Họ từng là người lính

Từ cầu Tùng Cóc, một địa danh lịch sử trên đường 15A thuộc địa phận xã Đồng Lộc, theo con đường cấp phối liên xã, chúng tôi thẳng hướng tây nam, chừng 20 phút sau gặp đường chiến lược 70B một thời máu lửa. Từ đây, theo con đường mòn nhão nhoét bùn đất, xuyên qua những trang trại trù phú bên mép núi dãy Trà Sơn, chúng tôi tiến sâu vào vùng Truông Giữa và Vực Trống - địa phận giáp ranh giữa huyện Can Lộc với Hương Khê (Hà Tĩnh).

Đại tá Phạm Tiến Thích – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Can Lộc ngồi sau “con ngựa sắt” giới thiệu qua vai tôi rằng, đường chiến lược 70B men theo sườn Đông dãy Trà Sơn là một cung đường thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường này chỉ cách đường 15A chưa đầy 5km nên trong những năm đánh Mỹ, những vùng đất nó đi qua trở thành nơi “chia lửa” với những trọng điểm đánh phá trên trục đường 15A từ cầu Tùng Cóc, qua Ngã ba Đồng Lộc đến tận Khe Giao. Sau ngày giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, người dân các xã trong vùng đã đổ mồ hôi công sức hàn gắn lại vết thương trên dải đất này. Và hôm nay sau hơn ba thập kỷ, những trảng rừng tái sinh nơi đây đã miên man màu xanh tràn sức sống.

Mô hình kinh tế vườn đồi kết hợp chăn nuôi của CCB Phan Văn Sơn ở Thượng Lộc thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Mô hình kinh tế vườn đồi kết hợp chăn nuôi của CCB Phan Văn Sơn ở Thượng Lộc thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Xe chúng tôi dừng lại cuối đoạn đường cấp phối, ghé thăm trang trại của anh Phan Văn Sơn - một điển hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của xã Thượng Lộc. Anh Sơn vốn là một người lính phòng không của trung đoàn bay 290, thuộc sư đoàn phòng không 373 đóng quân ở sân bay Đà Nẵng. Sau 4 năm quân ngũ, Sơn không trở về quê hương của mình ở Đức Thọ mà theo bố mẹ vốn là công nhân lâm trường Can Lộc vào vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Ngày ấy cách đây tròn 2 thập kỷ, trong suy nghĩ của những người công nhân lâm trường và người dân nơi đây chưa hề xuất hiện tư duy làm trang trại vườn đồi. Có chăng, họ chỉ tận dụng những vùng thung lũng phì nhiêu nằm dưới vùng quy hoạch cây lâm nghiệp, khai hoang trồng các loại cây lương thực để bù đắp vào khẩu phần ăn còn quá thiếu hụt hàng ngày. Ngày đó, cả một dải Trà Sơn dọc đường 70 còn là một vùng hoang vu, thú rừng sinh sống đông hơn con người.

Cựu chiến binh Phan Văn Sơn được xem là người tiên phong của vùng Truông Giữa xây dựng mô hình trang trại từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Những ngày đầu chưa có gan vay vốn đầu tư làm ăn lớn, anh Sơn cũng như các hộ gia đình khác ở đây chỉ áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để làm trang trại. Những đồng tiền tích cóp được từ hạt đậu, củ khoai, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn đàn đã giúp anh có vốn mua 500 gốc cây ăn quả về phủ kín 2ha đất vườn và nhận chăm sóc, bảo vệ 16ha đất rừng.

Đất đã không phụ công người, vài năm gần đây, số tiền lãi từ chăn nuôi và vườn đồi của anh Sơn luôn đạt trên 100 triệu đồng. Năm 2008, được sự khuyến khích của Hội nông dân huyện Can Lộc, anh Sơn đầu tư trên 100 triệu đồng nuôi thí điểm lợn rừng. Đàn lợn nái 4 con và 1 đực giống sau một năm nuôi thả giúp anh hoàn vốn đầu tư, tuy nhiên, càng nuôi cựu binh Phan Văn Sơn Sơn càng thấy mình còn thiếu hiểu biết về loài thú rừng đã được con người cảm hoá nhưng rất khó tính này.

1,6ha mô hình lúa-cá-vịt-lợn của CCB Nguyễn Quang Cương ở Đồng Lộc thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
1,6ha mô hình lúa-cá-vịt-lợn của CCB Nguyễn Quang Cương ở Đồng Lộc thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Tạm biệt người cựu binh phòng không và những triền đồi bạt ngàn cây trái vùng Truông Giữa, theo đường mòn chiến lược 70, chúng tôi ngược lên phía Bắc. Chừng 20 phút sau, thung lũng Vực Trống trải ra trước mắt tôi một màu xanh miên man. Những căn nhà lúp xúp thấp thoáng giữa những vườn cây ven đồi bao quanh hồ Vực Trống. Gửi xe cho đôi vợ chồng trẻ nhà ở cuối con đường đất đỏ, men theo một lối mòn nhỏ ngoằn nghèo giữa rừng cây tái sinh đã khép tán, được chừng non cây số, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Lê Duy Vận ở “ngọn” Vực Trống – một điển hình làm kinh tế giỏi của xã Gia Hanh.

Vốn là một người lính công binh từng tham gia mở nhiều tuyến đường chiến lược trên chiến khu cách mạng và có lẽ cái nghiệp “san núi, mở đường” ấy đã vận vào thân người cựu chiến binh này. Từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi Vực Trống còn là một vùng đất hoang sơ, cựu binh Lê Duy Vận đã dám bỏ lại ruộng vườn, vợ con nơi “hậu cứ”, cùng chục người dân Gia Hanh tiên phong vác dao vào nơi rừng thiêng núi đỏ này phát cây làm trại.

Thế mạnh của ông Vận là chăn nuôi lấy vốn đầu tư phát triển vườn rừng. Gần chục năm về trước, ông đầu tư mua 20 con dê giống và 10 con bò lai sind về khởi nghiệp. Số gia súc này hàng năm tăng dần theo cấp số nhân, trung bình mỗi năm ông bán trên 70 con dê và hơn một chục con bò, toàn bộ số tiền này ông đầu tư trồng rừng. Hiện trang trại của ông thuộc tốp đầu của xã, với hơn 4 vạn cây keo và khoảng 40 héc-ta mây tự nhiên đều đang đến kỳ thu hoạch. Theo thời giá hiện nay, trung bình một cây keo bán tại gốc từ 5-7 ngàn đồng và mỗi héc-ta mây chừng 10-12 triệu đồng thì số tiền ông Vận thu về không phải là nhỏ.

Trong tâm tư của người cựu chiến binh một đời sống chết với rừng cũng như nhiều hộ dân ở vùng “ngọn” Vực Trống đang mong mỏi chính quyền quan tâm quy hoạch vườn rừng và giao quyền sử dụng đất, đồng thời có chủ trương mở một con đường chạy dọc xóm núi để sản phẩm của họ làm ra không bị thua thiệt do giao thông cách trở.

Còn nhiều, rất nhiều những điển hình cựu chiến binh tôi đã gặp trong cuộc hành trình suốt một dải Trà Sơn giữa những ngày xuân thắm sắc. Đại tá Thích cho tôi biết thêm, toàn huyện Can Lộc hiện có 540 mô hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, trong đó có gần 90 mô hình thu nhập từ 70-150 triệu đồng/năm. Càng đi, càng tiếp xúc tôi càng cảm nhận được rằng, những anh lính cụ Hồ sau khi rời quân ngũ về cuộc sống đời thường lại viết tiếp những bản hùng ca trên trận tuyến mới. Ở họ có một điểm rất chung, không bao giờ chịu lùi bước trước mọi thử thách, gian nan trong cuộc chiến chống đói nghèo lạc hậu hôm nay. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi một thời họ từng là người lính!

Tháng 01-2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast