơi… Những người dùng ma túy đá thường ngụy biện rằng, nó không gây nghiện dẫn đến những cơn vật vã do thiếu thuốc như ma túy thông thường. Nhưng thực tế, khi vùi mình vào thứ ảo giác sinh ra từ “đá”, họ lại không ngờ rằng, chính mình đang trở thành mầm mống cho các loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội.

Hiểm họa từ ma túy đá ảnh 2
Bác sỹ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cai nghiện cho đối tượng nghiện ma túy.

Nghiện “đá” sẽ dẫn đến “ngáo đá”, đối tượng không còn nhận thức được bản thân, dùng vũ khí để tự hủy hoại chính mình, hoặc giết người, cướp tài sản rồi đi buôn “đá” để thỏa mãn cơn nghiện…

Những câu chuyện, vụ án đau lòng do “ngáo đá” vẫn liên tục xảy ra. Người dân vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ án giết người tại Hương Sơn do đối tượng Trần Tiến Xuân gây nên. Hôm ấy, Xuân bị ngã xe máy nên được mọi người đưa đến Bệnh viện Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để chăm sóc y tế. Khi đến cổng bệnh viện, Xuân không chịu vào. Một số người đã cố gắng thuyết phục, trong đó có anh Nguyễn Công Bính (hàng xóm của Xuân), nhưng không ngờ, Xuân rút con dao thủ sẵn trong người đâm thẳng vào anh Bính. Mọi người hô hoán, cậu ta điên cuồng đâm liên tiếp 5 nhát vào người nạn nhân. Rồi hình ảnh một thanh niên “ngáo đá” vừa đi, vừa kè kè tấm tôn bên cổ đòi tự tử ở TX Hồng Lĩnh. Đối tượng là Nguyễn Văn Đạt (SN 1985, ở Kỳ Phong - Kỳ Anh). Rất may, lực lượng chức năng đã can thiệp kịp thời nên tránh được hậu quả…

Có không ít trường hợp “ngáo đá” đã trở thành kẻ “tập bơi” giữa bến xe; người thì tưởng mình là con rái cá nên nhảy xuống hồ bơi; người thì chui vào cống rãnh nhuộm bùn đen kịt; người thì khỏa thân cầm dao trèo lên nóc nhà tập bay; có người ngủ bên vợ cứ tưởng vợ là con trăn đang tấn công mình nên cầm dao chém đến chết…

Theo các chuyên gia, dùng ma túy đá mặc dù không gây vật vã như hêrôin nhưng nó âm thầm tàn phá sức khỏe con người, gây ra những tai biến nặng nề hơn, có thể làm teo não, khiến con người ngu muội, không nhận thức được quá khứ, hành vi của mình. Điều nguy hiểm nhất của ma túy đá chính là phá hủy hệ thống thần kinh trung ương và não bộ, gây ảo giác giết người hay phạm tội trong lúc không điều khiển được hành vi. Đó chính là trạng thái “hoang tưởng bị hại” mà người sử dụng ma túy đá bị ảnh hưởng. Người sau khi sử dụng ma túy đá khoảng 3 năm thường chuyển sang trạng thái tâm thần, cần được trị liệu tâm lý trong một thời gian dài và rất khó khăn cho việc phục hồi.

Để đẩy lùi tệ nạn ma túy, đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy đá trong giới trẻ, ngoài những nỗ lực của lực lượng chức năng thì rất cần sự chung tay của cộng đồng; trong đó, vai trò của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong công tác quản lý, giáo dục con em là vô cùng quan trọng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast