Hiệu quả từ thay đổi hành vi phân loại rác

Đến xã Thiên Lộc (Can Lộc) hôm nay, người ta ngỡ như bước vào một khu phố mới không chỉ bởi sự khang trang, hiện đại từ hệ thống cơ sở hạ tầng của một xã điểm nông thôn mới mà còn bởi nét văn hóa từ hành vi phân loại rác thải và ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây.

HTX môi trường Thiên Lộc

Sự tươm tất, sạch đẹp thể hiện ngay trên những trục đường dẫn vào khu dân cư. Không rác thải, không phân xác động vật như ở nhiều vùng nông thôn khác, chỉ có những bóng cây xanh được trồng một cách lề lối ven đường.

Trục đường chính vào trụ sở UBND xã Thiên Lộc khang trang, sạch đẹp
Trục đường chính vào trụ sở UBND xã Thiên Lộc khang trang, sạch đẹp

Ông Nguyễn Phúc Vượng, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết: “Không chỉ nằm trong nhóm về đích xây dựng nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào cuối năm 2012, Thiên Lộc còn có thế mạnh về du lịch tâm linh Chùa Hương. Vì vậy, bên cạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân thì vấn đề môi trường xanh sạch là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm thay đổi hành vi, nhận thức để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời lưu giữ những hình ảnh tốt đẹp trong lòng du khách khi đến với Chùa Hương- Thiên Lộc”.

Đầu năm 2010, HTX môi trường xã Thiên Lộc được thành lập, vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn về thực trạng rác thải ở nông thôn, vừa thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hoạt động trong dịch vụ công ích, HTX đã ký hợp đồng với các hộ dân thu 10 nghìn đồng/hộ/tháng. Bí quyết khiến cho công tác thu gom rác ở đây không vướng vào khó khăn mang tính đặc thù của những HTX môi trường hiện nay chính là do bãi tập kết rác thải được xã quy hoạch thành vùng từ trước đó. Mỗi ngày có khoảng 2 tấn rác được các nhân công thu gom và tập kết về nơi quy định.

Không chỉ thu gom, được sự hỗ trợ của Hội nông dân tỉnh, xã Thiên Lộc đã xây dựng thành công và đưa vào sử dụng lò xử lý rác thải hữu cơ thành phân xanh đầu tiên ở vùng nông thôn Hà Tĩnh. Lò xử lý rác thải này có sức chứa 29m3 và được vận hành bằng phương pháp dùng chế phẩm sinh học EM ủ rác theo quy trình liên tục và cho sản phẩm phân xanh sau khoảng 30 ngày. Toàn bộ kinh phí xây dựng công trình gần 500 triệu đồng, gồm có lò xử lý rác thải; các hố đựng rác tạm thời; trang bị 20 xe vận chuyển rác và dụng cụ bảo hộ lao động. Và quan trọng nhất là những cuộc tập huấn về phân loại rác thải và cách xử lý rác thải tại các hộ gia đình.

Ông Võ Văn Thành, Chủ nhiệm HTX môi trường Thiên Lộc cho biết: “Để thay đổi hành vi phân loại và xử lý rác thải cho bà con, chúng tôi đã cấp phát mỗi hộ 2 túi đựng rác riêng biệt, một dùng cho chất thải rắn và túi còn lại dùng để đựng rác thải hữu cơ. Đồng thời, chúng tôi đặt lịch thu gom cụ thể cho từng loại rác, dần dần đã tạo được thói quen và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng. Đến giờ thì guồng máy của chúng tôi đã hoạt động khá ổn định và nề nếp. Để tăng hiệu quả, chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để tiếp cận vốn vay theo Quyết định 26 để mua xe chở rác chuyên dụng. Mặt khác, lò xử lý rác thải hữu cơ đủ khả năng cung cấp phân xanh cho đồng ruộng và rau màu, phục vụ định hướng phát triển vùng sản xuất sạch, an toàn và bền vững”. Hiện nay, mỗi xã viên có mức lương từ 600 nghìn - 1 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện thu nhập cho một bộ phận người dân.

Một trong những kinh nghiệm hay khiến cho mô hình HTX này tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân là lấy tiêu chí hoạt động mang tính phúc lợi là chính. Do vậy, trong số 2.000 hộ dân, HTX chủ trương không thu phí đối với những gia đình đơn thân hoặc chủ hộ đã trên 70 tuổi. Tất nhiên, không thể thiếu sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương. Ngoài hỗ trợ HTX về mặt cơ chế, ngân sách thì xã cũng là một đối tác quan trọng, thường xuyên của HTX. Thông qua hình thức ký kết hợp đồng, xã giao cho HTX quản lý vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý rác thải; vận hành, duy trì điện đường, cây xanh và kênh thoát nước trên địa bàn.

Với cách làm này, mối quan hệ giữa HTX và chính quyền trở nên ràng buộc, theo đó trách nhiệm và lợi ích của mỗi bên cũng tăng cao. Đặc biệt là vào mùa lễ hội Chùa Hương, mỗi ngày, Thiên Lộc đón hàng nghìn lượt người hành hương về đất Phật. Để đảm bảo cảnh quan môi trường, tạo ấn tượng về vùng đậm đà bản chất văn hóa và thiêng liêng của điểm du lịch tâm linh, HTX môi trường đã cắt cử người liên tục thu gom, đồng thời hướng dẫn du khách bỏ rác vào nơi đúng nơi quy định. Đáp lại sự nỗ lực đó là sự hài lòng về chất lượng phục vụ của hầu hết du khách đã từng đến với Chùa Hương - Thiên Lộc.

Từ điểm sáng ở Thiên Lộc có thể thấy những gì mà những mô hình HTX môi trường đang thiếu lâu nay không phải hạ tầng ra sao mà chính là cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn bằng cách nào. Để thay đổi tập quán, thói quen gây ô nhiễm môi trường của người dân nông thôn, trước hết cần bắt đầu từ những sinh hoạt hàng ngày. Giải pháp này không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay mà còn mang tính chiến lược lâu dài.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast