Khổ vì điện phập phù!

Là xã ven đô nhưng hạ tầng lưới điện của xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Kể từ khi chuyển hình thức quản lý từ hợp tác xã sang cho ngành điện, có điện đảm bảo để sử dụng vẫn đang là mơ ước của người dân nơi đây.

Cứ hơn 3h chiều, cụ Nguyễn Thị Yên ở thôn Minh Tiến, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đã phải lo lắng hết bắc cơm lại xạc đèn điện. Năm nay đã gần 80 tuổi, cực chẳng đã, cụ Yên mới phải làm như vậy. Bởi, chờ đến khi con cái đi làm về, thì không thể có điện mà dùng. Sau nhiều năm chung sống với cảnh thiếu điện, cụ Nguyễn Thị Yên chia sẻ kinh nghiệm: “Cứ 3 rưỡi là tôi nấu cơm. Kể ra nấu lúc đó đến 8h tối mới ăn thì cơm không được nóng lắm, không ngon. Nhưng 4-5 h chiều mới nấu là cơm sống. Hoặc là nhà tôi nấu cơm bằng bếp ga, cơm gần chín rồi mới bỏ vào nồi điện ủ”.

Sáng kiến để "sống chung" với điện yếu của bà Yên là nấu cơm từ 3 giờ chiều
Sáng kiến để "sống chung" với điện yếu của bà Yên là nấu cơm từ 3 giờ chiều

Vào những giờ cao điểm, điện ở đây yếu trầm trọng. Theo phản ánh, tình trạng này diễn ra khá thường xuyên nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Chị Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Khoảng 5h chiều điện bắt đầu yếu, bóng neon cứ chập chờn, bóng tròn chỉ còn đỏ dây tóc, tủ lạnh thì kêu sầm sầm”.

Bức tranh hạ tầng lưới điện của thôn Minh Tiến, xã Thạch Hạ là rất nhiều cột điện được dựng lên bằng cọc gỗ, cọc tre. Có những cột điện bằng bê tông đã cũ, chắp nối, dây điện được giằng néo chằng chịt. Với hệ thống lưới điện như vậy, ai dám đảm bảo chất lượng điện sẽ không bị ảnh hưởng, khi Minh Tiến và một số thôn khác nằm ở cuối nguồn. Hơn nữa, có đến 7, 8 thôn trong xã Thạch Hạ chỉ dùng chung một trạm điện đã cũ.

Hạ tầng điện cũ nát...
Hạ tầng điện cũ nát...

Ông Trương Văn Tùng, Trưởng thôn Minh Tiến, xã Thạch Hạ cho rằng: Trước đây khi xã và thôn quản lý điện cũng đã yếu rồi. Sau chuyển sang điện lực quản lý, dân cũng hy vọng sẽ khác hơn. Nhưng từ đó đến giờ cũng không có chi là chuyển đổi cả, chỉ thay mấy đồng hồ điện thôi. Cột điện hỏng chúng tôi phải thay cột tre. Dây điện sà xuống đường không an toàn, chúng tôi phản ánh thì họ chỉ treo lên cành cây.

Trong khi ngoài trục đường chính đèn sáng rực, thì chỉ cách có vài trăm mét, những người dân thôn Minh Tiến lại không đủ điện dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Được biết, đây không chỉ là thực trạng của riêng gì thôn Minh Tiến mà còn là tình trạng chung của một số thôn trên địa bàn xã Thạch Hạ. Theo tính toán, để khắc phục tình trạng này, ở xã Thạch Hạ phải đầu tư thêm hơn 10km đường hạ thế, 3 trạm biến áp với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.

... thì chất lượng điện kém là đương nhiên
... thì chất lượng điện kém là đương nhiên

Ông Trương Công Trung, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh chia sẻ: Lượng tiêu dùng trong nhân dân lớn nhưng nguồn cung cấp hạn chế, ảnh hưởng đến xây dựng nông thôn mới. Xác định trong năm 2011 phải hoàn thành tiêu chí về điện, nhưng chúng tôi không chủ động được mà phải phụ thuộc vào ngành điện. Mong các cơ quan quan tâm để nhân dân được sử dụng điện an toàn, chất lượng.

Là đơn vị điểm của thành phố Hà Tĩnh trong thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, cũng là một trong 12 xã điểm của tỉnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, song, với thực trạng về lưới điện kể trên, thì đây là một trong những khó khăn để Thạch Hạ hoàn thành các tiêu chí còn lại, trong đó có tiêu chí về điện. Bởi vậy, sự quan tâm của ngành điện và các cấp trong cải tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện là cần thiết để xã Thạch Hạ đạt tiêu chí đề ra về nông thôn mới. Nhưng trên hết, đó còn là sự cải thiện về đời sống sinh hoạt của người dân trong vấn đề sử dụng điện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast