Khó trong quản lý dân di cư tự do

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào triển khai các công trình, dự án, đặc biệt là ở Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (Kỳ Anh). Cùng với đó là quy mô và tốc độ dân di cư đến Hà Tĩnh ngày càng tăng, kéo theo hàng loạt khó khăn, thách thức trong quản lý nhóm dân di cư này.

Lao động nhập cư ồ ạt

Đến KKT Vũng Áng trong thời gian này, ai cũng cảm nhận được sự sôi động và thay đổi từng ngày của một vùng quê trước đây vốn được coi là khó khăn nhất tỉnh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, KKT Vũng Áng trở thành điểm đến của hàng vạn lao động trong và ngoài nước. Có mặt vào giờ tan tầm của công nhân, chúng tôi được chứng kiến sự tấp nập không khác gì ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Phương tiện, máy móc, xe cộ đi lại đông đúc. Công nhân xếp hàng dài nối đuôi nhau, có lúc giao thông bị tắc nghẽn hàng giờ liền...

Anh Nguyễn Kiên Quyết - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Anh cho biết: “Kỳ Anh hiện có khoảng 4.000-5.000 dân nhập cư, lao động tạm cư ước hàng chục nghìn người. Trong nhóm dân nhập cư, một bộ phận không đăng ký thủ tục nên việc quản lý hết sức khó khăn. Nhóm người này thường mua đất, mua nhà hoặc thuê ốt, nhà rồi đưa cả gia đình đến sinh sống mà không tiến hành đăng ký tạm trú, tạm vắng đầy đủ”.

Khó trong quản lý dân di cư tự do ảnh 1

Lao động ồ ạt đến làm việc tại KKT Vũng Áng khiến việc quản lý dân cư gặp khó khăn.

Cũng theo anh Quyết, quản lý nhóm dân nhập cư đã khó nhưng việc tuyên truyền, vận động họ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là thực hiện sinh đẻ có kế hoạch lại càng khó khăn hơn. Họ đến đây để làm ăn nên hầu như không tham gia sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn dân cư. Bởi vậy, kênh truyền thông để tiếp cận nhóm dân cư này hầu như không có. Trung tâm DS–KHHGĐ huyện Kỳ Anh đã xây dựng đề án nhằm quản lý và chăm sóc KSS/KHHGĐ cho nhóm dân nhập cư, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.

Theo số liệu thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh, tính đến tháng 10/2014, tổng số lao động làm việc tại KKT Vũng Áng gần 40.000 người. Trong đó, lao động trong nước trên 32.000 người, lao động nước ngoài xấp xỉ 6.000 người (4.300 lao động Trung Quốc). Hiện tổng số lao động nước ngoài đã được cấp phép là 2.402 người và gần 500 hồ sơ xin cấp phép đang xử lý; trên 3.000 lao động Trung Quốc chưa có giấy phép. Những lao động nhập cư này tạm trú tại 10 xã, thị trấn của huyện Kỳ Anh và tập trung nhiều nhất ở các xã: Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Liên... Dự kiến, trong vài năm tới, nhu cầu nhân lực tại KKT Vũng Áng gần 68.000 người.

Những vấn đề đặt ra

Không chỉ KKT Vũng Áng, các công trình, dự án đang được triển khai trên địa bàn tỉnh khiến cho lực lượng lao động vào Hà Tĩnh ngày càng tăng. Có thể thấy, tỉnh ta đang đối mặt với tình trạng di cư tự do như Tây Nguyên và Tây Bắc thời kỳ trước đây. Điều này đã tác động đến đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh. Nhìn nhận một cách khách quan, vai trò tích cực của di dân là không thể phủ nhận. Lực lượng lao động đến nhiều vùng miền, lãnh thổ sẽ góp phần phát triển đa dạng các ngành nghề, đặc biệt là kỹ thuật cao và dịch vụ... Các dự án đầu tư phát triển là cơ hội để Hà Tĩnh chuyển đổi mạnh mẽ KT-XH, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.

Khó trong quản lý dân di cư tự do ảnh 2
Nhiều lao động tìm việc làm tại KKT Vũng Áng thông qua Sàn giao dịch việc làm Kỳ Anh

Tuy nhiên, việc di cư ồ ạt lại tạo ra sức ép rất lớn về dân số, gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu và phòng chống các tệ nạn xã hội, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương... Điều này cũng khiến quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, dẫn tới mâu thuẫn giữa môi trường và sự gia tăng dân số. Chất thải sinh hoạt, mức gia tăng dân số quá nhanh hiện nay luôn gắn với việc ô nhiễm môi trường và gây bất lợi cho hệ sinh thái.

Một lực lượng lớn lao động theo thời vụ, người nước ngoài gây khó khăn trong việc theo dõi biến động. Người dân di dời lên các khu tái định cư có sự thay đổi về địa bàn cũng gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu, đặc biệt, đối với các cán bộ làm công tác dân số. Đây cũng là khe hở để các loại tội phạm lợi dụng len lỏi vào các cụm dân cư, từ đó, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán ma túy, trộm cắp tài sản... và hình thành các nhóm tội phạm nguy hiểm.

Về giải pháp nhằm tăng cường quản lý tình trạng di dân ngoại tỉnh đến Hà Tĩnh, Chi cục trưởng Chi cục DS–KHHGĐ tỉnh Đường Công Lự nhấn mạnh: “Thời gian tới, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực biến động tăng, giảm dân số thông qua việc đăng ký tạm trú, tạm vắng và quản lý hành chính của các xã trong các khu kinh tế; tổ chức điều tra, khảo sát để nắm chắc số lượng, đối tượng đến lao động, chú trọng lực lượng lao động là người nước ngoài; tăng cường quản lý các khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ... Có như vậy mới kiểm soát được tình trạng di dân tự do và hạn chế các tệ nạn xã hội do di dân đem lại”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast