Kiểm soát dân số vùng ven biển (bài 2): Tạo "cú hích" để phát triển kinh tế - xã hội

(Baohatinh.vn) - Kiểm soát có hiệu quả quy mô dân số, chất lượng dân số các xã ven biển, bãi ngang sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cùng các mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.

>>bài 1: Bài toán chưa có lời giải

Chiến lược biển đến năm 2020 khẳng định: Một quốc gia biển phải có công dân biển. Mục tiêu lâu dài là phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Bởi vậy, năm 2009, ngành dân số đã triển khai đề án kiểm soát quy mô dân số vùng biển, đảo và ven biển (gọi tắt là đề án 52). Từ khi triển khai đến nay, đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển ngày càng khẳng định hiệu quả, góp phần tạo nên những “công dân biển có sức khỏe biển, trí tuệ biển”.

Cán bộ Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Lộc Hà tư vấn, chăm sóc SKSS cho chị em trong độ tuổi.
Cán bộ Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Lộc Hà tư vấn, chăm sóc SKSS cho chị em trong độ tuổi.

Tại Hà Tĩnh, 45 xã ven biển, bãi ngang thuộc 5 huyện biển Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân được hưởng lợi từ đề án. Mục tiêu cụ thể của đề án là quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển Hà Tĩnh không vượt quá 673.450 người vào năm 2015 và 697.770 người vào năm 2020. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75% vào năm 2015 và 78% vào năm 2020.

Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) - KHHGĐ đạt 80% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020. Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền giảm bình quân hàng năm khoảng 5% trong giai đoạn 2011-2020. Đồng thời cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu về DS-KHHGĐ tại các vùng biển, đảo và ven biển, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành chương trình, yêu cầu xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020 của địa phương và T.Ư.

Tại 45 xã ven biển, bãi ngang được triển khai đề án, mỗi năm đã thành lập 7 đội dịch vụ lưu động đến các xã thực hiện nhiệm vụ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ y tế. Qua 5 năm, đã có 165.702 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được truyền thông, tư vấn; 19.357 bà mẹ mang thai được tư vấn; 79.963 người được khám phụ khoa; 62.595 chị em phụ nữ được tư vấn về dịch vụ KHHGĐ…

Ở các xã ven biển, công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình còn gặp nhiều khó khăn.
Ở các xã ven biển, công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình còn gặp nhiều khó khăn.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Đường Công Lự nhận định: “Sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện cho việc triển khai đề án được thuận lợi. Kết quả quan trọng đạt được đó là chuyển đổi hành vi của người dân về vấn đề DS-KHHGĐ; cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu CSSK bà mẹ, trẻ em, SKSS/KHHGĐ cho người dân vùng ngập mặn và ven biển của tỉnh”. Đề án 52 triển khai tại các xã ngập mặn và ven biển là một hướng đi đúng, tạo “cú hích” trong thực hiện mục tiêu chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số vùng ngập mặn và ven biển của tỉnh. Đề án đi vào cuộc sống giúp ngư dân nghèo có thêm cơ hội tiếp cận, hưởng thụ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ CSSK bà mẹ, trẻ em, chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng việc triển khai đề án 52 tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu vùng biển. Mặt khác, do điều kiện địa lý, khí hậu và đặc thù nghề nghiệp, người dân làm việc trên biển dài ngày nên chưa có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Địa bàn dân cư vùng biển rất rộng, khoảng cách giữa các hộ xa, giao thông không thuận tiện, rất khó khăn cho việc đi lại và tuyên truyền; công tác chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ cũng như vấn đề nâng cao hiểu biết cho ngư dân vẫn gặp không ít trở ngại vì việc thay đổi nếp nghĩ và phong tục tập quán của họ không thể một sớm, một chiều.

Đề án có lộ trình thực hiện từ 2009-2020, một khoảng thời gian khá dài với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng biển, đảo trong cơ cấu dân số chung của đất nước. Triển khai đề án có hiệu quả sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chính sách DS-KHHGĐ cùng các mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020. Muốn vậy, phải huy động cả hệ thống chính trị, các ngành, tổ chức xã hội vào cuộc để thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu và có hành vi tích cực. Ngành Y tế phải có nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng dịch vụ, điều kiện CSSK nói chung, SKSS nói riêng và KHHGĐ cho người dân vùng biển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast