Ký ức mùa lũ

Năm nào cũng vậy cứ đến cữ vào giữa mùa thu tháng tám, ngước lên bầu trời làng tôi lại thấy xám ngắt màu chì. Rồi gió tức tưởi kéo theo những trận mưa xối xả, suốt ba bốn ngày liền. Những lúc ấy người trong làng ai cũng chép miệng: “Lũ đến rồi”. Lũ tới trẻ con thì vui, người lớn thì buồn.. Những vất vả của những người dân Sơn Thủy sống chung với lũ đã trở thành ký ức không bao giờ phai nhạt trong tôi.

Làng lũ luôn về đúng hẹn

Khi tôi lên bảy tuổi đã chứng được kiến cảnh những cơn lũ qua làng rồi. Dường như lũ đến với làng tôi không phải chuyện bất ngờ của “thủy quái” nữa. Tạo hóa sinh ra mảnh đất Kim Hoa ngày xưa và bây giờ phân thành ba xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy nằm phía hữu ngạn sông Ngàn Phố.Vực Nầm nơi giao thoa con sông Ngàn Phố với Hói Trùa. Vực Nầm không rộng nhưng sâu, bên miệng vực những bờ đá xếp đan nhau lởm chởm. Vực Nầm giống như cái phểu còn cuống phểu là Hói Trùa. Con Hói Trùa chạy dài từ làng Phúc Đậu đến xã Sơn Mai hàng chục km, đôi bờ hói tre pheo và cây hoang dại mọc um tùm. Cứ cách vài km lại có người đan rọ tre, cắm cọc gỗ chặn dòng đơm đó. Cả làng Sơn Thủy hàng ngàn đời nay ngọn núi Nầm như thành lũy của làng, nên tránh được nhiều hiểm họa của bão, nhưng khốn nỗi lũ lụt thì không bao giờ tránh được. Đã thế lũ lại lên rất nhanh và nước rút chậm. Thường ít nhất nước xuống phải dăm bảy ngày, có năm lũ ngâm tới hơn chục ngày. Quanh năm làng Sơn Thủy phải trằn mình với hai trận lũ, lũ tiểu mãn tháng năm và lũ giữa mùa thu tháng tám. Lũ tháng năm chẳng ai bàn cãi lớn, bởi lúc đó cả làng đã gặt vãn rồi. Thóc đã hong giòn nắng cho vào bồ, liềm hái treo lên vách. Đám đàn ông làng tôi ngồi hút thuốc lào, uống chè xanh, tán chuyện gẫu. Đám đàn bà thì băm bèo, nấu cám phục vụ con lợn trong chuồng hoặc tranh thủ tìm giẻ vụn vá lại cho chồng con bộ quần áo cũ.

Lũ tháng tám ở làng Sơn Thủy. Ảnh: Đậu Bình
Lũ tháng tám ở làng Sơn Thủy. Ảnh: Đậu Bình

Nhưng cơn lũ hàng năm vào dịp tháng tám thì không ai có thể lường được mức độ xói lở, mức độ phá hoại tài sản và con người như thế nào?. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cố Nhiệm sống bên cạnh cánh Đồng Trằm. Cố Nhiệm là người nông dân khổ nhất làng, cố quanh năm đóng chiếc “ quần ngố” được dệt bằng thứ vải sồi nhuộn nâu và gương mặt bao giờ cũng ủ rủ vì căn bệnh thấp khớp mãn tính hành hạ. Nhưng người làng tôi kể cả các bậc trưởng lão có chữ vẫn rất phục cố Nhiệm. Người ta bảo “ Cố Nhiệm là chiếc đài dự báo thời tiết ” vì cố Nhiệm có biệt tài phán được “ mưa to lũ lớn” bằng xem cây ngãi trong vườn. Năm nào hoa ngãi trổ theo hướng nào và nở mấy cụm hoa thì xẩy ra lụt lớn hay lụt nhỏ.. Cố Nhiệm đoán trước được nên người hàng xóm nhà tôi loan tin này cho cả xã Sơn Thủy biết để chuẩn bị tinh thần chạy lũ. Cứ theo quy luật khoảng vài tuần cố Nhiệm cho biết lịch thì lũ về.

Hai ngày trước khi lũ về bầu trời quê tôi đang nỏn nà xanh, con chim cu gáy trên cánh đồng làng đang khoan thai giọng gáy với nhịp sống thanh bình yên ả bổng nhiên trời tối sầm lại. Chim cu gáy im bặt tiếng, cây cối trong vườn im phăng phắt...Thời tiết bức bối không chỉ người già trong làng đổ bệnh mà con chó, con mèo cũng đổ bệnh theo.. Chó, mèo tự ra vườn tìm thuốc bằng nhai cây cỏ dành riêng cho chúng để cứu nguy cơn đau bụng.. Xế chiều những tổ mối khổng lồ từ dưới bụi cây rậm bỗng dưng kéo nhau bay vụt lên trời cao. Khi đàn mối bay vãn cũng là lúc trời đổ mưa.. Chao ôi cơn mưa tháng tám “ mùa nước nổi” xứ sở làng tôi ngỡ như trời đang giận hạ giới mà dội nước xuống cho hả dạ. Nhà tôi nằm trên ngọn đồi cao, tôi thường mở cửa sổ nhìn ra để quan sát màn mưa dày đặc, lẫn trong tiếng gió gào như trâu điên sổ lồng làm cây cối ngã nghiêng, bổ rạp xuống.. Không ít những quả cam, quả na, quả bưởi.. đã bị gió dập lăn ra dưới gốc.. Suốt những đêm mưa dân làng tôi dường không ai ngủ . Ông Lịch nói vọng sang nhà tôi “ Mưa thế này nước ngàn từ trên Sơn Kim đổ về chắc răng cũng lụt lớn...Mưa ni cá sông vô đồng nhiều đây..”. Tôi vểnh tai nghe cha tôi và ông Lịch trao đổi dự đoán với nhau về mưa lũ... Gần hai giờ sáng khi mưa tạm “nghỉ giải lao” mươi phút bổng tiếng trống từ dưới xóm 5 ( thuộc khu vực chợ Đình cũ) đánh thùng thùng...Tôi hỏi mẹ “ Dưới làng có chuyện chi mà họ đánh trống giữ rứa hè?”. Mẹ tôi bảo “ Họ đánh trống để giục dân đi sơ tán gấp kẻo lụt vào không chạy được”. Sáng bảnh mắt tôi bước xuống ngõ xem trước cánh đồng Chọ Nây nước lụt đã lên lấp xấp ở vườn cau, màu nước đục ngầu. Vườn tôi bỗng dưng ngập ngụa rác rưởi từ đâu dạt tới, nhiều nhất là loại bèo Nhật bản. Thứ bèo này chẳng biết lũ lôi từ ao hồ nào về mà dọn cả tháng không hết. Tôi nghe người đi dưới đường kháo nhau nước lên nhanh quá, khúc gỗ bắc làm cầu Ông Câu bị lũ cuốn trôi rồi. Nghe tin này tôi thấy buồn nẩu ruột, bởi không có chiếc cầu tạm bọn trẻ tiểu học chúng tôi phải nghỉ học cả tuần liền.. Nước lũ lúc này lên với tốc độ “phi mã ”, người từ xóm 5 ai cũng tất bật đưa trâu bò đi chạy lũ.. Có người hai tay cầm cả hai sợi dây thừng điều khiển cả trâu lẫn nghé. Chú nghé non ngơ ngác nhìn lũ về nên bị chủ nhà quất roi vào mông lia lịa.. Từ trên chòi cao của làng, bổng ông Du đội trưởng xóm tôi cầm chiếc loa dõng dạc đọc to : “ Alô Alô! Với tinh thần đùm bọc thương yêu nhau trong lúc hoạn nạn, xóm 5 và xóm 8 như anh em một nhà. Tôi đề nghị bà con giúp đỡ tạo nơi ăn chốn ở cho những người đang bị ngập nhà, ngập cửa. Đừng để ai bị đói , đừng để ai bị rét. Alô Alô...”. Đến bây giờ đã gần bốn thập kỷ đi qua, nhiều lúc ngẫm lại tiếng loa ông Du đội trưởng chẳng khác gì lời hịch. Lời lẽ mộc mạc nhưng tạo nên niềm tin mãnh liệt từ tình thương san sẻ cộng đồng. Xóm 8 làng tôi vào thời điểm những năm 1965-1975 tuy được mệnh danh “ Xóm lắm gạo ”, thế nhưng người khá giả nhất chỉ được tích cóp được vài tạ thóc, ba chum khoai khô, sắn lát.. Nhưng “ lúc tắt lữa tối đèn” chẳng ai suy bì tính toán thiệt hơn... Những ngày tránh lũ bà con xóm 5 xóm 8 lại càng gắn bó hơn bao giờ hết.. Nhà nào cũng “xung phong” đón người tới ở. Có hộ xin phép đội trưởng cho ở thêm người vì nhà mình còn rộng. Tôi nhớ hồi đó những vườn sắn vào tháng tám củ còn non, nhưng một số nhà vẫn luộc sắn mời những người chạy lụt thưởng thức sắn đầu mùa..

Tìm kế mưu sinh trong ngày lũ

Khi làng Sơn Thủy quê tôi trở thành biển nước, thành một “ốc đảo” cô lập thì chính cũng là lúc cả làng đua nhau thả thuyền. Con thuyền gỗ được mua sắm từ dưới Đức Trường( Đức Thọ), dân làng tôi quen gọi là “Nốốc”. Là đứa trẻ sinh thành ra ở vùng “rốn lũ” nên tôi cảm thấy hạnh phúc nhất được chèo thuyền đi dạo quanh làng trong ngày lũ. Dưới ánh trăng vàng, giữa biển trời mênh mông nước, mấy đứa trẻ chúng tôi cùng nhau ngồi thuyền kể chuyện tiếu lâm, rồi hò rồi hát om sòm. Có bữa cánh trẻ này đi chơi đêm còn bắt được con cò, con diệc nằm ngủ gật trong bụi cây đem về nhổ lông nướng lên đánh chén...Chúng tôi thích chơi thuyền tới nổi đứa nào thấy thuyền nhà ai đậu ở ngõ mình cũng kéo nhau “chèo trộm” vài lượt. Đối với dân làng tôi, họ tận dụng thuyền gỗ trong những ngày lũ nhiều tiện ích lắm : nào chở người, trâu bò, lợn gà lên vùng cao gửi, nào chở nguyên vật liệu về nhà, nào tranh thủ đi thăm hỏi bà con cô bác. Nhưng mùa lũ to cũng là mùa nhiều gia đình chèo thuyền vào tận rừng sâu, chặt củi, chặt nứa đưa về đun. Cứ mỗi buổi chiều khi mặt trời bắt đầu khuất bóng, tôi trèo lên cây mít mọc trên đỉnh đồi nhìn cảnh làng quê lại thấy thuyền nối thuyền lần lượt về xuôi xóm dưới. Những người đàn ông chèo thuyền hối hả, con thuyền lao đi vun vút, trên khoang thuyền đầy ắp củi, nứa, mây, giang. Nhiều gia đình sau khi lũ rút củi chất kín cả sân nhà, họ có thể yên tâm đun nấu suốt năm... Có bao chuyện vui buồn về ký ức mùa lũ làng tôi, chuyện vui họ cũng kể, chuyện buồn họ cũng giải bày. Họ kể chuyện vui những người đi cất vó trong mùa lũ. Dân tôi những ngày lũ nhiều người thức trắng đêm hoặc đứng suốt ngày trên cánh đồng để cất vó. Nhiều người “gặp may” vừa đặt gọng vó xuống nước chỉ mươi phút nhấc lên đã có cá dãy đành đạch, có người kiên nhẫn cả chiều vẫn về không.. Câu chuyện ông Phan Thảnh cất được một con cá gáy nặng hơn 10 kg ngay tại khe Cửa Thần đến bây giờ mấy thằng bạn học cùng tôi vẫn nhớ. Hôm ấy là một buổi chiều nước lũ đang dâng lên mạnh. Khe Cửa Thần không biết cá từ đâu tới bơi ngược theo dòng nuớc hàng đàn. Thấy cá đi rõ cả cờ, ông Thảnh đã nhanh chân về tìm vó và chọn chổ ông đã từng cất. Suốt buổi chiều hôm đó đứng tê cả chân, lạnh cả tay mà cá vẫn khôn ngoan “lánh nạn” được vó ông. Buồn quá ông Thảnh định rủ vó không cất nữa. Nhưng nghĩ trời chưa tối mình gắng thêm lát nữa xem sao. Ông lại đặt vó xuống, khoảng hai mươi phút sau bắt đầu rút vó lên thấy nặng đầu tay và nghe tiếng quẫy mạnh trong vó. Ông Thảnh phải nhờ người đi bên cạnh ra tay giúp ông kéo tiếp.. Thật bất ngờ ông Thảnh vui đến muốn vỡ cả lồng ngực, một con cá chép to, cái vảy của nó lớn như những đồng xu đính vào nhau. Ông Thảnh vác cả con cá lên vai chạy một mạch về nhà. Năm ông Thảnh được cá gáy to cũng là năm làng tôi đói xơ đói xác. Vì trận lũ lớn nhất trong lịch sử, lúa hè thu mất trắng. Khoai lang, lạc, đậu, ngô trồng ngoài đồng đã bị nước ngâm thối rửa hết..

Người dân cất vó trong mùa lũ. Ảnh: Đậu Bình
Người dân cất vó trong mùa lũ. Ảnh: Đậu Bình

Chuyện ông Thảnh được cá ngoảnh đi ngoanh lại bây giờ đã xa hun hút. Năm rồng này lũ lại sắp về, nhưng làng Sơn Thủy tôi vẫn sống chung với lũ với phong cách gan góc và hiện đại hơn. Không còn tiếng trống thúc và tiếng loa truyền như ngày xưa nữa. Các gia đình ở xóm 5, giờ đã di dân hết thảy lên đồi. Tất cả những vườn tược của họ xưa đang biến thành những cánh đồng màu mở. Nhiều nhà sắm thuyền gỗ to đẹp hơn xưa, nhưng không vào rừng chặt củi nữa bởi rừng bây giờ đã được “thanh lý sạch” còn đâu lâm sản nữa mà chặt. Điều ngạc nhiên hơn nhiều người dám mạnh dạn đấu thầu và mua đất công , chính quyền xã Sơnh Thủy bán tại nơi vùng trũng nhất. Bởi con đường đó gần trung tâm buôn bán chợ Đình. Anh Tùng có vợ hiện đang làm ăn ở Nhật, có tiền gửi về cho chồng xây nhà tiền tỷ. Căn nhà hai tầng cao ngất. Nếu lũ tới anh Tùng đưa toàn bộ đồ dạc lên tầng hai, chẳng bận tâm gì đến chuyện nước dâng cả. Cái cầu ông Câu bây giờ đã trở thành cây cầu xi măng vĩnh cửu, cả những con đường dài nối từ đầu làng đến cuối xóm đều được đỏ bê tông đúc sẵn. Vậy là sau lũ chẳng lo xách dép lội bùn.. Nhưng chuyện mùa màng thì muôn thở dân làng tôi vẫn đang để lũ “giằng xé” mất.. Chợt tôi nghe mấy đứa trẻ đang mong lũ về để vớt được vài khúc gỗ. Có đứa còn khoe năm ngoái vớt được ba khối gỗ dổi thì bằng cả năm làm hàng chục tấn thóc. Tôi cần trời khấn đất những ý nghĩ dại dột của bọn trẻ sẽ tan biến đi vì rừng Hương Sơn đã cạn kiệt rồi. Chúng đâu biết rằng rừng là “ lá phổi xanh” để ngăn dòng lũ lớn..

9-2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast