Hương Sơn trong cơn đại hồng thủy

Đã 8 năm kể từ năm 2002 lại nay, huyện Hương Sơn lại tiếp tục xuất hiện đại hồng thủy. Trận lũ từ ngày 14/10 đến nay đã làm cho không biết bao nhiêu gia đình điêu đứng, làng mạc tan hoang. Cảnh con chết đuối, cảnh trâu bò và nhà cửa bị ngập trôi đã làm cho làm cho chúng tôi không cầm nổi nước mắt khi về lại cố hương...

Ngập hết làng trên xóm dưới

Từ chiều 14/10, sau bản tin dự báo thời tiết: "Miền Trung, nhất là từ Thanh Hóa tới Quảng Ngãi sẽ có mưa to, nhiều nơi mưa rất to. Hà Tĩnh, Quảng Bình lũ lại tiếp tục tái diễn..." thì cũng là lúc người dân Hương Sơn lo lắng, bồn chồn, đứng ngồi không yên vì nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây đã thấy khác với ngày thường.

Người dân Hương Sơn chạy lũ
Người dân Hương Sơn chạy lũ

Đến 5 giờ ngày hôm ấy, cả huyện Hương Sơn đã vần vũ trong màn mưa dày đặc và giăng đều từ miền thượng xuống miền hạ. Đến 9 giờ đêm, mưa càng to, gió càng rít mạnh khiến làng trên xóm dưới từ già tới trẻ không ai chợp mắt nổi. Nhiều người phải đội áo mưa, cầm đe`n pin sửa lại ngôi nhà dột lúc nửa đêm.. Không ít gia đình đồ đạc và thóc gạo đã che đậy cẩn thận rồi vẫn bị nước mưa chui vào.

Dân Hương Sơn từ trước tới nay đã quen sống chung với lũ nhưng hiềm một nỗi mưa lũ do "trời định" nên chẳng năm nào giống năm nào cả; không nói tới cây lúa, cây ngô ngoài đồng ngoài bãi "bất khả kháng" trong việc "di dời" nhưng chum khoai chum lạc để trên chạn, con lợn nằm trong chuồng nếu không kịp chủ động sơ tán cũng bị lũ cuốn mất.

Chị Mai vợ anh Đậu Bình nhiếp ảnh ở thị trấn Phố Châu cho biết " Từ trước tới nay chưa có khi mô ba ngày liền không thấy bóng dáng một người khách qua đường. Mưa to tới mức quán xá và chợ búa đều đóng im ỉm. Bữa ni ai thèm rau và nước chè xanh cũng phải bó tay..".

Trường học ở Sơn Thịnh trong biển lũ
Trường học ở Sơn Thịnh trong biển lũ

Đúng như lời chị Mai nói, cả huyện Hương Sơn đã có 34 xã không có xã nào không có nước dâng. Từ Đức Thọ qua khỏi Cầu Ghềnh Tàng, chúng tôi đã bắt gặp ngay xã Sơn Long, khúc đuôi của sông Ngàn Phố chìm ngập trong cơn sóng đỏ, nước ở bến Tam Soa đang gầm réo như con hổ rừng bị sập bẩy.

Sáng 16/10, mưa đổ ào ào như thác. Rác rưởi phù du, gỗ mục nổi lều phều. Những bờ tre, bụi chuối chìm nghỉm trong lũ, nhiều gia đình nước đã lên tới mé chạn. Những cột điện được đúc bằng xi măng đứng cao vòi vọi bây giờ mưa bão quật đổ chổng kềnh. Ngồi trên thuyền gỗ với một người thân ở xã Sơn Trà xuống mục sở thị vùng Sơn Châu, Sơn Hà, Sơn Tân... thì nhà nào, xóm nào cũng bị cô lập. Những người đàn ông đàn bà nông dân tần tảo một nắng hai sương đều thở dài với tâm trạng lo lắng sau hậu lũ gia đình mình sẽ sống sao đây.

Một người dân xóm Đình, xã Sơn Tân tâm sự: "Mấy năm ni nhờ có sức khỏe lúc xong thời vụ tôi theo cánh trẻ đi phu nề mới có một ít tiền để đầu tư xây được cái nhà sàn tránh lũ cho con trâu ni. Nhưng bây giờ đang lo không có tiền đong gạo, gia đình ông có đến 5 khẩu, không có vườn chủ yếu dựa mấy sào ruộng ngoài đồng. Bà vợ nhà tôi chăm được con lợn nặng hơn 50 ký đêm qua nước ngập cuốn cả lợn lẫn chuồng đi mất ".

Tôi nhìn con trâu đen đang đứng lặng thinh, đôi mắt mở to nhìn khách lạ dường như nó cũng hiểu được nỗi đau của ông cũng như nỗi đau của hàng trăm hộ dân Hương Sơn đang "bị mưa dày lũ xéo". Vượt Cầu Mỹ Thịnh phía bên kia là xã Sơn Thịnh và xa hơn là Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Lệ, Sơn Tiến.. dân tình cũng đang táo tác chạy lũ. Trường phổ thông trung học Lê Hữu Trác 2 và các trường tiểu học, mầm non khác, nước đã ngập mấp mé mái hiên. Bàn ghế học sinh, phòng thí nghiệm, hội trường, bếp ăn tập thể giáo viên chỗ nào nước cũng lấp xấp mái. Không ít đồ dùng giảng dạy, sách giáo khoa, kể cả sổ hộ khẩu của dân, giấy khai sinh của trẻ cũng bị lũ cuốn mất.

May mắn là đập Khe Mơ vỡ nhưng không bị thiệt hại về người
May mắn là đập Khe Mơ vỡ nhưng không bị thiệt hại về người

Vợ chồng anh Hùng, một chủ hộ làm kẹo Cu Đơ nổi tiếng lo ngay ngáy mấy thùng mật nguyên chất và hai tấn lạc nhân, nếu lũ lên ngập cả mái nhà thì hết sức gay go. Khi tôi tìm đến thăm chị Hà Thị Liên, một người thương tật (bị cụt hai chân nhưng vẫn nhẫn nại nằm đan suốt ba mươi qua) thì gặp cậu con trai và đượcanh biết: " Chính quyền xã và thôn ở đây đã đưa chị đi sơ tán rồi. Khi có thông báo lũ lớn các đối tượng người tàn tật và cụ già em nhỏ phải sơ tán ngay lên vùng cao trước khi lũ về. Phải thức trắng đêm mới chuyển được hàng trăm gia đình, người và gia súc tới nơi an toàn ".Tuy vậy thiệt hại của xã Sơn Thịnh và 5 xã phụ cận bây giờ chưa có thể cân, đong, đo, đếm được. Nhà trôi, gà lợn trôi, đường sá hư hỏng cùng cái đói cái rét đang rình rập từng ngày..

Từ cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chúng tôi nhận được nguồn tin: nhiều cung đường ở khu vực Keo Nưa và Sơn Kim 1 Sơn Kim 2 đã bị tắc nghẽn phần do do núi lở phần do cây đổ. Hàng trăm héc ta chè của Xí nghiệp Tây Sơn và tổng đội TNXP cũng bị gãy cành thối rễ .. Tại xã Sơn Tây, vào lúc 2 giờ sáng ngày 15/10, một khối lượng đất đá lớn từ trên đồi ập xuống nhà anh Lê Viết Đường và anh Đào Xuân Thể. Rất may là không xảy ra tai nạn.

Theo thống kê sơ bộ, Hương Sơn đã có hơn 410 ha lúa màu, 1.200 ha ngô bị lũ nhấm chìm. Số trâu bò, gà, lợn, dê, hươu mất nhiều nhưng xã chưa thống kê hết. Hầu hết các trường học phải đóng cửa chờ nước rút để khắc phục hậu quả. Số thiệt hại về tài sản nhân dân và hệ thống cơ sở hạ tầng phải gần 28 tỷ đồng.

Nhà nghèo, con bị lũ cuốn

Vừa tới chân đập Hao Hao, tôi đã nghe ông Kỳ kể câu chuyện thương tâm: "Thằng con ông Khiệu bị nước cuốn trôi rồi. Khiệu ông Miên người hàng xóm với nhà chú đó, nó bị sẩy chân ở Cầu Đá vào sáng ngày 14/10". Một cảm giác vừa bàng hoàng xót thương vừa pha chiếc rùng rợn trong đầu tôi đối với chiếc cầu " ma ám " này.

Cách đây chưa lâu 2 chị em gái là Tâm 10 tuổi và Tính 7 tuổi con bà Hộ (xóm 10) cũng gặp cảnh nước dâng to. Người em đi trước khi qua Cầu Đá bỗng nhiên trượt chân, rơi nhào xuống dòng nước xiết. Người chị lao ra cứu cũng bị nước cuốn mất. Thật tội nghiệp khi vớt xác lên trong tay cháu Tín vẫn đang còn chiếc liềm và gié lúa mót được để đưa về cho mẹ . Những giọt nước mắt của bà Hộ thương con đứt ruột còn chưa tan thì hôm nay vợ chồng anh Đoàn Quang Khiệu lại phải chít khăn tang khóc người con ngoan mà bỏ cha, mẹ, bỏ bạn bè ra đi ..

Người con trai con ông Khiệu tên là Đoàn Hiệp Đông (14 tuổi, học sinh lớp 9D, Trường Trung học cơ sở Thủy Mai 1). Thầy giáo Võ Văn Quang ngậm ngùi nói với tôi: " Nhận được tin dữ này không chỉ có tôi khóc mà cả hội đồng giáo viên và học sinh đều chảy nước mắt. Đông thuộc diện học sinh học lực khá lại ngoan ngoãn ".

Tôi trở lại xóm Cao Sơn thăm gia đình Đông, bàn thờ vẫn đang nghi ngút khói hương. Chị Minh người gầy như xác ve, đôi mắt sưng húp than thở " Hôm ấy trời đã mưa tôi bảo lụt rồi thầy nỏ dạy mô. Nó bảo nhà trường chưa có lệnh nghỉ nên mẹ cứ cho con đi. Nó vừa nói vừa choàng áo mưa dắt xe đạp đến trường . Ai ngờ .. ".

Bà Hoàn, người hàng xóm ngồi cạnh giường chị Minh cho biết: " Buổi sáng hôm đó dân cả xóm Cao Sơn và cán bộ xã Sơn Thủy chạy tá lả đi tìm xác Đông. Suốt ba tiếng đồng hồ liền cuối cùng ông Bùi Đình Kiên - Bí thư đảng ủy xã đã vớt được Đông lên.Thân thể Đông tím bầm vai vẫn còn mang cặp sách..". Lúc đưa tang Đông, nước lũ trong làng vẫn tiếp tục dâng cao, mưa trời xối xả. Trong dòng nước ngầu đục lội bì bõm, dòng người đưa Đoàn Hiệp Đông về an nghỉ cuối cùng khá đông. Mộ em được chôn cất chu đáo trên đồi cao, nơi em vẫn thường ngày chăn trâu cắt cỏ.

Rừng càng bị phá lũ quét càng mạnh

Những người dân Sơn Thủy vừa đưa tang em Đông được 2 ngày thì lũ quét từ thượng nguồn Hương Sơn cuồn cuộn đổ về. Mực nước sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm ở mức 13, 5 m, lên báo động 3. Vào tám giờ sáng ngày 16/10 đập nước Khe Mơ (Sơn Hàm S) với dung tích 0, 75 triệu m3 cung cấp nước tưới cho hơn 70 ha lúa bị vỡ. Tin dữ này ngay lập tức được giới truyền thông địa phương và trung ương thông báo cho đồng bào cả nước biết. Mặc dầu trước đó, ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch huyện Hương Sơn cùng các cấp, ngành đã có phương án cứu hộ đập nhưng không thể nào chinh phục được ba dòng nước hỗn giao: nước từ trời đổ xuống, nước từ sông dâng cao nước từ đại ngàn về phi nhanh hơn ngựa chiến.

Trong rủi còn may vì dung tích đập Khe Mơ khá nhỏ nên không gây thiệt hại về tính mạng tài sản nhân dân. Nhưng, về quê nhìn lũ lần này tôi cảm nhận bao nhiêu điều nhân dân than thở, rằng rừng Hương Sơn được gọi là niềm tự hào mảnh đất có kho báu lâm sinh, lá phổi xanh về môi trường sinh thái lại đang có nguy cơ bị tàn phá nặng. Những cánh rừng già Hương Sơn ngày càng cạn kiệt những loài gỗ quý như lim, đổi pơ mu, vàng tâm.. Trong rừng sâu hun hút lâm tặc mọi xứ vẫn ngang nhiên dựng lán, chặt gỗ dù Hạt kiểm lâm Hương Sơn đặt nhiều vọng gác và thành tích khi báo cáo cáo lên cấp trên bao giờ cũng "vẻ vang". Nhiều cán bộ kiểm lâm hạt được công nhận là chiến sĩ thi đua, đảng viên xuất sắc nhưng gỗ lậu vẫn theo đường quốc lộ 8A, theo sông Ngàn Phố đi về muôn ngả.

Rừng nguyên sinh không giữ được còn rừng trồng cũng không chế ngự được giặc lửa. Nhiều năm qua Hương Sơn là một trong những huyện lập về "kỷ lục" về cháy rừng. Riêng mùa hạ năm 2010, huyện Hương Sơn đã có hơn 200 ha rừng bị cháy. Điều trớ trêu là núi Nầm, một di tích lịch sử với cơ man thông xanh phút chốc biến thành than ngay trước mặt Hạt kiểm lâm Hương Sơn.

Nếu không phá rừng tàn nhẫn thì không có một trận lụt thế kỷ lần này. Vì thế, sau trận lũ kinh hoàng này, ngoài cứu đói cho dân, Hương Sơn cần phải có giải pháp cứu lấy rừng phòng hộ đầu nguồn và cả những cánh rừng thông xanh biếc để duy trì chức năng phòng hộ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast