Hiu hắt đồng muối…

Từng lưỡi gió phơn nam hầm hập mang theo hương vị mặn mòi của biển. Bầu không khí trên cánh đồng muối mênh mông dường như cô đặc lại. Với người làm muối, những ngày trời nắng là những “ngày vàng”. Thế nhưng, năm nay đồng muối chẳng còn lấp lóa những bóng nón trắng, trầm lắng tiếng nói, tiếng cười của diêm dân vào vụ mới. “Giá muối rớt thê thảm trong lịch sử bốn mươi bảy năm làm muối ở đất này. Hơn một nghìn tấn muối của vụ trước còn tồn đọng trong kho”, một diêm dân vựa muối Kỳ Hà (Kỳ Anh) xót xa bày tỏ.

Muối cũ tồn kho

Cả một năm dài, người làm muối chỉ có được 4 tháng. Trừ những ngày mưa, bấm đốt ngón tay, họ chỉ có hơn 100 ngày nắng. Thông thường, sản phẩm muối bán ra lúc chính vụ sẽ không được giá, vì thế, để lo cho cuộc sống trong suốt một năm, hạt muối đã trở thành “của để dành” của những gia đình diêm dân. Nhà nghèo, muối dùng để đổi lúa ăn dần; nhà khá hơn thì đón lúc muối có giá cao đem bán. Năm nay, trái với quy luật, từ giữa vụ sản xuất trước tới tận đầu vụ mới, giá muối đột nhiên xuống dốc một cách nhanh chóng. So sánh với chính vụ năm 2009, giá muối ở thời điểm này chỉ còn hơn một nửa.

Mẻ sản phẩm hiếm hoi đầu tiên trên đồng muối xóm Bắc Hà - Kỳ
Mẻ sản phẩm hiếm hoi đầu tiên trên đồng muối xóm Bắc Hà - Kỳ

Chúng tôi đến xã Hộ Độ (Lộc Hà), một trong những vựa muối lớn của tỉnh vào một ngày hạ tuần tháng 4. Trên 90 ha diện tích đồng muối trải dài tít tắp, lưa thưa bóng người. Anh Phan Đình Lượng, cán bộ Văn phòng UBND xã cho biết: “Mùa muối năm ngoái, bình quân mỗi gia đình diêm dân ở Hộ Độ cất trữ 5 tấn muối, ngoài ra còn có một số hộ tư thương thu mua muối tồn lại hàng trăm tấn. Cả xã bây giờ có gần 1.000 tấn muối từ vụ trước chưa bán được vì giá rẻ quá”. Ông Lê Doãn Tuyết, Xóm trưởng xóm Vĩnh Yên chỉ cho chúng tôi xem kho muối chứa hơn 5 tấn cất trữ từ vụ trước của gia đình, than thở: “Năm ngoái, có thời điểm giá muối lên tới 1.700 - 1.800 đồng/kg thì không bán. Vợ chồng bàn với nhau, gắng thêm một thời gian, đến lúc giáp hạt, giá cao mong có được một khoản tiền kha khá để sắm sửa trong nhà. Nhưng bây giờ, mỗi cân muối chỉ còn 900 đồng, xót của quá!”.

Xã Kỳ Hà (Kỳ Anh) nổi tiếng với đồng muối Đại Láng đã gần 5 thập kỷ qua. Hơn 1.200 hộ diêm dân với 105 ha đất muối đã trải qua biết bao thăng trầm. Dù vất vả, cực nhọc, hạt muối cũng là phương kế mưu sinh duy nhất của người dân nơi đây, đã nuôi lớn biết bao thế hệ con người. Mấy năm gần đây, muối được giá khiến cho cuộc sống của bà con diêm dân khấm khá hơn nhiều. Bên cạnh giải quyết việc làm cho những diêm dân trực tiếp lao động, nghề muối Kỳ Hà còn sản sinh một bộ phận lao động dịch vụ, làm khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm. Sự biến động bất lợi của giá muối năm nay, không chỉ khiến diêm dân khó khăn chồng chất mà còn đẩy những hộ làm dịch vụ vào thế bế tắc.

Đồng muối xóm Vĩnh Yên trống vắng người giữa những ngày chính
Đồng muối xóm Vĩnh Yên trống vắng người giữa những ngày chính

Trong cơn lốc rớt giá muối này, các hộ bị thiệt hại nặng nề nhất là hộ ông Mai Xuân Toản, Phó Chủ tịch xã, mua trữ 170 tấn muối của vụ trước, nay mất đứt hơn 100 triệu đồng; bà Trần Thị Hiểu (xóm Tân Hà) trữ 200 tấn, lỗ 200 triệu đồng. Gia đình ông Toản vừa trực tiếp sản xuất vừa mở đại lý muối 9 năm nay. Ông cho biết, giá muối biến động một cách không thể lường được, khiến 170 tấn muối mua từ vụ trước với giá 13.000 đồng/kg, nay buộc phải chở ra Hà Nội bán với mức giá chỉ còn hơn một nửa. Những ngày này, đại lý của ông đang tiếp tục thu mua muối cũ trong các hộ dân với giá 8.000 đồng/kg. So với năm 2009, 1 tấn muối dự trữ, người dân lỗ hơn 2 triệu đồng. Diêm dân dù rất xót xa nhưng cũng phải bán để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Cùng chung khó khăn với các địa phương sản xuất muối, Công ty Cổ phần muối Hà Tĩnh cũng đang loay hoay tìm cách thoát ra khỏi thời điểm khủng hoảng hiện nay. Giám đốc Công ty cho biết: Lãnh hậu quả nặng nề từ việc muối rớt giá, năm nay Công ty chưa dám đặt vấn đề hợp tác, thu mua sản phẩm với các địa phương làm muối và cũng chẳng có kinh phí tiếp tục triển khai mô hình doanh nghiệp cho diêm dân vay đầu tư cho sản xuất vụ mới như những năm trước.

Những đồng muối vắng

Tôi rảo bộ gần hết chiều dài của đồng muối xóm Vĩnh Yên (Hộ Độ) dưới ánh nắng gay gắt, thảng hoặc mới gặp được một vài diêm dân đang lúi húi sửa sang ô nại. Ông Lê Doãn Kỳ đang một mình tỷ mẫn với công việc. Phía trên bờ nại, đứa cháu gái ba tuổi đang được “nhốt” trong chạt lọc úp chiếc nón tránh nắng chờ ông làm xong việc. Ông nói về nghề mưu sinh duy nhất, đã theo ông gần trọn cuộc đời mà như phân bua: “Tôi chẳng còn sức để đi làm thuê, làm mướn như lớp trẻ nên đành phải bám lấy đồng muối mà sống qua ngày thôi. Năm nay giá muối rẻ thảm hại, cả cánh đồng này có mấy người ra “mần nại” (làm muối) như tôi đâu. Con trai và con dâu của tôi cũng đã bỏ quê đi làm ăn mấy năm nay, kể từ khi nghề muối bắt đầu không nuôi nổi chúng nó nữa”.

Theo những diêm dân Hộ Độ, ở thời điểm này năm ngoái, đã có trên 60% ô nại được cải tạo, bà con đồng loạt chuẩn bị bắt tay vào sản xuất. Nhưng bây giờ, cả làng muối mới chỉ có hơn vài chục hộ ra đồng, còn lại đang bươn chãi làm thuê khắp nơi chưa hẹn ngày về. Hộ Độ không có đất sản xuất nông nghiệp, chỉ có 91 ha đất làm muối và hơn 90 ha nuôi trồng thủy sản. Dù vậy, nhiều thập kỷ qua nghề muối vẫn chưa mang lại cho người diêm dân cuộc sống khấm khá, ổn định. Những năm gần đây muối được giá nên năm 2009, diện tích đất muối đưa vào sản xuất ở Hộ Độ đạt cao nhất là 67 ha. Người dân Hộ Độ thường đi khắp trong, ngoài tỉnh để làm thuê nhưng chớm mùa nắng lại trở về với đồng muối, với gia đình.

Năm nay, mùa nắng đến sớm nhưng những cánh đồng muối dường như vẫn chưa tỉnh giấc. Trong xóm thôn vẫn im ắng tiếng người. Cánh đồng muối lại càng quạnh hiu hơn. Ông Trần Đình Thu - Xóm trưởng xóm Trung Châu trăn trở: “Thường thì thời vụ làm muối cũng là lúc các em học sinh nghỉ hè. Đây là thời gian hiếm hoi mà bố mẹ của chúng ở nhà. Cả nhà cùng ra đồng muối, mỗi người một việc. Lực lượng thanh thiếu niên được gia đình hướng dẫn sản xuất, giao công việc. Năm nay, nếu giá muối không nhích lên thì chắc rằng sẽ có ít người về làm mùa và bọn trẻ sẽ mất đi khoảng thời gian ngắn ngủi sum họp gia đình. Các em không được quản lý, giáo dục và lao động trong những ngày này, có thể rất dễ nảy sinh các tai, tệ nạn”.

Bố mẹ đi làm ăn xa, cháu bé phải theo ông ra đồng muối
Bố mẹ đi làm ăn xa, cháu bé phải theo ông ra đồng muối

Đồng muối Đại Láng - Kỳ Hà những ngày cuối tháng tư cũng chẳng khá hơn nhiều. Không quá đìu hiu như ở Hộ Độ nhưng cũng thưa thớt bóng người. Sau những năm tạm gọi là hoàng kim của nghề muối (giá một tạ muối bằng 2 yến gạo), người dân vựa muối khấp khởi với bao hi vọng, đặc biệt, năm 2009, Tổng công ty muối Việt Nam đầu tư dự án nâng cấp cải tạo đồng muối với số vốn 30 tỷ đồng, dự kiến sẽ cải tạo thêm trên 30 ha đất sản xuất muối, đưa tổng diện tích đồng muối Kỳ Hà lên trên 100 ha.

Nhưng niềm vui quá ngắn ngủi, năm 2010, giá muối tuột dốc, dù ngẩn ngơ tiếc nuối, thì diêm dân Kỳ Hà cũng phải ngậm ngùi bắt tay vào vụ mới. Anh Hoàng Văn Thu, xóm Bắc Hà tâm sự: “Cả xóm có 600 hộ, đàn ông đi biển, phụ nữ làm muối. Chẳng có đất trồng lúa cũng không có nghề phụ gì, nên dù giá muối đắt rẻ thế nào thì chúng tôi cũng vẫn phải bám đồng sản xuất. Năm ngoái được giá, mỗi lao động làm cật lực 4 tháng thu được khoảng 4 triệu đồng, năm nay, với lượng sức đó chỉ thu nhập được khoảng một nửa”. Mặc dù vậy, đến thời điểm này, cũng chỉ 20% trong tổng diện tích đồng muối cho sản phẩm mới.

Lời kết

Hà Tĩnh không có nhiều diện tích đất làm muối. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh chỉ có khoảng 240-250 đất được đưa vào sản xuất diêm nghiệp, phân bổ ở 4 huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Lộc Hà. Sau thời bao cấp, nghề muối bấp bênh, thăng trầm với những biến động không thuận lợi về giá cả sản phẩm. Vì vậy, dù những năm gần đây, nguồn kinh phí đầu tư từ các chương trình, dự án dành cho nghề muối ở tỉnh ta không nhỏ nhưng hiệu quả mang lại vẫn là những đáp án khó. Năm nay, Chính phủ quyết định nhập khẩu một khối lượng muối lớn, cộng với thời tiết khá thuận lợi cho các tỉnh trọng điểm muối ở miền Nam nên đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Diêm dân cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng lâm vào cảnh khó khăn ngay khi bước vào vụ sản xuất.

Dẫu biết rằng, hạt muối cũng như những nông sản khác phải chấp nhận quy luật cung cầu của thị trường khi chưa có một cơ chế, chính sách bình ổn giá, hỗ trợ người dân yên tâm sản xuất. Thế nhưng, rời những cánh đồng muối vắng bóng người giữa buổi trưa hầm hập nắng, tôi vẫn có cảm giác vị mặn mòi của biển, của những giọt mồ hôi, nước mắt diêm dân cứ vây quanh, day dứt mãi không thôi…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast