Khát vọng xanh...

(Baohatinh.vn) - Trong ngôi nhà nhỏ một ngày cuối năm, đôi vợ chồng trẻ chia sẻ niềm hạnh phúc chuẩn bị chào đón thành viên mới. Đó là món quà mà tạo hóa ban tặng cho khát vọng mãnh liệt của Trần Kim Việt (thôn 5, Hương Long, Hương Khê, Hà Tĩnh ); cho những tháng ngày trầy trật đánh vật với số phận với niềm tin sắt đá: mình “tàn” nhưng nhất định “không phế”.

khat vong xanh

Trần Kim Việt nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016.

Việt sinh ra với đôi chân không lành lặn. 9 tuổi, Việt bước vào lớp 1 cùng em gái trong sự lo lắng, bất an của bố mẹ. Vậy nhưng, những bước chân khập khiễng phải có sự hỗ trợ của bàn tay không làm em nản chí. Cậu bé có khuôn mặt khôi ngô, thông minh, nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của thầy cô và bạn bè. Những năm tiểu học, gần như năm nào kết quả học tập của Việt cũng nhất, nhì lớp.

Không chút tự ti, Việt tìm cách vượt lên số phận bằng phương pháp học tập, sinh hoạt khoa học. Không than phiền về cái nghèo của gia đình nông dân đông con ăn học, Việt độc lập tìm đất “gieo mầm” tố chất “doanh nhân”, xoay xở lo tiền ăn học. Lớp 6, Việt tập đi xe đạp và bắt đầu mày mò theo ông nội học nghề sửa xe. Người thấp nhỏ, lại chỉ có một chân là có thể hoạt động, sau một thời gian lên xe là ngã, ngã lại lên xe, chiếc xe đạp cũng buộc phải tuân theo sự điều khiển của “cậu chủ nhỏ”. Buổi đi học, buổi ngồi ở cái quán cóc trước nhà, thế mà, Việt cũng kiếm đủ tiền trang trải chi phí học tập, sách vở suốt những năm học phổ thông. Cậu kể: Hồi đó, để mở quán sửa xe, bố mẹ “kiếm” cho 250.000 đồng tiền vốn.

Một chân đạp, chân còn lại chỉ gác lên pê-đan cho “có lệ”, Việt mò mẫm lên quán anh Kỳ ở thị trấn Hương Khê lấy phụ tùng. Thấy cu cậu tiền ít nhưng “chí nhiều”, dù chưa một lần quen biết, anh Kỳ vẫn vui vẻ cho Việt lấy hàng nợ, về bán được thì đưa lên trả. Ân tình đó của người chủ quán đến nay Việt vẫn không quên.

khat vong xanh

Làm vườn ươm đã trở thành niềm đam mê của chàng trai trẻ giàu nghị lực.

Hoàn cảnh đặc biệt nhưng kết quả học tập của Việt cũng hết sức đặc biệt, luôn ở nhóm nhất, nhì lớp. Học kỳ 2 của lớp 9, Việt tự mình quyết định chuyển lên trường chuyên của huyện học. Thấy các bạn thị trấn có cái máy tính Casio sáng bóng, vừa đẹp, vừa tiện ích, phục vụ học các môn tự nhiên, dù rất thích nhưng nhà nghèo nên Việt không thể mua được. Cậu bèn ra quán cầm đồ ở thị trấn mua một chiếc máy cũ, giá 80 nghìn đồng. “Em dùng một tháng, có người hỏi mua, liền bán lại với giá 100 nghìn đồng, lời được 20.000 đồng”, Việt cười, chia sẻ. Từ đó, không chỉ sửa chữa và buôn bán phụ tùng xe đạp, Việt có thêm mối làm ăn mới là mua máy tính cũ, làm mới, bán lại cho các bạn trong trường để lấy tiền trang trải chi phí học tập. Cái “cơ nghiệp” cỏn con đó theo Việt cho đến hết những năm THPT.

Năm 2008, Việt tiến đến một chân trời rộng lớn hơn đó là giảng đường đại học. “Lúc đó, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bố mẹ ốm đau thường xuyên trong khi 4 anh em đều đi học (2 học đại học). Giảng đường Đại học Vinh rộng lớn, cao tầng, không phải môn nào cũng có thể học ở tầng 1, Việt bắt đầu “cuộc chiến” với cái cầu thang bộ của trường. Mỗi bậc cầu thang với em lúc đó giống như thước đo lòng dũng cảm, bản lĩnh của một thanh niên. Khi không thể bước được thì em ngồi xuống, dịch lên từng bậc. Cứ thế, suốt những năm đại học, em trở thành “người hùng cầu thang” - Việt nhớ lại.

Ngay năm học thứ 2, nhờ học thêm về công nghệ thông tin, Việt đã được thầy giáo tạo điều kiện cho lắp ráp máy tính cũ và trả công hàng tháng. Quý mến cậu sinh viên nghèo mà ham học, thầy đã cho Việt tìm những linh kiện tốt nhất của các máy và lắp ráp hoàn chỉnh một máy để phục vụ việc học tập. Chăm máy như chăm con, Việt tìm tòi cài đặt nhiều chương trình học tập hữu ích, tiện lợi. Sử dụng được một thời gian, có người hỏi mua và trả giá 1,5 triệu đồng (máy của thầy lúc đó lắp ráp chỉ bán 1 triệu đồng), thấy “lãi” nên một lần nữa Việt lại gật đầu. Cũng từ đó, bằng trí tuệ và công sức của mình, chàng sinh viên nghèo giỏi công nghệ thông tin đã “dựng”, bán những chiếc máy vi tính cũ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

khat vong xanh

Trần Kim Việt hướng dẫn khách hàng quy trình chăm sóc cây giống.

Đến bây giờ, khi đã trở thành ông chủ của một vườn ươm (Giám đốc Công ty TNHH Vườn ươm Việt), việc chọn ngành nông lâm quả là một quyết định sáng suốt của chàng trai trẻ Trần Kim Việt. “Ngay từ năm thứ nhất sinh viên, mỗi lần về quê, nhìn bố mẹ quần quật, lam lũ mà khó khăn vẫn chồng chất, em tự hứa phải làm gì đó để đổi thay số phận. Được giao làm đề tài, em về mượn vườn của bố mẹ để xây dựng vườn ươm cây giống. Cùng với sự hỗ trợ của thầy trưởng khoa, em đầu tư ươm 1 vạn bầu cây dó (lúc đó, cây dó rất được giá)”. Ban đầu là thực hiện đề tài, rồi vườn ươm thành công, số cây giống xuất được thu về cả mấy chục triệu đồng, làm vườn ươm trở thành đam mê của chàng trai trẻ lúc nào không hay.

Năm 2014, sau 6 năm vất vả “vừa học, vừa làm”, Việt đã nhận được tấm bằng thạc sỹ ngành khoa học cây trồng. Cũng từ đây, đôi chân không lành lặn của Việt lặn lội khắp nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc, từ “thủ phủ” của các loại cây trồng ở miền Bắc đến những miệt vườn cây trái của Nam bộ, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa tìm những giống cây phù hợp với đất đai thổ nhưỡng quê mình.

Việt bắt đầu mở rộng diện tích vườn ươm và đầu tư “làm ăn lớn”. Vườn nhà không đủ, em thuê đất của các hộ dân xung quanh. Đối tượng giống cây cũng được mở rộng, thêm cam chanh, cam bù, bưởi Phúc Trạch, cây bóng mát... Ngoài ra, em còn học thêm để có chứng chỉ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Bác Lê Văn Thanh (xóm 2, Hương Thủy, Hương Khê) cầm lá cây bị bệnh đến nhà Việt và nói: “Mỗi lần cây bị bệnh là chúng tôi lại đến để được anh Việt tư vấn cách chữa trị. Giống cây ở đây đạt chất lượng, lại được anh Việt chỉ dẫn cách chăm sóc đến nơi, đến chốn nên chúng tôi rất tin tưởng”.

khat vong xanh

Lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế” đã luôn ở bên em trong những lúc khó khăn nhất và trở thành động lực mạnh mẽ để em vượt lên số phận

Hiện mỗi năm Việt xuất bán trên 10 vạn giống cây ăn quả (cam, bưởi); 20 vạn cây dó trầm; 1-2 vạn cây sưa đỏ; 4-5 vạn cây lát hoa; 1-2 vạn cây công trình (xà cừ, sao đen, sấu)... Gần đây, Việt ươm thêm 40 vạn cây giống chè mạn hảo để phục vụ làm hàng rào xanh trong xây dựng nông thôn mới và đã xuất được trên 20 vạn cây... Doanh thu của công ty mỗi năm trên 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động, trong đó có 3 lao động tàn tật và 10 lao động thời vụ. Không chỉ cung cấp cây giống, Công ty TNHH Vườn ươm Việt còn cung cấp hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm cây ăn quả cho người dân trên địa bàn. Theo đó, 2 mùa qua, Việt đã đưa 40 tấn bưởi bán ở các thị trường miền Nam, Hà Nội... và hiện đang kết nối để có thể đưa hàng vào hệ thống Siêu thị Big C.

Tiếng lành đồn xa, Việt đã được mời nhận thầu gói tư vấn kỹ thuật, cung cấp cây giống cho dự án trồng cây ăn quả ở Bình Thuận với diện tích 1.240 ha với khoảng 10 vạn cây cam. Đây là dự án đầu tư khép kín từ sản xuất đến thị trường nên cũng là cơ sở để Việt “ôm” thêm phần tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho bà con trên địa bàn. “Một tháng 2 lần “bay vào, bay ra”, “cà nhắc” cả ngày từ đầu đến cuối vườn ươm, em lấy đâu ra sức”? “Em quen rồi chị ạ, không đi không được, không làm không được, đi được làm được, không còn thấy mệt. Dẫu người khuyết tật như em để làm nên sự nghiệp phải đương đầu với muôn vàn gian khó, nhưng lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế” đã luôn ở bên em trong những lúc khó khăn nhất và trở thành động lực mạnh mẽ để em vượt lên số phận.” – Việt cười tự tin, ánh mắt sáng ngời dõi về phía vườn ươm đang tí tách bật chồi xanh...

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast