Khoác “áo” du học, trốn ra lao động “chui”

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta nở rộ phong trào du học tự túc, vừa học, vừa làm sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... Bên cạnh những mặt tích cực thì đã xuất hiện tình trạng các du học sinh (HS) bỏ học, trốn ra ngoài làm việc “chui”, để lại những hậu quả khôn lường cho bản thân và gia đình.

Những cái kết buồn

Với những lời mời gọi hấp dẫn từ các công ty tư vấn sang Nhật du học như: vừa học để có bằng cấp của nước Nhật, vừa làm thêm kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình…, cộng với nhiều bạn bè cùng trang lứa đã xuất ngoại, Trần Văn T. (Lộc Hà) háo hức xin gia đình sang xứ sở hoa anh đào du học. Để có khoản tiền trên 300 triệu đồng chi phí, gia đình T. đã phải vay mượn nhiều nơi, thậm chí, cầm cố sổ đỏ. Sau một khóa học tiếng Nhật cấp tốc, hoàn thành một số hồ sơ thủ tục, năm 2013, T. lên đường sang nước Nhật.

Rất nhiều du học sinh bỏ học làm “chui” với hy vọng sẽ kiếm tiền nhanh hơn, sớm đổi đời. Ảnh minh họa từ internet

Rất nhiều du học sinh bỏ học làm “chui” với hy vọng sẽ kiếm tiền nhanh hơn, sớm đổi đời. Ảnh minh họa từ internet

Đến nơi, thay vì tu chí học hành, cố gắng làm thêm để phụ giúp gia đình trả nợ thì T. lại nghe theo bạn bè bỏ học, ra làm “chui” tại một nông trại với hy vọng sẽ kiếm tiền nhanh hơn, sớm đổi đời. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm, T. đã bị lực lượng chức năng của Nhật bắt giữ và trả về nước. Hậu quả là T. vừa không có cơ hội lấy được tấm bằng của ngành giáo dục Nhật Bản, vừa để lại khoản nợ lớn cho gia đình.

Cùng sang Nhật du học, nhưng Hồ Thế Đ. (Lộc Hà) may mắn hơn Trần Văn T. Dù vẫn trốn ra ngoài làm “chui”, nhưng nhờ thoát được các lần kiểm tra của cơ quan chức năng Nhật Bản, nên Đ. trụ lại làm việc được hơn 2 năm. Đến tháng 10/2015, Đ. mới bị phát hiện và trả về nước. Số tiền kiếm được chỉ đủ trả số nợ mà gia đình vay để lo cho Đ. đi du học. Sau 2 năm du học ở đất nước Phù Tang, trở về nước, không có vốn làm ăn, không bằng cấp, Đ. phải vào Bình Dương làm công nhân.

T. và Đ. chỉ là hai trong nhiều câu chuyện về sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức của các du HS Việt Nam. Hậu quả các em để lại cho gia đình, xã hội và bản thân khá nặng nề.

Nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin

Có thể nói, một trong những tác nhân khiến các em háo hức lên đường du học là do sự mời gọi đầy hấp dẫn, hứa hẹn của các đơn vị tư vấn du học và xuất khẩu lao động. Trong quá trình du học, đi làm thêm sẽ đủ tiền đóng học phí và các chi phí sinh hoạt, tiết kiệm gửi về gia đình.

Ngoài ra, khi đi, HS được ngân hàng hỗ trợ cho vay một phần chi phí. Các công ty còn đưa ra những “người thật, việc thật” để minh chứng cho lời giới thiệu nên nhiều bậc phụ huynh và các HS đã “xiêu lòng”.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi qua mạng xã hội, em Trần Đàn (du HS tại Nhật) khẳng định: “Mọi thứ không dễ dàng như mình nghĩ. Vừa học, vừa làm rất vất vả. Ngoài giờ học, phải tranh thủ “chạy sô” để làm thêm nhiều công việc mới kiếm đủ tiền trang trải chi phí học tập, sinh hoạt và gửi về gia đình trả nợ. Chính vì thế, thời gian nghỉ ngơi rất ít. Nếu người nào không quyết tâm, cố gắng thì sẽ bỏ học, ra ngoài đi làm kiếm tiền. Lúc đó rất dễ bị trục xuất về nước nếu cơ quan chức năng phát hiện”.

Do đó, để quyết định cho con em đi du học, bên cạnh những lời quảng cáo đầy hứa hẹn và hấp dẫn từ các công ty thì các gia đình cần tìm hiểu thông tin đầy đủ, từ đó, giúp con em xác định tư tưởng, tâm lý trước khi quyết định xuất ngoại.

Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT thì hiện nay, trên địa bàn có 9 công ty được sở cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học. Trong 2 năm 2014-2015, các công ty này đã tư vấn cho gần 500 HS đi du học ở nước ngoài theo hệ vừa học, vừa làm. Thị trường phần lớn là Nhật, Hàn, Úc, Trung Quốc... Việc các du HS Hà Tĩnh trốn ra lao động “chui” bị trả về thì chỉ có 5-6 em là của các đơn vị tư vấn trên địa bàn, còn các trường hợp khác đi theo mối lái của các đơn vị tư vấn ở Nghệ An, Hà Nội... Hiện vẫn chưa thể thống kê được con số chính xác du HS Hà Tĩnh bị các nước trả về.

Có thể nói, việc du HS ra lao động “chui” bị trả về nước đang là vấn đề đáng cảnh báo. Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người học và gia đình, các cơ quan chức năng cần có biện pháp siết chặt hoạt động của các đơn vị tư vấn du học để tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast