Hội khoa học Lịch sử Việt Nam góp phần tiếp thêm sức mạnh cho hoạt động thực tiễn

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLSVN) được thành lập từ ngày 31-3-1966; đây là một trong những hội được thành lập sớm nhất, sau Hội Luật gia và Tổng hội Y học. Trong suốt quá trình phát triển của Hội, giới sử học nước nhà đã và đang làm cho sử học luôn gắn kết và tiếp thêm sức mạnh cho hoạt động thực tiễn.

Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội khoa học Lịch sử Việt Nam (31/3/1966-31/3/2011)

Hội KHLSVN "là tổ chức xã hội nghề nghiệp; tập hợp các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động trong các ngành khoa học lịch sử và những ngành có liên quan mật thiết với khoa học lịch sử góp phần xây dựng, phát triển khoa học lịch sử Việt Nam, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình, môi sinh và phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia học tập, giáo dục lịch sử" (Trích điều lệ Hội KHLSVN).

Gs. NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp sử học" cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết

Gs. NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp sử học" cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết

Đại hội thành lập Hội KHLSVN được tổ chức tại Hà Nội gồm 300 đại biểu là những người làm công tác lịch sử và những người tâm huyết yêu thích lịch sử. Đại hội cho rằng ngành khoa học lịch sử phải vươn lên mạnh mẽ để xây dựng nền khoa học lịch sử Việt Nam tiên tiến, làm cho khoa học lịch sử trở thành một vũ khí sắc bén trong việc giáo dục, cổ vũ nhân dân phát huy mạnh mẽ truyền thống dân tộc, cách mạng, của Đảng trên mọi lĩnh vực.

Từ ngày thành lập đến nay Hội đã qua 6 kỳ đại hội. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, 45 năm qua, Hội đã có những bước phát triển và trưởng thành. Đến nay hệ thống tổ chức Hội KHLSVN đã có 51 hội, chi hội thành viên (bao gồm các hội cấp tỉnh, thành phố, các hội chuyên ngành, Hội của các cơ quan, bộ, ngành, các trường Đại học). vớihơn 3.500 hội viên.

Đội ngũ cán bộ khoa học lịch sử các cấp đã biên soạn và xuất bản nhiều bộ sử có giá trị. Bộ Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam 4 tập, cùng nhiều bộ sử của các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương... đã được hoàn thành. Bốn bộ lịch sử Việt Nam đã và đang đồng thời được biên soạn do Hội đồng KHXH TP Hồ Chí Minh, Viện Sử học, Khoa Lịch sử trường Đại học sư phạm Hà Nội và Khoa Lịch sử trường Đại học KHXH&NV Hà Nội chủ trì. Bộ Lịch sử quân sự VN 15 tập đang được biên soạn.

Sau khi những bộ sử trên ra đời, Hội KHLSVN sẽ kiến nghị kế hoạch biên soạn một bộ Lịch sử Việt Nam đồ sộ khoảng 15-20 tập trên cơ sở tập hợp lực lượng và trí tuệ của giới sử học cả nước. Những bộ sử xuất bản có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân.

Ngoài các hoạt động và hội thảo do Hội tổ chức, giới sử học còn tham gia nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế lớn, như: Hội thảo quốc tế về Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng cộng sản Việt Nam, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Hội cũng đã có vai trò quan trọng trong việc biên soạn sách giáo khoa trong trường học; góp tiếng nói nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống dân tộc trong các nhà trường và đoàn thể; biên tập xuất bản hàng ngàn bản tạp chí "Xưa và nay".

Đại hội Hội khoa học Lịch sử Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2010 - 2015)

Đại hội Hội khoa học Lịch sử Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2010 - 2015)

Từ cuối năm 1997 đến nay Hội có sáng kiến hay phát động quyên góp "mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân" đã được khắp nơi đồng tình hưởng ứng.

Một điều không thể không nói tới là Hội khoa học Lịch sử đã tham gia tư vấn phản biện vào nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học cấp nhà nước, cung cấp các luận chứng khoa học cho việc hoạch định đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Với tiếng nói có uy tín của mình, Hội đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn với phát triển; giữa hội nhập quốc tế với giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Nhiều ý kiến của giới sử học đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước trân trọng nghiên cứu như: đề nghị "cần có chiến lược bảo tồn, các dòng sông, các hồ" để bảo vệ môi trường; phản bác dự án "thau nước Hồ Tây", dự án khai thác than trong khu di tích Yên Tử; đề xuất bỏ trục Thăng Long từ Ba Đình đến Ba Vì; kiến nghị về vị trí xây dựng nhà Quốc hội, bảo vệ di tích Hoàng thành Thăng Long để Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới v.v...

Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội, đội ngũ những người hoạt động và tâm huyết với sử học không chỉ tự hào vì "đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc tôn vinh, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức lịch sử hào hùng của dân tộc ta", "đã có nhiều cống hiến tích cực trong phát triển nền sử học Việt Nam, trong các hoạt động bảo tồn di sản văn hoá dân tộc" như đồng chí Trương Tấn Sang - Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng đánh giá tại Đại hội HKHLS lần thứ VI (ngày 11-11-2010), mà còn là một dịp tốt để mọi người quan tâm hơn nữa hoạt động sử học, củng cố các tổ chức hội làm cho công tác sử học đúng nghĩa là hoạt động khoa học, góp phần tạo thêm động lực để đưa đất nước, quê hương phát triển./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast