Kinh hoàng… “rượu quê” (Bài cuối): Khó khăn trong quản lý!

(Baohatinh.vn) - Thông tin Rượu nếp 29 Hà Nội gây ngộ độc chết người, rượu được pha chế từ cồn và nước lã đã làm dư luận hoang mang. Thế nhưng, nhìn lại thị trường rượu trên địa bàn Hà Tĩnh, người dân vẫn chủ yếu sử dụng các sản phẩm không có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc không nhỏ.

>> Kinh hoàng… “rượu quê” (Bài 1): Còn đâu “cuốc lủi”?!

Bước vào một quán đồ nướng bên đường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh), chúng tôi thấy trên các bàn nhậu có nhiều loại rượu từ thấp cấp đến cao cấp và cả những loại mang nhãn hiệu “rượu nếp” hay “rượu quê” chủ quán vừa “gắn” bằng… miệng. Đây cũng là thực trạng chung tại các quán ăn uống trên địa bàn Hà Tĩnh. Các hàng tạp hóa bán rượu quê không nhãn mác thì khó lòng thống kê được. Không ai biết được nguồn gốc và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại rượu đó ra sao.

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày tết.
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày tết.

Như đã phản ánh, trên thị trường có rất nhiều loại men và có nhiều cách để pha chế rượu mà không cần phải nấu. Các loại rượu được chế biến “khác thường” dù có thể chưa gây ngộ độc chết người nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Với người uống rượu thì đa phần họ chỉ muốn biết rượu đó có gây đau đầu hay không, ít người quan tâm đến hàm lượng methanol có trong rượu.

Bác sỹ Vương Kim Đức - Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho hay: Thời gian qua, tại Khoa nội Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khoảng 1/5 người điều trị các bệnh liên quan đến rượu như xơ gan, nôn ra máu. Bình quân mỗi ngày có trên dưới 15 người, hầu hết do ngộ độc rượu, chủ yếu rơi vào độ tuổi 35-55. Và số này đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

Nghị định 94/NĐ-CP của Chính phủ quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất; sản xuất rượu phải có đăng ký chất lượng sản phẩm; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; các sản phẩm rượu trong nước và nhập khẩu phải có tem, nhãn trên bao bì; các hộ kinh doanh rượu phải đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương… Tuy nhiên, sau hơn 1 năm có hiệu lực, việc thực hiện Nghị định 94 trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Vụ rượu nếp 29 do pha "nhầm" cồn đánh Vecni. Ảnh: dantri.com.vn
Vụ rượu nếp 29 do pha "nhầm" cồn đánh Vecni. Ảnh: dantri.com.vn

Qua tìm hiểu ở một số địa phương, công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn, người sản xuất thì hầu hết không biết hoặc thờ ơ với nghị định. Trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh, anh Lê Trọng Ấn - Chủ tịch UBND xã Bình Lộc (Lộc Hà) cho biết: “Bình Lộc hiện chưa có trường hợp nào đăng ký SXKD rượu dù thời gian qua xã đã có thông báo và hướng dẫn cho người dân thông qua hệ thống phát thanh xã”.

Được biết, Bình Lộc hiện có khá nhiều hộ dân sản xuất rượu theo phương pháp thủ công, tận dụng hèm để chăn nuôi. Các hộ sản xuất với quy mô nhỏ, nhưng nếu mỗi ngày 1 hộ nấu 1 nồi được 5 lít rượu thì mỗi tháng cũng bán ra thị trường trên 150 lít. Trung bình mỗi thôn ở Bình Lộc có ít nhất 5 hộ sản xuất rượu theo phương pháp thủ công nên lượng rượu xuất ra thị trường là con số không hề nhỏ.

Anh Lê Đình Thuận (thôn 6) trước đây nấu rượu với quy mô tương đối lớn, nhưng do thời gian gần đây thị trường không ổn định nên gia đình anh đã hạn chế nấu. Gia đình anh không hề biết đến Nghị định 94 về việc đăng ký sản xuất rượu và cũng không muốn đăng ký SXKD vì sợ phải… đóng thuế.

Tình trạng ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) cũng tương tự. Anh Từ Đức Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho hay: “Hiện tại, xã chưa có trường hợp nào đăng ký SXKD rượu. Các hộ dân nấu nhỏ lẻ nên khó thống kê và quản lý”.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Công thương, tính đến ngày 9/1/2014, Sở mới chỉ cấp phép sản xuất rượu công nghiệp cho 1 cơ sở (HTX làng nghề rượu Văn Lâm) và phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thị trong toàn tỉnh chỉ mới cấp 6 giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Hà - Phó trưởng phòng Công nghiệp (Sở Công thương) chia sẻ nhiều khó khăn trong công tác quản lý và cấp phép sản xuất rượu trên địa bàn. Theo anh Hà, hiện nay, số cơ sở nấu rượu theo hình thức thủ công có quy mô nhỏ, lẻ nằm rải rác trong các khu dân cư, ở các hộ còn rất nhiều nhưng các địa phương chưa thống kê hết được. Việc yêu cầu các hộ dân đăng ký SXKD rượu là rất khó khăn do họ chỉ làm với quy mô nhỏ, không liên tục. Còn các hộ bán lẻ cũng chỉ bán kèm thêm ở các cửa hàng tạp hóa với số lượng không đáng kể nên rất khó buộc họ làm đủ các thủ tục kinh doanh rượu.

Nghị định số 38/2012 ngày 25/4/2012 và Thông tư số 29/2012/TT-BCT quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Sở Công thương cấp trong khi Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/1/2012 và Thông tư số 39/2012/TT-BCT lại phân cấp mạnh cho cấp huyện và cấp xã, gây khó khăn trong theo dõi, báo cáo tình hình SXKD rượu trên địa bàn.

Để Nghị định 94/NĐ-CP của Chính phủ về SXKD rượu và việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng được thực hiện tốt, lãnh đạo các cấp tỉnh, huyện, xã cần có sự thống nhất, hỗ trợ nhau trong việc triển khai cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ nấu rượu tự nguyện đăng ký SXKD.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast