Khi hộ nghèo có nhà tránh lũ

Nhà chòi “sống chung với lũ” là sáng kiến hay xuất phát từ thực tế của những người dân hàng năm phải đối mặt với thủy tặc. Nhà chòi đang trở thành mô hình nhân rộng cả nước, với phương thức Nhà nước và dân cùng làm. Mô hình nhà chòi tránh lũ cho người nghèo ở xã Hòa Hải (Hương Khê) được triển khai sớm, không chỉ những người được hưởng lợi chính sách hỗ trợ mà cả làng đều vui vì né tránh được thiên tai dữ dằn đang rình rập.

Nơi thủy tặc rình rập

Giữa tháng 5, trời nắng như đổ lửa, nhưng mấy anh em chúng tôi chẳng ai thấy mệt khi tận mắt chứng kiến những thửa ruộng rười rượi màu vàng. Đang bước vào vụ thu hoạch, bà con nông dân Hòa Hải đã túa ra đồng lúc còn mờ sương. Trò chuyện với chúng tôi, một người dân đang đẩy xe trâu chở lúa bên chân ruộng khoe: “Chưa đến tiểu mãn nhưng nhà tôi đã gặt xong 2 sào rồi, dăm ngày nữa, cả làng sẽ gặt vãn. Công cấy, công cày nhờ trời thương nên lúa vô bồ, vô sập trọn vẹn. Còn trời hại thì dân mất ăn”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cùng đoàn công tác liên ngành kiểm tra các công trình chòi tránh lũ tại Hương Khê và Hương Sơn theo tinh thần Quyết định 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn của Bộ Xây dựng về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt. Ảnh: Bá Tân
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cùng đoàn công tác liên ngành kiểm tra các công trình chòi tránh lũ tại Hương Khê và Hương Sơn theo tinh thần Quyết định 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn của Bộ Xây dựng về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt. Ảnh: Bá Tân

“Trời hại” có lẽ là câu nói cửa miệng từ xưa tới nay của dân vùng sơn cước này. Xã Hòa Hải hiện nay vẫn là một trong những xã nghèo của huyện Hương Khê với 11.711 gia đình định cư trên diện tích đất tự nhiên 15.800 ha, trong đó đất rừng chiếm 11.000 ha. Đất đai mỡ màu, nhưng con người ở đây hàng chục thập kỷ qua vẫn túng thiếu vì nhiều lý do, nhưng cơ bản vẫn là do thiên tai - “nắng cháy khô lá cọ, mưa to ngập cả làng”.

13 thôn thuộc xã Hòa Hải nằm trong một lòng chảo có 2 con sông lớn: Rào Nổ, Rào Hào. Ngoài 2 nhánh sông chính còn có 5 con đập. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hải Nguyễn Đình Quang giải thích: “Vì địa hình lòng chảo, chỉ có duy nhất một chỗ thoát nước nên lũ lên nhanh và nước lại rút chậm”. Anh Quang nhớ lại trong cuộc đời đã chứng kiến 3 lần xã Hòa Hải đối mặt với những trận lũ lịch sử. Trận lũ thứ nhất năm 1978, trận thứ 2 năm 1988 và trận thứ 3 năm 2010. Cái cột hiên nhà anh còn ghi dấu 3 vạch mốc khó quên này, theo đó, trận lũ năm 2010 mực nước cao hơn các trận lũ trước 2 cm. Theo địa hình thiên tạo bất biến, các trận lũ lớn trườn qua rồi xát lại, nhưng nhờ người dân biết bơi giỏi và có kinh nghiệm chạy lũ nên không có thôn nào có người thiệt mạng. Thế nhưng, thủy tặc đã “nuốt chửng” bao nhiêu ngôi nhà, trâu bò, gà, lợn, khoai, lúa… trong những lần cuồng nộ.

Những nhà chòi tránh lũ mọc lên

Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện xây nhà chòi tránh lũ cho hộ nghèo, Chủ tịch UBND xã Hòa Hải Phạm Hữu Nhân nói: “Thú thật với các anh, dân xứ ni từ lâu họ cũng hiểu xây nhà chòi tránh lũ chính là giải pháp hay nhất khi lũ về. Biết ra rứa nhưng có thực hiện được mô bởi dân đời sống còn quá vất vả. Ngân sách xã “rỗng túi” lấy chi mà xây. Nhưng khi nhận tin Hòa Hải được phê duyệt xây nhà chòi tránh lũ cho 27 hộ nghèo theo Quyết định 716 của Chính phủ, mọi người cảm thấy như đang gánh nặng được quý nhân trợ sức”. Ông Nhân thông tin thêm: Sau khi tiếp nhận toàn bộ kế hoạch, nội dung, chương trình, UBND xã Hòa Hải đã xúc tiến ngay thành lập BCĐ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên. Mặt trận thôn và các đoàn thể tham mưu, giới thiệu những tốp thợ có kinh nghiệm để xây dựng theo thiết kế mẫu của Sở Xây dựng và phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn. Cán bộ xã Hòa Hải còn năng động liên hệ với các cơ sở bán vật liệu xây dựng để ký ứng vật tư cho các hộ nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải quyết “nóng” khi người dân chưa nhận tiền hỗ trợ, tiền vay ưu đãi của Nhà nước.

Nhà chòi tránh lũ của gia đình ông Bạch Xuân Đồng.
Nhà chòi tránh lũ của gia đình ông Bạch Xuân Đồng.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bạch Đình Quân (thôn 13). Người đàn ông mới 31 tuổi này lớn lên đã bị cái nghèo “níu áo”, bởi gặp không ít những rủi ro bất hạnh. Khu vườn một sào rưỡi của vợ chồng anh chính là nơi trũng nhất, nên được ban cán sự và người dân trong thôn ưu tiên lựa chọn làm trước. Anh Quân tâm sự: “Nhà chòi của gia đình em làm đầu tiên, với diện tích hơn 14 m2. Tuy không đẹp bằng các hộ khác, nhưng em thấy rất an tâm, bởi móng và cột trụ vững chắc... Thú thật, công trình nhỏ như thế, nhưng nếu không có trợ giúp cộng đồng thì suốt đời cũng không mơ được”.

Một hộ khác chúng tôi tiếp cận là gia đình ông Bạch Xuân Đồng (thôn 12). Vừa dắt con trâu từ ngoài đồng về chuồng, mời khách vào nhà ngồi chưa ấm chỗ, ông Đồng đã rầu rĩ than: “Tui năm ni mới 56 tuổi, trong nhà 4 người thì có tới 3 bệnh nhân. Tui 3 lần mổ, vợ bị khớp, đứa con gái bị bệnh tâm thần”. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi chuyện xây nhà chòi tránh lũ, mọi buồn bực trong ông dường như tiêu tan. Ông Đồng dẫn chúng tôi lên tầng 2, giới thiệu: “Xây được nhà chòi kiên cố như thế này, tui đưa gia súc lên ở 1 phòng, người ở 1 phòng. Bữa ni không phải lo cuống cuồng để sơ tán khi mưa lũ nữa”.

“Mũi đột phá” cần được nhân rộng

Trò chuyện với chúng tôi xung quanh việc thực hiện đề án quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, ông Bùi Lê Bắc - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống bão lụt Hà Tĩnh, cho biết: “Sau khi có Quyết định 716 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã triển khai thực hiện và về đích sớm nhất”. Theo ông Bắc, không chỉ có Hòa Hải mà 100/100 nhà chòi thí điểm tại những vùng rốn lũ Hà Tĩnh đều đạt chất lượng cao. Các nhà chòi đều phù hợp với điều kiện địa phương và hoàn cảnh gia đình. Từ đầu năm 2012, Hà Tĩnh là một trong 7 tỉnh được triển khai xây dựng nhà chòi tránh lũ cho 3 xã ngập nặng nhất: Sơn Thịnh (50 hộ), Phương Mỹ (23 hộ) và Hòa Hải (27 hộ). Cái hay trong xây nhà chòi tránh lũ, nhiều hộ đã có sáng kiến cải tiến bổ sung về quy mô, diện tích xây dựng, kiểu dáng, kiến trúc phù hợp. Một số hộ cải tiến từ nhà cũ tận dụng được hết không gian diện tích, không ít gia đình tuy xây nhà chòi vẫn làm được cầu thang để trâu bò tự leo lên tránh lũ.

Ở Hòa Hải nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, sống chung với lũ luôn là cuộc chiến lâu dài và những căn nhà chòi tránh lũ là một “mũi đột phá”, cần được nhân rộng trong cuộc trường chinh đấu tranh với thủy tặc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast