Khi người dân thiếu thông tin...

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) quy hoạch khu chăn nuôi lợn tập trung với diện tích 24,5 ha thuộc xứ đồng Re Re nằm trên địa bàn 2 thôn Trung Phú và Hồng Thái. Quy hoạch NTM, quy hoạch chi tiết khu chăn nuôi và quy hoạch hạ tầng ở đây đã được phê duyệt.

Khi người dân thiếu thông tin. Minh họa từ Internet
Khi người dân thiếu thông tin. Minh họa từ Internet

Cuối năm 2012, UBND huyện Thạch Hà triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình hạ tầng khu chăn nuôi lợn tập trung. Quy mô của dự án gồm 2 tuyến đường giao thông có tổng chiều dài hơn 2,3 km, 3 cống thoát nước, mương thoát nước dọc, hệ thống đường điện và hồ xử lý nước thải với tổng mức đầu tư gần 18 tỷ đồng. Về cơ bản, các tuyến giao thông được xây dựng trên trục đường cũ đã được quy hoạch trước đó, chỉ thu hồi 2,5 ha đất nông nghiệp của 26 hộ dân (chủ yếu là đất tạm giao).

Quá trình triển khai xây dựng hạ tầng giao thông, người dân các thôn Trung Phú và Hồng Thái vẫn không biết nội dung của dự án nên không có ý kiến gì. Thậm chí, nhiều người còn bày tỏ vui mừng khi hạ tầng được đầu tư, thuận lợi hơn cho việc sản xuất nông nghiệp trên xứ đồng Re Re. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2013, khi UBND xã tổ chức họp cán bộ cốt cán, thông tin về dự án khu chăn nuôi tập trung và thông báo trên hệ thống loa truyền thanh xã, đồng thời, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Công Hạnh ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 24,5 ha đất nông nghiệp của các hộ dân đang sản xuất thì người dân hết sức bất ngờ! Không chấp nhận “bờ xôi, ruộng mật” gắn bó bao đời nay của gia đình họ giờ bỗng dưng sẽ không còn, các hộ dân đã có hành vi ngăn cản việc thi công dự án và gửi đơn kiến nghị lên các ngành chức năng.

Chúng tôi đến xứ đồng Re Re vào một ngày cuối tháng 5/2013. Đang vào vụ gặt nhưng khi thấy “nhà báo”, bà con nông dân bỏ hết cả việc đồng áng để tập trung “tố khổ”. Chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Trung Phú) bức xúc: Cuối năm 2012, xã, huyện đưa máy móc về san ủi, làm đường chạy vào xứ đồng Re Re. Lúc đó chưa phạm vào đất sản xuất của ai nên nhân dân chưa có ý kiến gì. Thế nhưng, cách đây vài tuần, Chủ tịch UBND xã đã thông báo quyết định thu hồi đất để làm khu chăn nuôi lợn. Chúng tôi chưa từng biết về quy hoạch, chưa từng được bàn bạc gì, xã muốn quyết thế nào thì quyết. Nông dân sống nhờ ruộng mà bây giờ xã thu hết đất sản xuất thì chúng tôi sống bằng gì. Đó là chưa nói quy hoạch khu chăn nuôi quá gần dân, ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi. Ông Trần Bá Hương – Bí thư thôn Trung Phú xác nhận: Quá trình lập quy hoạch, triển khai các dự án, xã đã không làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. Mặc dù có quán triệt cho cán bộ cốt cán nhưng việc công khai đề án, công khai quy hoạch cho người dân bàn bạc, đóng góp ý kiến chưa được thực hiện nghiêm túc. UBND xã không tôn trọng thiết chế dân chủ cơ sở nên người dân không đồng thuận, phản ứng gay gắt.

Người dân xóm Phú Nghĩa (Thạch Thắng) trình bày bức xúc với P.V Báo Hà Tĩnh.
Người dân xóm Phú Nghĩa (Thạch Thắng) trình bày bức xúc với P.V Báo Hà Tĩnh.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hạnh – Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng cho biết: Trong đợt chuyển đổi ruộng đất năm 2009, xã có chủ trương xây dựng Trung tâm Thương mại trên xứ đồng Re Re nên đã có quy hoạch, phần lớn diện tích đất ở đây là đất tạm giao cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp. Thực hiện đề án xây dựng NTM, tỉnh, huyện đã chấp thuận cho quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ở đây và giao cho xã chịu trách nhiệm GPMB. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới thực hiện dự án xây dựng hạ tầng, ảnh hưởng một phần rất nhỏ đất sản xuất của dân nên xã… “chưa” công bố quy hoạch khu chăn nuôi lợn, “chưa” lấy ý kiến của dân và “chưa” lập Hội đồng GPMB, “chưa” có kế hoạch, phương án quy trình thu hồi đất (?!) Do người dân hiểu nhầm việc xây dựng hạ tầng đồng thời với thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi lợn tập trung, biến cả vùng thành chuồng trại nên phản đối.

Như vậy có nghĩa là, đến thời điểm này, người dân thôn Trung Phú và Hồng Thái vẫn chưa nắm bắt được lộ trình triển khai các dự án. Dự án khu chăn nuôi lợn tập trung chỉ thực sự triển khai khi có tổ chức, cá nhân vào đầu tư và lúc đó đất đai mới bị thu hồi. Có thể là 1-2 năm, cũng có thể là lâu hơn nữa, toàn bộ khu đất ở xứ đồng Re Re mới được “lấp đầy” bằng các chuồng trại chăn nuôi lợn. “Thế mà, ông Nguyễn Công Hạnh đã quyết định thu hồi ngay toàn bộ khu đất, thậm chí còn “vô tư” trả lời dân rằng: Người dân có phản đối thì quy hoạch khu chăn nuôi lợn tập trung vẫn phải triển khai. Đất nông nghiệp của những hộ dân nào đã có bìa thì được “đổi” ruộng nơi khác còn đất tạm giao thì UBND xã không bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi” – anh Nguyễn Doãn Vũ (xóm Trung Phú) không giấu nổi bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: Việc quy hoạch khu chăn nuôi lợn tập trung ở Thạch Thắng là hoàn toàn hợp lý và rất cần thiết. Tuy nhiên, do UBND xã Thạch Thắng chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phát huy dân chủ cơ sở nên không tạo được sự đồng thuận trong dân. Đặc biệt, việc làm của chủ tịch UBND xã đã khiến người dân hiểu nhầm việc triển khai dự án xây dựng hạ tầng với triển khai quy hoạch chi tiết khu chăn nuôi lợn tập trung. Riêng về vấn đề môi trường khu chăn nuôi lợn tập trung, ông Nguyễn Quốc Hương khẳng định: Lo lắng của dân về môi trường, huyện sẽ xem xét lại nhưng chắc chắn là không có vấn đề gì vì khu chăn nuôi được phân làm 14 lô, mỗi lô sẽ là một hệ thống chuồng trại có chức năng xử lý môi trường riêng biệt theo quy chuẩn. Bên cạnh đó, khi đi vào hoạt động, toàn bộ khu chăn nuôi cũng có hệ thống xử lý môi trường tập trung được thẩm định và phê duyệt bởi các ngành chuyên môn.

Vậy là chỉ vì những cái “chưa” vô lý của UBND xã Thạch Thắng đã gây ảnh hưởng lớn đến tiến trình thực hiện các dự án phát triển KT-XH của địa phương. Quy hoạch khu chăn nuôi lợn tập trung là một dự án hợp lý và rất cần thiết đã bị người dân phản đối vì trong quá trình tổ chức thực hiện, xã chưa tuân thủ thiết chế dân chủ cơ sở, thông tin thiếu kịp thời. Những thiếu sót này hy vọng sẽ sớm được các cấp chính quyền huyện Thạch Hà rút kinh nghiệm, chỉ đạo khắc phục để tạo sự đồng thuận trong dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast