Khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH: Nắm “kẻ không tóc”!

Doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT với số tiền lớn và kéo dài, cực chẳng đã, ngành BHXH Hà Tĩnh đành phải khởi kiện. Tuy nhiên, nắm “kẻ không tóc” là tình cảnh mà ngành đang “lâm” phải trong vấn đề này.

Theo BHXH Hà Tĩnh, tính đến hết tháng 3/2013, các DN trên địa bàn tỉnh nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền 43.364 triệu đồng. Để thu số nợ lớn, kéo dài trên, BHXH tỉnh và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã tiến hành đủ các biện pháp nhưng không có hiệu quả.

Nhiều chủ DN đang nợ BHXH, BHYT đầm đìa
Nhiều chủ DN đang nợ BHXH, BHYT đầm đìa

Thống kê từ BHXH tỉnh và các huyện, thị, thành trong tỉnh cho thấy: năm 2011, ngành BHXH Hà Tĩnh đã khởi kiện ra tòa 10 DN với tổng số tiền khởi kiện cần thu hồi gần 4,8 tỷ đồng, trong khi số thu hồi sau khởi kiện chỉ được trên 2 tỷ đồng. Năm 2012, BHXH tỉnh tiếp tục khởi kiện 30 DN với số tiền khởi kiện cần thu hồi trên 7,7 tỷ đồng; kết quả số tiền thu hồi được sau khởi kiện trên 2,4 tỷ đồng. Quý I/2013, BHXH tỉnh khởi kiện 5 DN với số tiền cần thu hồi trên 2,4 tỷ đồng nhưng sau khởi kiện chẳng thu được đồng nào! “Cực chẳng đã, chúng tôi mới tiến hành các thủ tục khởi kiện, nhưng xem ra, biện pháp cuối cùng này cũng chưa đưa lại nhiều kết quả... Thật chẳng khác gì nắm “kẻ không tóc!” - một cán bộ trong ngành BHXH đã thốt lên như vậy.

Nghịch lý ở đây là trong khi số DN và số tiền khởi kiện cần thu hồi đang ngày càng tăng lên thì số tiền nợ thu hồi được sau khởi kiện lại thấp dần và chỉ là con số không tròn trĩnh trong 3 tháng đầu năm nay. Được biết, trong số 45 DN bị BHXH Hà Tĩnh khởi kiện từ 2011 đến nay, có không ít DN bị khởi kiện đến 2 lần, như: Công ty CP Xây dựng Đường bộ 1 Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Sắt Vũ Quang, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Hà Tĩnh. Nghịch lý và băn khoăn hơn là việc thực thi pháp luật; bởi trong danh sách bị khởi kiện có DN tòa triệu tập đến 2 lần nhưng không đến, vẫn... chẳng sao! Những dấu hiệu trên cho thấy, “trọng bệnh” này đang có biểu hiện “nhờn thuốc”; các cơ quan chức năng bất lực, trong khi “sức khỏe” của DN đang sụt giảm nghiêm trọng...

Bộ phận một cửa BHXH tỉnh đang phục vụ đối tượng.
Bộ phận một cửa BHXH tỉnh đang phục vụ đối tượng.

Nguyên nhân của tình trạng trên không khó để nhận biết. Trừ một số DN rơi vào cảnh giải thể, ngừng hoạt động... do làm ăn thua lỗ thì vẫn còn không ít DN cố tình tìm cách trốn tránh, thậm chí chiếm dụng tiền đóng BHXH để trục lợi. Trước hết, do chế tài xử phạt thấp (chỉ phạt cao nhất là 30 triệu đồng hoặc phạt trả lãi thấp hơn lãi vay ngân hàng...), nên nhiều chủ DN sẵn sàng chịu phạt để dùng số tiền tỷ nợ BHXH vào kinh doanh sinh lãi lớn hơn vay từ ngân hàng. Thứ hai là, chúng ta còn xem nhẹ hành vi cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH, chưa coi đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể đến mức xử lý hình sự. Bởi chủ sử dụng lao động hàng tháng đã trích tiền đóng BHXH, BHYT (bằng 9,5% lương) từ người lao động mà không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động thì đó là hành vi chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng được pháp luật bảo vệ. Một nguyên nhân chính nữa, là “hành trình” khởi kiện nợ BHXH, hiện còn lắm gian nan, thủ tục rườm rà, phức tạp, thời gian chờ đợi lâu... nhưng hiệu quả lại thấp... gây nản lòng bên khởi kiện.

Thực trạng trên cho thấy, xử lý nợ BHXH thời khủng hoảng chẳng khác gì nắm “kẻ không tóc”, tốn tiền, mất thời gian mà chẳng mấy hiệu quả. Sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và một chế tài đủ mạnh mới là liều thuốc “đặc trị” cho “căn bệnh trầm kha” này. Cần ra tay sớm bởi quyền lợi của hàng ngàn người lao động đang bị xâm phạm từng ngày, ảnh hưởng đến an sinh xã hội trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast