Khúc tráng ca về một thời vang bóng

(Baohatinh.vn) - Trong chiến đấu, ông là một chiến sỹ, người chỉ huy mưu trí, dũng cảm với nhiều chiến công vang dội. Trở về với đời thường, dẫu những vết thương cũ thường xuyên hành hạ nhưng ông vẫn luôn lạc quan, hăng hái tham gia mọi phong trào của địa phương; sống mộc mạc, giản dị và giữ vững khí phách, phẩm chất của người lính Cụ Hồ... Ông là Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Trường ở thôn Lạc Trung, xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh).

Từ thị xã Kỳ Anh, ngược QL 12A và đường chiến lược 22 chừng 30 km, chúng tôi đặt chân đến thôn Lạc Trung khi trời đã sang chiều. Mới trung tuần tháng tư, nhưng cái nắng đầu hạ nơi vùng “chảo lửa” đã như thiêu, như đốt. Ngôi nhà đơn sơ của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Trường ẩn mình trong ngõ nhỏ.

khuc trang ca ve mot thoi vang bong

Người cựu binh già say sưa kể về những trận đánh và chiến tích hào hùng trong đời lính của mình

 Chỉ mới lần đầu được tiếp xúc, nhưng dáng vẻ hồn hậu, mộc mạc, đậm chất lính trong con người ông như xua tan trong tôi mọi sự xa lạ. Ở cái tuổi thất thập, đau yếu liên miên và chỉ mấy ngày trước đó, ông còn phải nằm trên giường bệnh do vết thương cũ tái phát, nhưng khi nghe chúng tôi đặt vấn đề được nghe kể về quảng đời binh nghiệp và những trận đánh năm xưa, đôi mắt người cựu binh già bỗng sáng lên, giọng nói chậm rãi nhưng hào sảng và toát lên niềm tự hào, kiêu hãnh.

Sinh năm 1948, học xong cấp II (1967), Nguyễn Văn Trường vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với nhiệt huyết sục sôi, tháng 2/1968, chàng thanh niên - đảng viên trẻ đăng ký nhập ngũ và được biên chế về đơn vị K10 - Quân khu Trị Thiên sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh.

“Tháng 9/1968, tui được tham gia trận đánh lớn đầu tiên tại Tân Điền - Quảng Trị. Đây là cứ điểm kiên cố của địch với những lớp hàng rào dày đặc. Chỉ huy đơn vị đã ra lệnh cho lực lượng trinh sát thăm dò cứ điểm, đo đạc mục tiêu làm sa bàn thực tế để đánh giá lực lượng, xây dựng phương án tấn công. Trận này, tui cùng đồng đội sử dụng hỏa lực B40, DKZ tấn công, tiêu diệt 2 lô cốt địch, giành thắng lợi nhanh chóng chỉ trong vài giờ đồng hồ” - Anh hùng Nguyễn Văn Trường hào hứng kể về chiến công đầu trong đời binh nghiệp.

khuc trang ca ve mot thoi vang bong

...trò chuyện và chỉ cho PV xem vết thương trên cánh tay

Bên ấm nước chè xanh, câu chuyện lại được tiếp nối. Người cựu binh già như sống lại với thời trai trẻ, trở về là anh lính đầy quả cảm năm xưa tại chiến trường Quảng Trị. “Trong đời lính, tui đã tham gia trên dưới 40 trận đánh lớn nhỏ, nhưng không thể quên trận đánh xe tăng địch vào tháng 5/1970 tại đồi Ông Do, khi đang là B trưởng đặc công tại Đại đội 2 - K10. Là vị trí trọng yếu nên từ năm 1969, khu vực này bị quân địch rải chất độc hóa học hủy diệt cây cối nhằm xóa chỗ ẩn nấp của bộ đội ta.

Sáng hôm đó, lực lượng trinh sát phát hiện 3 xe tăng địch đang cày phân tuyến tại khu vực chân đồi. Nhận được lệnh, 8h sáng, tui và 2 đồng đội tiếp cận, tập kích một trong 3 mục tiêu. Tui xung phong lên trước, dùng B40 tiêu diệt xe tăng. Do mục tiêu quá gần, nếu bắn sẽ rất nguy hiểm, nhưng xác định “chết cũng bắn”, tui ngắm thẳng vào chiếc xe tăng ngay trước mặt mình nã đạn. Chỉ trong tích tắc, chiếc xe tăng ngùn ngụt lửa, 9 tên địch bên trong cũng bị tiêu diệt. Xong nhiệm vụ, anh em nhanh chóng rút lui về căn cứ. Về đến nơi mới biết máu đang chảy khắp người, những mảnh đạn B40 đã găm sâu vào phần vai và chân mình; đau đớn nhưng vui sướng vì tiêu diệt được xe tăng và quân địch. Sau trận đánh này, tui được trao tặng Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới ngay tại trận tuyến”…

Trở về từ chiến trường Quảng Trị khốc liệt chưa được bao lâu, ông lại nhận nhiệm vụ lên đường chiến đấu chống quân xâm lược biên giới phía Bắc. “Lĩnh ấn” Đại đội trưởng Đại đội 4 (Trung đoàn 46 - Sư đoàn 326 - Quân khu 2), Nguyễn Văn Trường đã cùng đồng đội dũng cảm, mưu trí, chặn đứng hàng chục đợt tấn công của địch, tiêu biểu nhất là trận phản kích ở điểm cao 551 - Sìn Hồ vào ngày 19/2/1979.

Thời điểm đó, quân địch chia thành nhiều mũi tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Trước tình thế này, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 phải điều động bổ sung lực lượng; trong đó, Trung đoàn 98 - Sư đoàn 316 và Trung đoàn 46 - Sư đoàn 326 được tăng cường cho khu vực phòng thủ Pa Tần (Sìn Hồ - Lai Châu).

khuc trang ca ve mot thoi vang bong

Niềm vui giản dị giữa thời bình của Anh hùng Nguyễn Văn Trường.

Tại đây, chiến sự diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng điểm chốt. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Trường chỉ huy 3 mũi tiến công, tạo thành thế gọng kìm, dùng hỏa lực mạnh phân tán, dạt mỏng lực lượng địch, tiêu diệt nhanh gọn 500 tên trong 3 ngày, giành lại cao điểm 551. Trước sức đáp trả quyết liệt của ta, quân địch không thể thực hiện được âm mưu đánh chiếm Bình Lư (Tam Đường) để kết nối với cánh quân hướng Hoàng Liên Sơn và buộc phải rút về bên kia biên giới.

Suốt thời gian tại ngũ, 3 lần bị thương nhưng ngay sau khi bình phục, ông lại ra chiến trường tham gia chiến đấu. Với nhiều thành tích vang dội, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Hai, 1 Huân chương Quân công hạng Ba và nhiều bằng khen, phần thưởng cao quý khác. Ngày 20/12/1979, vinh dự lớn đến với Nguyễn Văn Trường khi ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

“Trở về đời thường với thương tật 41%, bệnh binh 61% nhưng đồng chí Nguyễn Văn Trường vẫn tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, tham gia hoạt động Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh thôn, xã và luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Ở ông, còn toát lên một lối sống mộc mạc, giản dị và đậm chất lính Cụ Hồ, nên được mọi người hết sức tin yêu, mến phục”, đó là lời chia sẻ của đồng chí Phan Hoàng Trường - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lạc, khi nói về ông - Anh hùng  LLVT nhân dân Nguyễn Văn Trường. 

Trời dần tắt nắng, ấm nước chè xanh đã vơi cạn… Trước lúc chia tay, người lính già đáng kính hát tặng chúng tôi mấy câu trong ca khúc “Tự nguyện” của cố nhạc sĩ Trương Quốc Khánh: Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm. Là người, tôi sẽ chết cho quê hương... Những câu hát một thời của tuổi trẻ, với những ước mơ đẹp đẽ nhất, thanh khiết và trong sáng nhất được ông thể hiện với một sự say mê, trong ánh mắt còn ngân ngấn lệ nhưng sáng rực hoài niệm về một thời vang bóng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast