Kỳ 1: Yên Thành và những cánh đồng 7 tấn

Hàng chục năm nay, xuân sớm và xuân trung vẫn là những trà lúa chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu lúa đông xuân của Hà Tĩnh. Từ quá trình tìm hiểu kết quả ở vựa lúa Yên Thành (Nghệ An), Can Lộc là huyện đầu tiên tuyên bố nói không với trà xuân sớm và giống “cổ truyền” IR1820 trong vụ đông xuân 2011-2012. Nhóm PV Kinh tế Hà Tĩnh Online đã có chuyến hành trình từ Yên Thành đến Can Lộc để cùng nhìn về một hướng đi mới trong sản xuất đông xuân ở tỉnh ta.

Bỏ trà xuân sớm - xu thế sản xuất tất yếu:

Cuộc cách mạng chuyển đổi đã được khởi xướng 10 năm trước

Là một huyện thuần nông thuộc vùng thấp trũng phía tây tỉnh Nghệ An, Yên Thành được cả nước biết đến như là hiện tượng điển hình trong thực hiện cuộc cách mạng triệt để về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, một chủ trương lớn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp.

Chúng tôi về Yên Thành vào những ngày đầu xuân Nhâm Thìn giữa giao điểm của 2 đợt không khí lạnh. Trời khá hanh khô nhưng vẫn dờn dợn một màu thẩm đục trước đợt rét tăng cường. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi háo hức và khoan khoái sau chuyến đi hàng trăm cây số đến với huyện lúa của tỉnh bạn, đó là mênh mông những cánh đồng lúa trà xuân muộn vừa rời tay cấy của bà con nông dân trải rộng hút tầm mắt.

Những dảnh lúa mỏng mảnh nhưng tiềm tàng sức sống mãnh liệt đã và đang bén rễ, xanh lá, đâm chồi, hứa hẹn một vụ mùa bội thu như bao vụ mùa khác trên đồng đất Yên Thành trong ngót mười năm cuộc cách mạng “mùa vụ” được xây trên ý Đảng lòng dân.

Tham quan cánh đồng xã Bắc Thành - Yên Thành

Tham quan cánh đồng xã Bắc Thành - Yên Thành

Phó chủ tịch huyện Yên Thành Nguyễn Sỹ Hưng, vị thủ lĩnh dạn dày trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, là một trong những người khởi xướng và lãnh đạo cuộc “cách mạng” đã dành thời gian để tiếp và trao đổi với chúng tôi những bài học kinh nghiệm quý báu.

Theo ông Hưng, việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trên địa bàn Yên Thành được coi là một cuộc cách mạng thực sự bởi, có được như hôm nay là cả một quá trình thai nghén và chuyển mình với không ít những cam go, thử thách.

Từng là một người đứng đầu ngành nông nghiệp của địa phương, Phó chủ tịch Hưng hiểu hơn ai hết đặc điểm, điều kiện canh tác trên vùng đất của mình. Vụ sản xuất đông xuân của huyện được chia đều thành 3 trà xuống giống đã tồn tại bao lâu nay, ngày càng bộc lộ những bất ổn cùng với quá trình biến đổi khí hậu. Trong đó, trà xuân sớm, xuân trung thường xuyên bị thiệt hại bởi các đợt rét đậm, rét hại đầu mùa; hơn nữa, mặc dù xuống giống sớm nhưng do thời gian sinh trưởng và phát triển quá dài nên hàng năm ảnh hưởng trực tiếp đến lịch thời vụ của vụ hè thu.

Chủ trương chuyển dịch cơ cấu mùa vụ - bỏ trà xuân sớm, giảm trà xuân trung, ưu tiên trà xuân muộn được huyện gấp rút triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ giữa các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân.

Sau khi xây dựng nghị quyết, lập đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, phần việc được huyện xác định là khó khăn nhất và cũng cần làm trước nhất, đó là tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. Quả thực, với tập quán canh tác đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con nông dân, không dễ gì thay đổi được nhận thức của họ trong ngày một ngày hai.

“Nghĩ lại những ngày đó, chúng tôi vẫn cảm thấy rờn rợn. Nói thật, nếu không có trách nhiệm với bà con, không có sự đoàn kết và đặc biệt là chút “máu liều” trong lãnh đạo, chỉ đạo thì chắc khó thành công lắm! Bên cạnh tuyên truyền, vận động với những lời hay lẽ thiệt, các biện pháp cứng rắn cũng phải sử dụng vì chủ trương chung!” - Ông Hưng bộc bạch.

Cùng với công tác tư tưởng, huyện triển khai xây dựng một cơ chế chính sách phù hợp để động viên bà con yên tâm. Huyện chủ động nguồn giống mới cung ứng cho bà con thay thế hàng ngàn ha lúa IR 1820 của trà xuân sớm.

Vụ xuân 2001, 10 xã đầu tiên của huyện Yên Thành được chỉ đạo làm điểm bỏ hẳn trà xuân sớm. Sau những tháng ngày chờ đợi, kết quả đã vượt xa sự mong đợi của huyện khi năng suất và sản lượng thu được trên đơn vị diện tích cao hơn nhiều so với các xã làm trà xuân sớm.

Lúa giống mới ở xã Đô Thành

Lúa giống mới ở xã Đô Thành

Thắng lợi của hướng đi đúng đã có sức lan tỏa và tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ đến tất cả các địa phương trên toàn huyện. Không chỉ với trà xuân sớm, các xã bắt đầu triển khai chỉ đạo bỏ dần diện tích trà xuân trung. Năm 2005 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của nền nông nghiệp huyện Yên Thành, khi 100% diện tích (13.900 ha) lúa vụ xuân được dành cho trà xuân muộn trong niềm phấn chấn và tin tưởng của bà con nông dân. Thành công lớn nhất trong cuộc cách mạng này, đó là thời điểm thu hoạch của lúa xuân muộn được rút ngắn hàng chục ngày so với các trà xuân sớm và xuân trung, tạo điều kiện cho vụ hè thu được xuống giống sớm, né tránh được rủi ro vào cuối vụ. Kết quả, riêng sản lượng vụ xuân 2005 đã bằng tổng sản lượng cả năm 1999. Những năm gần đây, năng suất lúa bình quân vụ xuân của Yên Thành đã đạt trên 7 tấn/ha. Năng suất vụ hè thu cũng thường xuyên ổn định ở mức 7 tấn/ha.

Làm theo chủ trương sẽ được ấm no

Đó là điều khẳng định chắc chắn của tất cả những người nông dân từ đồng bằng đến miền núi của huyện lúa khi tâm sự với chúng tôi. “Không phấn khởi sao được, khi chủ trương, đường lối của Đảng, của chính quyền đã đưa cuộc sống của bà con đi lên bằng chính trên mảnh đất của mình. Trước đây, vụ đông xuân làm giống cũ năng suất không cao, thời gian lại quá dài làm chậm vụ hè thu. Những vụ được coi là được mùa cũng không dám tính toán lời lãi… Kể từ khi bỏ hẳn các trà xuân sớm và xuân trung, làm trà xuân muộn, chúng tôi chưa bao giờ có khái niệm mất mùa. Bây giờ, chúng tôi đã quen với sản xuất lúa hàng hóa. Mọi chi tiêu cho cuộc sống gia đình đã dựa vào hạt lúa được rồi chú ạ… Nhớ ngày đầu được vận động từ bỏ lối sản xuất cũ, chúng tôi cũng nghi ngại lắm. Bây giờ mới thấy được rằng, cứ làm theo chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền ắt sẽ được ấm no thôi” - Chị Hoàng Thị Lý ở xóm 1 xã Bắc Thành phấn khởi chia sẻ tâm sự của mình.

Niềm vui được mùa

Niềm vui được mùa

Ông Trịnh Văn Chương - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Bắc Thành, một người từng lăn lộn với bà con xã viên hàng chục năm trên đồng ruộng, chứng kiến tất cả những thăng trầm của nền nông nghiệp huyện nhà, hết sức tâm đắc khi nói về cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ của địa phương.

Theo ông Chương, nếu so sánh giữa việc gieo thẳng trà xuân sớm và xuân trung với bắc mạ cấy vụ xuân muộn, thì hầu như: tất cả các tiêu chí, sự ưu việt đều nghiêng hẳn về việc làm trà xuân muộn. Cụ thể như: việc gieo trỉa gặp rất nhiều rủi ro; nếu thời tiết không thuận lợi có thể làm chết mạ, mất giống và mất công làm lại; mất nhiều thời gian chăm sóc. Lúa gieo thẳng thường trỗ bông nhỏ hơn và tỷ lệ hạt lép nhiều hơn lúa cấy, năng suất cũng thấp hơn…

Còn bắc mạ cấy theo quy trình che phủ nilon sẽ nuôi dưỡng được cây mạ trong điều kiện nhiệt độ đảm bảo, không bị chim, chuột phá hoại, đặc biệt hạn chế tối đa sự truyền bệnh lùn sọc đen nguy hiểm từ vật chủ trung gian rầy lưng trắng… Như vậy, sản xuất trà lúa xuân muộn thay thế xuân sớm và xuân trung là một yêu cầu và xu thế tất yếu trong chiến lược xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa.

Hà Tĩnh là địa phương có điều kiện canh tác khá tương đồng với tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Yên Thành nói riêng; lại đang trong quá trình tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ theo hướng bỏ hẳn trà xuân sớm và xuân trung, cơ cấu trà xuân muộn. Thiết nghĩ, chúng ta cần nghiêm túc tiếp thu, chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu từ thành công của huyện lúa Yên Thành, để sớm đưa chủ trương lớn này trở thành hiện thực.

Từ điểm sáng Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã nhân rộng phong trào chuyển đổi cơ cấu các trà lúa vụ đông xuân. Để tiếp sức cho nông dân áp dụng quy trình sản xuất mới, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Đến nay, trong tổng số hơn 85.000 ha lúa đông xuân của tỉnh, trà xuân muộn chiếm trên 60% diện tích; trong đó có 75% diện tích lúa được bắc mạ cấy. Trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu lúa đông xuân gắn với việc đưa thêm các loại giống mới, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast