Khắc phục hậu quả mưa lũ, tập trung đối phó với bão số 9

Mưa lớn làm 4 người chết, thiệt hại lớn về tài sản

Như bao hà tĩnh đã đưa tin, từ ngày 23 đến 26-9, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện mưa to và lốc xoáy làm 4 người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái và bị ngập, hàng trăm hec -ta rau màu màu và ao đầm nuôi trồng thuỷ sản bị ngập, hư hại, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở… Trong lúc đang tập trung khắc phục hậu quả của đợt mưa vừa qua, thì theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn trung ương, bão số 9 đang tiến vào biển Đông với sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, 14. Dự báo đến 4h ngày 30-9 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17, 4 độ vĩ Bắc, 107, 0 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Đây là cơn bão mạnh, đòi hỏi các ngành, địa phương cần tập trung phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Đường phố cũng ngập chìm trong nước. Ảnh: LT
Đường phố cũng ngập chìm trong nước. Ảnh: LT

Do ảnh hưởng của vùng thấp trên biển Đông, trong nhiều ngày qua, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn xảy ra theo từng đợt nên ít nhiều đã gây ra những chủ quan nhất định đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân một số địa phương; dẫn đến những thiệt hại không đáng có. Đặc biệt là đã có 2 người chết (em Trần Tuấn Nhật, học sinh lớp 11, xã Gia Phố và ông Nguyễn Văn Ninh, 80 tuổi, xóm 8, xã Phú Phong - Hương Khê, đều bị chết đuối) và 1 người bị lũ cuốn trôi (chị Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1985, xã Kỳ Trung, Kỳ Anh). Ngoài ra, một trường hợp khác là anh Lê Anh Tuấn – dân quân xã Kỳ Trung bị tử nạn trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn trên sông Rác.

Không chỉ gây thiệt hại về người, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã gây những thiệt hại đáng kể về tài sản của nhiều hộ dân. Tại Hương Khê, lốc xoáy (xảy ra lúc 14h ngày 21 9 tại các thôn: Trường Sơn, Yên Sơn, Trung Sơn và Bình Sơn thuộc xã Lộc Yên) đã làm tốc mái nhà của 39 hộ, làm đổ 5 cột điện đường 0.4KV, nhiều cây lấy gỗ và cây ăn quả bị gãy, đổ với thiệt hại ước tính trên 200 triệu đồng.

Nhiều hộ dân bị ngập lụt. Ảnh: Lệ Thuỷ
Nhiều hộ dân bị ngập lụt. Ảnh: Lệ Thuỷ

Chỉ ít giờ sau, tại Đức Thọ, lốc xoáy (xảy ra vào hồi 16h ngày 21 9 trên địa bàn các xã: Đức Đồng, Đức Lạng) đã làm tốc mái nhà của 37 hộ dân; nhiều diện tích cây ăn quả, cây lấy gỗ bị đổ, gãy; một số tuyến đường điện hạ thế bị đỗ gãy với tổng thiệt hại ước khoảng 450 triệu đồng.

Chưa hết, lốc xoáy xảy ra hồi 8h30'' ngày 24/9/2009 trên địa bàn xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) đã 7 hộ dân bị tốc mái nhà, đổ 4 cột điện hạ thế và vùi dập nhiều diện tích hoa màu vụ đông.

Tại Kỳ Anh, mưa lớn trên diện rộng gây nên tình trạng ngập úng đã làm sạt lở 25.000 m3 đường giao thông liên xã, 5.000 m3 kênh mương nội đồng, 17 cống qua đường bị hư hỏng nặng; ngoài ra, mưa lũ còn làm ngập hỏng 250 ha diện tích NTTS (ước thiệt hại khoảng 250 tấn tôm, cua), 140 ha rau màu vụ đông, 10 ha lạc đông.

Các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, mưa lũ đã làm chia cắt giao thông nhiều tuyến đường, gây úng ngập và hư hỏng nhiều diện tích rau màu vụ đông vừa mới gieo trồng.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, trong những ngày qua, BCH PCLB tỉnh Hà Tĩnh đã phát các công điện gửi Ban chỉ huy PCLB các huyện, thành phố, thị xã; Ban chỉ huy PCLB các sở, ban, ngành; Ban chỉ huy PCLB các công trình trọng điểm chủ động triển khai các phương án đối phó với mưa, lũ. Cùng đó, các đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác PCLB và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh đã trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra và chỉ đạo việc khắc phục hậu quả bước đầu.

Kiểm tra tràn xả lũ ở Vũ Quang. Ảnh: Văn Chương
Kiểm tra tràn xả lũ ở Vũ Quang. Ảnh: Văn Chương

Với tinh thần, kịp thời hỗ trợ nhau trong hoạn nạn, chính quyền các địa phương đã huy động nhân lực, vật lực tu sửa nhà cửa hư hỏng, gia cố các tuyến đường giao thông, cầu, cống để ổn định cuộc sống, đảm bảo giao thông đi lại cho các vùng, miền bị nước lũ chia cắt. Chính quyền và nhân dân xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân xứng đáng được biểu dương, khen ngợi vì không chỉ ứng cứu và đưa vào bờ an toàn cho 1 tàu cá của các ngư dân ở Quảng Xương, Thanh Hóa bị chết máy trôi dạt trên biển mà còn hỗ trợ tiền tàu để họ hồi hương. Công ty Quản lý và sữa chữa đường bộ 474 đóng tại Hà Tĩnh đã huy động lượng lượng cán bộ, công nhân và 4 xe húc đến san lấp, gạt bỏ đất, đá các điểm sạt lở trên đường Quốc lộ 8A, 1A đảm bảo an toàn giao thông thông suốt.

Tập trung đối phó với bão số 9

Nếu bão số 9 không suy yếu và đổ bộ vào tỉnh ta, khoảng 5.000 hộ dân với 20.000 nhân khẩu sẽ phải di dời; trong đó, vùng ven biển chiếm khoảng 15.000 người, vùng núi khoảng trên 5.000 người. Để chủ động đối phó với cơn bão, sau khi tiếp nhận công điện của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tinht Hà Tĩnh Lê Văn Chất - Trưởng BCH phòng chống lụt bão tỉnh đã có Công điện khẩn số 18, gửi tất cả BCH PCLB các huyện, thị, thành phố, BCH các sở, ban, ngành và các công trình trọng điểm, Bộ CHQS, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Tiểu ban an toàn nghề cá và các công ty QLKT công trình thuỷ lợi chuẩn bị phòng chống bão với tinh thần tập trung, khẩn trương; đặc biệt là công tác ứng cứu ở các tuyến đê sông, đê biển và sẵn sàng cho việc di dời toàn bộ dân cư trong những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. UBND tỉnh cũng đã quyết định hoãn tất cả các hội họp và các hoạt động không cần thiết trong những ngày tới để tập trung cao độ cho việc phòng chống và đối phó với cơn bão số 9; đồng thời chỉ đạo các ban ngành, địa phương chuẩn bị tinh thần dự trữ lương thực phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Sở NN-PTNT đã cử các thành viên trong BCH PCLB và cán bộ thú y xuống các địa phương hướng dẫn, giúp dân tổ chức nơi cư trú an toàn cho đàn gia súc, gia cầm. Các địa phương đang tập trung kiểm tra và có phương án đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, phương tiện, kho hàng hoá ở các bến cảng, khu CN và ở các khu du lịch ven biển; rà soát, thống kê chính xác các hộ dân cư đang sống ở các vùng xung yếu ven biển, ven của sông, có kế hoạch sơ tán kịp thời; tổ chức neo giằng nhà cửa, trường học, công sở, đặc biệt là vùng trũng thấp, vùng ven sông, ven suối, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở; bố trí lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý ngay các sự cố về đê điều; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa, đặc biệt đối với các hồ đang thi công dở, các hồ tiềm ẩn nguy cơ sự cố; kêu gọi tàu thuyền và ngư dân khẩn trương tránh bão… Đến 7h sáng 27-9, toàn bộ 3.758 tàu thuyền đã vào bờ neo đậu trú bão an toàn, trong đó có 30 chiếc tàu đánh cá lớn trên 90 CV không vào kịp bờ, đã vào trú bão tại Vịnh Hạ Long.

Ngoài việc di dời dân, tỉnh cũng đã chuẩn bị lực lượng ứng cứu, đối phó với cơn bão; thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh, xuống huyện, xã với đội quân cơ động bao gồm: Công an, quân đội, biên phòng, dân quân tự vệ... cùng với hàng trăm phương tiện giao thông vận tải thuỷ, bộ triển khai phục vụ cho nhiệm vụ ứng cứu bão, đặc biệt là tại các công trình xung yếu như: Đê La Giang, đê Hội Thống, các tuyến đê biển Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và các hồ, đập lớn như hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Sông Trí, Kim Sơn...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast