“Hổ phụ sinh hổ tử”

Cuộc gặp mặt các giáo sư, trí thức - những người con tiêu biểu của Hà Tĩnh trên mọi miền quê đã trở thành cơ duyên để tôi có dịp gặp gỡ bố con Giáo sư (GS) Phùng Hồ - Phùng Hồ Hải. Dẫu đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng trên gương mặt của GS Phùng Hồ, nét mệt mỏi sau chuyến đi dài dường như đã tan biến bởi niềm vui của ngày sum họp và niềm tự hào khi người con trai của mình nay đã trưởng thành, tiếp bước truyền thống gia đình, góp phần làm rạng danh quê cha đất tổ.

Ông tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Triệu Đông, xã Bùi Xá (Đức Thọ). Cũng như bao lớp trẻ ngày ấy, tuổi thơ tôi lớn lên bằng những hạt lúa, củ khoai được đánh đổi từ giọt mồ hôi nhọc nhằn của cha mẹ. Tình yêu thương ấy cùng với truyền thống văn hóa đáng tự hào của quê hương đã thực sự trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc chí hướng và thôi thúc tôi không ngừng phấn đấu. Theo thời gian, những tháng ngày vất vả cũng dần đi qua khi tôi đã tìm được bến đậu của đời mình. Vợ tôi – PGS - Tiến sĩ khoa học (TSKH) Kiều Thị Xin cũng là người con của quê hương Tùng Ảnh (Đức Thọ)”.

Hai bố con GS Phùng Hồ trò chuyện với PV Báo Hà Tĩnh tại buổi gặp mặt trí thức Hà Tĩnh tiêu biểu.
Hai bố con GS Phùng Hồ trò chuyện với PV Báo Hà Tĩnh tại buổi gặp mặt trí thức Hà Tĩnh tiêu biểu.

Miệt mài với những năm tháng giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với những công trình nghiên cứu về Vật lý bán dẫn, năm 1996, ông vinh dự được phong hàm GS. Dẫu không sống và làm việc tại quê nhà, nhưng với ông, quê hương vẫn luôn in đậm những kỷ niệm thuở thiếu thời, trong sự hoài niệm về hương vị của đồng quê, trong mỗi công trình nghiên cứu, những thành tựu khoa học mà ông đạt được. Và những nỗi niềm ấy còn được ông gửi gắm qua tập thơ “Những bông hoa dại” xuất bản năm 2010.

Tiếp bước những thành công của cha mẹ, con trai ông là Phùng Hồ Hải cũng đã sớm bộc lộ khả năng về toán học. Với những công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học danh tiếng của thế giới và những giải thưởng lớn như: giải Baedeker dành cho luận án Tiến sỹ khoa học xuất sắc nhất của Đức (2005), giải thưởng Vonkaven của Quỹ DFG của Đức (2006); học bổng Heisenberg các năm 2005-2011; được Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ 3 (TWAS) bầu làm Viện sỹ trẻ đại diện cho khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2009-2013..., PGS-TSKH Phùng Hồ Hải đã được các viện nghiên cứu lớn ở Italia, Đức, Mỹ mời làm việc với chế độ đãi ngộ cao. Thế nhưng, nỗi niềm đau đáu với nền toán học nước nhà cùng với tình yêu quê hương đã níu bước chân nhà khoa học trẻ trở về cống hiến tri thức của mình.

Với gia đình GS Phùng Hồ, niềm vui thực sự viên mãn khi những ngày cuối năm 2012, PGS-TSKH Phùng Hồ Hải được Hội đồng chức danh Nhà nước xét đặc cách, trở thành vị GS trẻ nhất Việt Nam (42 tuổi) và được bầu giữ trọng trách: Phó Viện trưởng Viện Toán học. Hiện GS Phùng Hồ Hải đang hợp tác chặt chẽ với GS Ngô Bảo Châu và GS Lê Tuấn Hoa (Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam) trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển Viện Toán học cao cấp và hoạt động của Hội Toán học Việt Nam, Hội Toán học ASEAN và Hội Toán học thế giới.

Theo GS-TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước: “Hiện cả nước có khoảng 30 gia đình có bố hoặc mẹ cùng với con đều là GS, vợ cùng chồng đều là GS. Gia đình GS Phùng Hồ vinh dự nằm trong số này”. Niềm vinh dự đó không chỉ của riêng gia đình GS Phùng Hồ mà còn là niềm tự hào chung của mỗi một người con được sinh ra trên mảnh đất Hà Tĩnh. Đó cũng chính là tấm gương thắp sáng ước mơ để tuổi trẻ trên vùng đất học không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực hơn nữa trên con đường học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần làm rạng danh quê hương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast