Kỳ II : Nỗi lo còn dài…

Cùng với vấn đề nhà ở thì tình hình đất ở cho cán bộ, CNVC – LĐ có thu nhập thấp ở tỉnh ta cũng rất đáng lo ngại. Thực trạng thiếu đất ở còn rất phổ biến đang là nỗi lo chưa thể trút bỏ đối với CNVC - LĐ nghèo và những ai quan tâm đến họ. Và một khi chưa có biện pháp giải quyết tích cực từ phía các cơ quan hữu quan thì ước mong “An cư, lạc nghiệp” của những người lao động hiện không một tấc đất cắm dùi còn rất xa xăm….

Nỗi lo về nhà ở, đất ở cho CNVC - LĐ có thu nhập thấp:

>Kỳ I: Những tiếng thở dài...

Áp lực về đất ở…

Từ khi chia tỉnh đến nay, gia đình bác Phan Cao Quỳnh – đoàn viên Công đoàn ngành Y tế đã phải bám trụ ở tập thể của ngành. Căn hộ của bác vốn là một phòng điều trị của bệnh viện cũ nên đang ngày một xuống cấp, hư hỏng nặng. Mặc dù đã nhiều lần bác tự cơi nới, tu sửa nhưng khi trời mưa to vẫn bị nước ngập nền nhà, thấm dột và mái có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Vừa rồi, khi con trai lớn xây dựng gia đình (cũng là người trong ngành) thì căn hộ vốn đã chật chội nay trở nên bức bí hơn. Vì chưa được cấp đất, điều kiện kinh tế gia đình không thể mua đất thị trường để làm nhà cho con ở riêng nên bác đành phải làm tạm một phòng trong khuôn viên khu tập thể, cách nhà mình vài chục mét. Hai gia đình ở riêng nhưng gần như mọi sinh hoạt, đồ dùng vẫn sử dụng chung vì phòng mới xây quá chật. Sau gần cả cuộc đời cống hiến nhưng vẫn phải ăn ở tạm bợ, hơn ai hết, bác rất mong được cấp đất làm nhà theo giá ưu đãi hoạc được thanh lý căn hộ đang có để trở thành chính chủ thực sự. Nếu được như vậy bác mới có thể tu sữa nhà cửa kiên cố hơn và yên tâm cống hiến nốt những năm tháng còn lại cho sự nghiệp….

Những ngôi nhà đầu tiên trong khu quy hoạch đất ở giành cho CNVC-LĐ thu nhập thấp (Phường Nam Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh).
Những ngôi nhà đầu tiên trong khu quy hoạch đất ở giành cho CNVC-LĐ thu nhập thấp (Phường Nam Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh).

Câu chuyện và mong muốn của bác Quỳnh cũng là thực trạng, là nỗi niềm chung của 165 cán bộ ngành Y tế đang sống trong khu tập thể, của hàng ngàn người có hoàn cảnh tương tự như bác và hàng chục ngàn CNVC – LĐ chưa có đất ở, nhà ở. Theo khảo sát, toàn tỉnh đang có gần 31 ngàn CNVC – LĐ có nhu cầu mua đất ở mà chưa thực hiện được, trong đó đáng chú ý có: Đức Thọ (3.600 người), Cẩm Xuyên (1.996 người), Thành phố Hà Tĩnh (788 người); ngành Giáo dục & Đào tạo (1.609 người); các doanh nghiệp đóng trên toàn địa bàn (14.700 người)…. Tuy nhu cầu lớn như thế nhưng hàng năm các địa phương cũng chỉ giải quyết được vài trăm suất cho những đối tượng quá bức bách hoặc “quen biết”, đại đa số còn lại đều đang phải “chờ”.

Các giải pháp thực hiện thiếu hiệu quả…

Vấn đề nhà ở, đất ở cho CNVC – LĐ có thu nhập thấp đang ngày càng trở nên bức bách hơn, “nóng” với người trong cuộc, các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Để giải quyết, ngoài sự nỗ lực của các đối tượng còn phụ thuộc rất lớn vào cơ chế chính sách, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự quan tâm của các chủ sử dụng lao động. Nhưng với cách làm, thái độ và tiến độ như hiện thì có lẽ phải mất rất lâu nữa nhu cầu mua đất làm nhà hay được ở nhà công vụ, nhà tập thể mới được giải quyết ổn thỏa.

Nhu cầu đất ở của giáo viên được thể hiện được thể hiện qua danh sách đề nghị của một địa phương.
Nhu cầu đất ở của giáo viên được thể hiện được thể hiện qua danh sách đề nghị của một địa phương.

Trên thực tế, chúng ta đã có chính sách xây dựng nhà ở, cấp đất ở cho lao động nghèo nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện hiệu quả đem lại không như mong đợi. Việc triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước nói chung, của tỉnh nói riêng liên quan đến đất ở, nhà ở gặp nhiều vướng mắc nhưng chưa có biện pháp tích cực, đồng bộ để tháo gỡ kịp thời. Trong quá trình thực hiện cũng đã cho thấy giữa các ban ngành có trách nhiệm, các chủ sử dụng lao động thiếu sự phối hợp chặt chẽ, chưa xây dựng được kế hoạch thực hiện cụ thể, khoa học. Bên cạnh một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thể hiện được vai trò nòng cốt của mình thì các sở ngành, cơ quan sử dụng lao động cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức. Về phía các doanh nghiệp, họ chỉ thực sự quan tâm đến hiệu quả SXKD và lợi nhuận chứ chưa thực có ý thức chăm lo đến quyền lợi của công nhân, nhất là về nhà ở, đất ở…. Do đó mọi việc cơ bản mới chỉ dừng lại ở góc độ “chính sách”, “tham mưu”, “bàn bạc”, “chờ giải quyết” chứ chưa được cụ thể hóa hết. Vì vậy, những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người lao động chưa được xem xét thỏa đáng, các vấn đề khó khăn chưa được nhìn nhận đúng mức, các biện pháp thực hiện chưa quyết liệt và đất chỉ được cấp “nhỏ giọt”….

Vĩ thanh

Nhà ở, đất ở đối với cán bộ, CNVC – LĐ thu nhập thấp không đơn thuần tài sản mà nó còn mang nhiều ý nghĩa lớn lao hơn: là niềm động viên, thành quả lao động, là minh chứng thể hiện họ được quan tâm, giúp đỡ lúc khó khăn…. Niềm hi vọng, tương lai của hàng chục ngàn cán bộ, CNVC – LĐ thu nhập thấp đang phụ thuộc rất lớn vào tinh thần, trách nhiệm và thái độ vào cuộc của các cấp, các ngành. Giải quyết tốt vấn đề này chúng ta sẽ tạo được nguồn động lực lớn thúc đẩy thi đua lao động, sản xuất và góp phần ngăn ngừa những tác động tiêu cực, các hệ lụy xấu do nó gây ra. Vì vậy, đã đến lúc cả hệ thống chính trị, các chủ sử dụng lao động trong các thành phần kinh tế và toàn xã hội phải vào cuộc quyết liệt hơn, chia sẽ nhiều hơn để đồng hành với ước mơ “An cư, lạc nghiệp” của người lao động nghèo...

Người trong cuộc nói gì?

Bác Nguyễn Cao Danh – cán bộ nghỉ hưu : "Nhà nước và doanh nghiệp phải lo nhà, lo đất cho công nhân"…..

Theo tôi nghĩ, tình trạng công nhân trong các doanh nghiệp không có nhà tập thể, thiếu đất ở vừa có lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, vừa có lỗi của các doanh nghiệp. Họ là những người đi làm thuê, vì áp lực công việc, vì miếng cơm manh áo của cả gia đình nên không dám này nọ nhưng những người trong cuộc phải nhận thức và có trách nhiệm về vấn đề này. Theo tôi, đây không là trách nhiệm của riêng doanh nghiệp bởi: thực hiện vấn đề này cần phải có nhiều tiền, họ đã đóng thuế và không có quyền cấp đất ở cho công nhân…. Vì vậy, cả nhà nước và doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc cấp đất, xây nhà ở tập thể cho công nhân.

Anh Hoàng Xuân Hoan – cán bộ Thư viện tỉnh: Mong được các cấp, các ngành hỗ trợ để CNVC - LĐ nghèo “An cư, lạc nghiệp”

Hiện nay, tổng lương của vợ chồng chúng tôi chỉ được gần 3,4 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có điều kiện làm thêm và thu nhập ngoài. Với mức tiền lương đó thì phải có sự hỗ trợ của gia đình nội ngoại mới đủ để nuôi hai con nhỏ và trang trải cuộc sống hàng ngày. Vì thu nhập và hoàn cảnh như vậy nên tôi và nhiều người như tôi không thể mua đất, làm nhà mà phải thuê trọ hoạc ở trong những nhà tập thể cũ nát. Tôi rất mong được các cấp, các ngành sớm có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện giúp đỡ cho những người CNVC – LĐ có thu nhập thấp, trong đó có vợ chồng tôi để được “An cư, lạc nghiệp”, sớm thoát khỏi cuộc sống tạm bợ, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống….

Ông Đinh Văn Tiến – Chủ tịch LĐLĐ Thị xã Hồng Lĩnh: Phải nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn….

Qua thực tiễn hoạt động và những gì tổ chúng tôi làm được cho CNVC – LĐ thu nhập thấp trong thời gian qua đã cho thấy vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong vấn đề đất ở, nhà ở. Vì vậy, các cấp công đoàn phải phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm và nâng cao vai trò của mình hơn nữa trong vấn đề giúp CNVC – LĐ “An cư, lạc nghiệp”. Ví dụ như ở Hồng Lĩnh: chính tổ chức công đoàn là nơi đã tham mưu, đề xuất để Thị ủy ra chủ trương cấp đất ở; khi thực hiện, các CĐCS đã rà soát, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu của các đối tượng trình lên LĐLĐ thị xã để phân luồng; khi có danh sách và nhu cầu cụ thể, lãnh đạo LĐLĐ trực tiếp làm việc với chính quyền các phường xã; việc cấp đất cho các đối tượng được giải quyết theo thứ tự ưu tiên…. Vì tổ chức công đoàn đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong từng khâu, từng công đoạn, từng đối tượng cụ thể nên chúng tôi là một trong những đơn vị tham mưu cấp được nhiều đất nhất toàn tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast