Không vốn, nhà thầu "bỏ của chạy người"!

Thu quân, rút máy và cuối cùng là dời lán. Chừng đó là quá đủ để khẳng định Dự án đường cứu hộ - cứu nạn và PCLB hồ Kẻ Gỗ (từ thị trấn Cẩm Xuyên lên đập chính hồ Kẻ Gỗ) đã "chết lâm sàng". Thứ mà nhà thầu để lại có chăng chỉ là những đoạn đường lầy sụt - bị cày nát bởi những đoàn xe chở nguyên vật liệu thi công nhà máy rác thải - gây khó khăn cho việc đi lại của người dân 2 xã Cẩm Quan và Cẩm Mỹ.

Dự án đường cứu hộ - cứu nạn và PCLB hồ Kẻ Gỗ:

Nhà ở thôn 13, xã Cẩm Thịnh nhưng do người con trai làm việc trong khu vực xã Cẩm Quan nên vợ chồng ông Phan Sửu thường qua lại tuyến đường từ thị trấn Cẩm Xuyên lên Cẩm Mỹ. "Khỏi nói sự vất vả mỗi khi qua lại tuyến đường đang thi công này. Mùa nắng chịu tí bụi còn đỡ chứ mưa xuống thì người và xe chỉ biết loay hoay đánh vật với bùn. Nhiều hôm mắc cứng giữa đường chả biết kêu ai. Thấy làm lâu rồi mà toàn ổ voi, ổ trâu thế này thì không biết rồi dân còn khổ đến đâu nữa", ông Sửu bất bình nói.

Thứ mà nhà thầu để lại là những đoạn đường lầy sụt gây khó khăn cho việc đi lại của người dân 2 xã Cẩm Quan và Cẩm Mỹ.
Thứ mà nhà thầu để lại là những đoạn đường lầy sụt gây khó khăn cho việc đi lại của người dân 2 xã Cẩm Quan và Cẩm Mỹ.

Chứng kiến nỗi khổ của người qua đường, ông Nguyễn Trọng Thanh ở thôn 1, xã Cẩm Quan cũng rất lo ngại về tương lai của dự án khi công trường hiện không còn dấu hiệu của việc thi công. Trước lúc dự án vào, gia đình ông Thanh có tất thảy 5 sào đất cả vườn và nhà. Song, khi xác định tuyến, đường "ăn" cả nhà nậy (chính) và nhà ngang nên gia đình ông Thanh phải nhường mất 2 sào.

Sau 7 tháng kể từ khi đường khởi công, ông Thanh vẫn đang ở trong ngôi nhà cũ đã được đền bù 630 triệu đồng và dùng số tiền đó làm ngôi nhà mới khang trang hơn theo chủ trương tái định cư tại chỗ. Nhà mới sắp xong nhưng ông Thanh chưa biết có nên chuyển lên ở không nữa vì nếu vậy thì căn nhà cũ - vốn đầy ắp kỷ niệm - để làm gì khi tuyến chưa phóng đến nơi và chắc gì dự án tiếp tục triển khai nữa.

Tuyến chưa phóng đến nơi nên ông Thanh đang sống thoải mái trong cả nhà cũ lẫn nhà tái định cư tại chỗ
Tuyến chưa phóng đến nơi nên ông Thanh đang sống thoải mái trong cả nhà cũ lẫn nhà tái định cư tại chỗ

Theo Ban quản lý các dự án XDCB huyện Cẩm Xuyên (đại diện chủ đầu tư công trình) thì dự án đường cứu hộ - cứu nạn và PCLB hồ Kẻ Gỗ được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại quyết định 2742/QĐ-UBND ngày 20/9/2010 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và nhất là phục vụ cứu hộ - cứu nạn và PCLB hồ Kẻ Gỗ trong mùa mưa bão. Dự án có tổng mức đầu tư 948 tỷ đồng (làm tròn) với quy mô 1 tuyến chính dài gần 17,5 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng (trừ đoạn từ km16+800 - k17+480 thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi) và 5 tuyến nhánh dài 28,72 km thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

Nguồn vốn (chủ yếu từ trái phiếu chính phủ) có hạn nên trước mắt dự án mới triển khai 5 km đầu (đoạn từ thị trấn Cẩm Xuyên đến Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên) với giá trị hợp đồng hơn 97 tỷ đồng. Nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Xuân Thành bắt đầu triển khai thi công từ tháng 10/2011 với thời hạn thi công 22 tháng. Sau khi khởi công, do đoạn đầu tuyến phải di dời tái định cư cho 15 hộ (ở tổ 16, thị trấn Cẩm Xuyên) nên đơn vị này chỉ mới thi công 3 km nền đường đoạn từ k2 - k5 (từ cầu kênh N2 Kẻ Gỗ đến Vườn ươm giống) với khối lượng vét đất hữu cơ đạt 5.483/9.139 m3, đất đào nền đường 13.250/16.563 m3, đất đắp nền đường 26.624/44.374 m3, tương ứng giá trị xây lắp 14,6 tỷ đồng (đạt 15% giá trị hợp đồng).

Nơi đây từng là "doanh trại" của đơn vị thi công
Nơi đây từng là "doanh trại" của đơn vị thi công

Điều đáng nói là toàn bộ khối lượng trên chủ yếu triển khai sau khi khởi công cho đến trước Tết Nhâm Thìn. Từ sau Tết âm lịch đến nay, gần như nhà thầu không triển khai thêm một khối đất đào đắp nào dù thời tiết trong các tháng vừa qua rất thuận lợi cho thi công.

"Chủ đầu tư đã phát không biết bao nhiêu văn bản gửi đơn vị thi công nhưng chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu. Trước bối cảnh khó khăn chung, chúng tôi rất chia sẻ với nhà thầu nhưng thực tế đoạn đường đã triển khai đang bị hư hỏng nặng, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân trong vùng. Trước mắt, đề nghị đơn vị thi công hoàn thành phần nền đường và lớp móng cấp phối đá dăm loại 2 cho 3 km đã làm dở. Nếu trước ngày 30/6 không làm được việc này thì chắc phải chấm dứt hợp đồng thôi", ông Hoàng Duy Trung - Trưởng BQL các dự án XDCB huyện Cẩm Xuyên, cho hay.

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Đến nay, đơn vị thi công chưa được tạm ứng một đồng trong số hơn 97 tỷ đồng đã ký kết. Đã vậy, điều mà chủ đầu tư có thể làm lúc này chỉ là đề nghị UBND tỉnh và các cấp hữu quan ưu tiên bố trí kế hoạch vốn năm 2012 từ nguồn trái phiếu chính phủ để đơn vị chi trả tiền đền bù - GPMB và giải ngân cho nhà thầu nhằm sớm hoàn thành gói thầu 5 km đầu tuyến chính. Nhưng, xem ra nhu cầu bức thiết này khó mà thực hiện được trong giai đoạn "đói" vốn hiện nay?!...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast