Kỳ Lạc ngày mới

Kỳ Lạc xa ngái, cách biệt giờ chỉ còn trong tâm thức. Con đường đất đá “tháng ngày gội mưa tắm nắng” giờ được thay bằng "tấm áo" nhựa phẳng lì. Trên con đường huyết mạch ấy, giờ đã ngập tràn niềm hy vọng, rộn ràng với những “đôi chân không còn bước ngập ngừng”…

"Ốc đảo" – một thời chưa xa

“Gắng lên chút nữa thôi em!”, người chồng hốt hoảng trấn an khi thấy vợ mình đang vật vã ôm bụng trong cơn chuyển dạ. Lòng anh như lửa đốt. 2h sáng, những cơn mưa tầm tã chưa biết đến bao giờ ngớt. Ngoài trời, gió vẫn rít từng cơn đầy đe dọa, nước lũ vẫn không ngừng dâng cao. Một chiếc xe tải đi qua ánh lên hy vọng. Anh vội vã xin được đưa vợ đi “vượt cạn” từ miền thượng xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh. Câu chuyện của chị Vũ Thị Oanh ở xóm Lạc Tiến (Kỳ Lạc) 4 năm về trước nằm ngoài trí tưởng tượng của tôi.

Đó chỉ là một cảnh quay rõ nét trong toàn bộ thước phim về quá khứ đầy gian nan của Kỳ Lạc. Ngày trước, tuyến đường tỉnh lộ 22 nối liền quốc lộ 12A từ Kỳ Lâm tới Kỳ Lạc, ngày nắng phủ bụi mờ, ngày mưa đắm mình trong nước lũ đã trở thành nỗi ám ảnh. Bố tôi, một nhà báo đã có nhiều năm lăn lộn nơi "thâm sơn cùng cốc", trong chuyến đi đầu tiên tới đây cũng không thoát khỏi việc bị con đường này “chơi xỏ”. Mùa mưa, những ngôi nhà gỗ chênh vênh ven đường trở thành những bản làng heo hút, 7 xóm trong xã trở thành 7 "ốc đảo". Không ai có thể hình dung, chỉ cách trung tâm huyện hơn ba chục cây số, lại có một "ốc đảo" gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.

Trụ sở xã Kỳ Lạc đã khang trang hơn
Trụ sở xã Kỳ Lạc đã khang trang hơn

Mùa mưa tới cũng là lúc cuộc sống ở Kỳ Lạc bước vào những ngày gian nan nhất. Muốn về được huyện, người dân phải đi đường vòng qua đèo Ngang trên quãng đường 70km thay vì 25km như thường lệ. Cả quãng đường dài chim bay còn thấy rã rời đôi cánh, huống hồ hàng ngày người dân vẫn phải bì bõm lặn lội. Điện thoại, phương tiện kết nối người dân với cuộc sống xung quanh vào những ngày này cũng trở nên vô nghĩa.

Chi phí cho sản xuất đầu vào luôn bị đội giá, khi tiêu thụ lại bị ép giá khiến người dân luôn bị “thiệt đơn thiệt kép”. Cuộc sống bấp bênh lay lắt hằn trên những khuôn mặt hắt hiu với nỗi lo thường nhật. “Có những đợt học sinh nghỉ cả tuần là chuyện thường, nguyên nhân là do các em không thể lội suối” - thầy Nguyễn Thành Nông, Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Lạc nhớ lại. "Một học sinh của trường - em Nguyễn Công Tuấn đã không thể tham gia kì thi HSG huyện vào năm 2004 bởi lý do… mưa lũ. Kí ức đó để lại trong em một khoảng trống khôn nguôi".

Chỉ chừng đấy thôi, cũng đủ để hình dung ra quá khứ của Kỳ Lạc vất vả đến thế nào.

Đã nhìn thấy những ánh mắt, nụ cười đẹp tươi

Tháng 10/2009, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tuyến đường Tỉnh lộ 22 dài 9,7km từ Kỳ Lâm vào Kỳ Lạc được khởi công xây dựng. Vượt qua mọi trở ngại, đến tháng 10/2010, việc thi công hoàn tất và toàn bộ số tiền 82 tỷ đã được giải ngân. “Trước thời điểm làm đường, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 7 triệu/năm nhưng bây giờ con số đó đã tăng gấp đôi (14 triệu/năm) và sẽ cao hơn nữa” - Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc Nguyễn Thái Toàn hồ hởi khoe.

Màu xanh điểm xuyết trên những mảng rừng, những ngôi nhà cao tầng với mai ngói đỏ tươi minh chứng cho sự đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất này…

Sản xuất đậu hè thu ở Kỳ Lạc
Sản xuất đậu hè thu ở Kỳ Lạc

Không phụ kỳ vọng của mọi người, con đường mới đã thực sự đưa đời sống ở Kỳ Lạc tiến dần với miền xuôi. Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xóm Lạc Trung, từng trải qua những ngày vất vả khi số lượng tràm thu hoạch bị khô do không có đường vận chuyển, giờ đã trở thành tấm gương điển hình trong vừa trồng tràm, giải quyết việc làm cho gần 10 lao động. Anh Tuấn chỉ là một trong số nhiều hộ gia đình tạo được việc làm cho nhiều lao động, vừa giảm khai thác gỗ rừng tự nhiên, vừa đạt hiệu quả kinh tế.

“Từ nơi anh đi đến nơi em, cũng phải qua một con đường gắn bó yêu thương”. Đó chắc hẳn là những câu hát đầy tình cảm mà thầy giáo Đoàn Văn Thành đã gửi gắm tới cô Nguyễn Thị Thu Thủy (trường THCS Kỳ Lạc), để rồi sau đó, thầy trở thành người mà cô Thủy chọn làm "bến đỗ" cho đời mình. Rời Thạch Hà lên Kỳ Lạc “gõ đầu trẻ”, thầy Thành không thể ngờ mình gắn bó trọn đời với mảnh đất này. Tình yêu của thầy cô đã trở thành câu chuyện cổ tích giữa vùng đất miền núi còn bộn bề gian khó.

Kỳ Lạc còn là nơi chứng kiến câu chuyện đẹp của nhiều thầy cô đã dành hết tâm huyết của mình cho những em học sinh vùng cao. Những năm qua, chất lượng dạy và học của xã đã được khẳng định. Nhiều năm liền, trường liên tiếp có học sinh giỏi tỉnh. Đáng mừng hơn cả, 2 em Nguyễn Công Tuấn và Võ Thị Mai đã trở thành những học sinh đầu tiên của trường nhận được học bổng du học nước ngoài.

Nghe và cảm nhận. Những thước phim sống động về Kỳ Lạc đã để lại cho tôi một cảm giác thật khó tả. Bánh xe lăn đều trên con đường vành khăn uốn lượn lỗ chỗ những vệt nắng, văng vẳng bên tai tôi câu ca của các em học sinh tan trường: “Hát về con đường và tình yêu đất nước/ Hát về con người và niềm tin mơ ước/ Cho quê hương ngày càng đẹp tươi”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast