Không có chuyện hàng ngàn sinh viên ĐH Hà Tĩnh bị kiến ba khoang tấn công

(Baohatinh.vn) - Vừa qua, có một số thông tin phản ánh hàng ngàn sinh viên nội trú Trường ĐH Hà Tĩnh (cơ sở tại Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) bị kiến ba khoang tấn công. Thông tin trên đã khiến sinh viên và người dân trong vùng hết sức hoang mang, lo lắng...

Để tìm hiểu sự việc, sáng nay (14/11), PV Báo Hà Tĩnh cùng với cán bộ Trung tâm Phòng chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Hà Tĩnh (PCSR - KST - CT) và cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành khảo sát thực tế tại KTX Trường ĐH Hà Tĩnh.

Kiểm tra thêm các trường hợp khác nghi vấn bị kiến ba khoang đốt, bác sĩ Trần Doãn Hiền (Trung tâm PCSR - KST - CT Hà Tĩnh) cho biết: Qua kiểm tra 5 trường hợp, chúng tôi phát hiện có 1 em bị kiến ba khoang đốt, còn 4 em khác bị zona thần kinh, dị ứng do dùng mỹ phẩm và một số bệnh ngoài da khác. Và để tìm ra kiến ba khoang xung quang khu vực KTX của trường cũng không hề dễ dàng.

Không có chuyện hàng ngàn sinh viên ĐH Hà Tĩnh bị kiến ba khoang tấn công ảnh 1
Nhiều người nhầm lẫn một số bệnh ngoài da với việc bị kiến 3 khoang đốt. (Trong ảnh: Một sinh viên bị bệnh zona thần kinh)

Em Enna (lưu học sinh Lào) đang sống tại ở phòng 113 dãy nhà B2 KTX Đại học Hà Tĩnh cho biết: “Em bị 2 vết kiến đốt, có đau rát nhẹ, giờ bôi thuốc lành rồi. Em vẫn đi học và sinh hoạt bình thường, không gặp trở ngại gì.”

Theo số liệu theo dõi từ Trung tâm y tế - môi trường (Trường ĐH Hà Tĩnh), từ tháng 8/2014 đến nay có 42 sinh viên bị kiến ba khoang đốt, 115 sinh viên bị bệnh zona thần kinh. Các sinh viên đều được chữa trị tại trung tâm của trường và không có trường hợp nào phải nhập viện hay nghỉ học do kiến đốt.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trần Doãn Hiền cho hay: Thời điểm cuối thu đầu đông (khoảng từ tháng 9 – tháng 11) là mùa sinh sôi của kiến. Lúc này, người dân thu hoạch đồng, nơi cư trú vốn có của kiến không còn nên chúng bay vào nhà. Kiến ba khoang có đặc tính thích ánh sáng bóng đèn, Trường ĐH Hà Tĩnh lại có vị trí nằm ngay cạnh cánh đồng, nên thu hút kiến bay vào phòng học, nhà ở của cán bộ, sinh viên.

Không có chuyện hàng ngàn sinh viên ĐH Hà Tĩnh bị kiến ba khoang tấn công ảnh 2
Bác sĩ Trần Doãn Hiền kiểm tra một trường hợp nghi bị kiến 3 khoang cắn. Tuy nhiên qua kiểm tra, sinh viên này bị dị ứng do dùng mỹ phẩm…

Bác sĩ Hiền khẳng định: kiến ba khoang xuất hiện ở Trường ĐH Hà Tĩnh không phải là dịch. Loài côn trùng này không tấn công người mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng”.

Trước việc một số sinh viên bị kiến ba khoang đốt, cô Phan Thị Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm y tế - môi trường (Trường ĐH Hà Tĩnh) khẳng định: "Không có chuyện hàng ngàn mà chỉ có 42 sinh viên bị kiến ba khoang cắn. Hằng năm, cứ vào mùa này là kiến ba khoang xuất hiện. Nhà trường đã chủ động tuyên truyền trên trang web, loa phát thanh của trường về cách phòng, tránh kiến đốt. Đồng thời, thông báo để các sinh viên nên mua bình xịt côn trùng xịt khi nhìn thấy kiến ba khoang; nếu bị kiến đốt nên đến ngay Trung tâm y tế - môi trường để được chữa trị".

Không có chuyện hàng ngàn sinh viên ĐH Hà Tĩnh bị kiến ba khoang tấn công ảnh 3
Những dấu hiệu ngoài da sau khi bị kiến ba khoang tấn công

Các cán bộ của Trung tâm PCSR - KST – CT Hà Tĩnh và Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên khuyến cáo: Sinh viên có thể phòng, tránh kiến ba khoang đốt bằng việc đóng kín cửa; buông rèm, màn; buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn và tắt bớt các bóng đèn không cần thiết. Quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau. Phun thuốc để diệt kiến nếu kiến phát triển trên diện rộng, vệ sinh xung quanh nhà ở sạch sẽ, thông thoáng.

Bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc dưới vòi nước sạch, nước muối sinh lý ngay lúc vừa tiếp sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Không có chuyện hàng ngàn sinh viên ĐH Hà Tĩnh bị kiến ba khoang tấn công ảnh 4

Kiến ba khoang thuộc họ cánh cụt, bộ cánh cứng còn có tên gọi khác là kiến cong, kiến hoang… Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (từ 1-1,2 cm, ngang 2-3mm), cơ thể có hai màu đỏ và đen. Trong dịch cơ thể của loại kiến này chứa độc tố gây viêm da, rộp, phỏng da, ngứa rát. Nếu độc tố dính vào mắt có thể gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast