Ký ức tháng Tư

Trong cuộc đời của mỗi người đều có một miền ký ức. Tôi là một người lính trận - một người lính Hà Tĩnh. Đằm sâu trong ký ức tôi là những ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm không thể nào quên; là những cuộc đời, những con người không thể nào quên!

Tháng tư năm ấy, chúng tôi ở trong đội hình sư đoàn 341- sư đoàn sinh ra trên quê hương Nghệ Tĩnh nên còn gọi là sư đoàn Sông Lam, cùng đại quân thần tốc tiến về Sài Gòn. Ở tiểu đội tôi có một người đồng đội quê ở xã Xuân Đan, Nghi Xuân. Đó là một chàng trai mảnh mai, trắng trẻo như con gái, cái tên cũng thật con gái: Trần Anh Tú. Mang đầy chất Hà Tĩnh trong người, nên Tú cần cù, siêng năng và cũng nổi tiếng dũng cảm trong tiểu đoàn. Nỗi đam mê nhất của Tú là làm thơ, những câu thơ về tình yêu!

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975! - Ảnh: Internet.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975! - Ảnh: Internet.

Nhiều đêm, sau mỗi trận đánh hay sau một ngày hành quân mệt bã người, trong tiếng gào rú của máy bay giặc quần đảo trên đầu, của tiếng đạn bom, tiếng gió rừng và tiếng suối ngàn, nằm chung chiêng trên cánh võng, người đồng đội ấy lại đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ anh mới viết. Những câu thơ dịu ngọt và xanh mát. Lúc ấy, tiếng máy bay như chẳng còn hiện hữu, tiếng pháo bầy, tiếng bom chùm, cả ánh hỏa châu vàng úa cũng không còn.

Chúng tôi nghe từ những vần thơ của Tú tiếng ve râm ran trên những chùm phượng đỏ, tiếng chim hót trên cánh đồng trĩu nặng mùa vàng và lời dặn dò của ai trên bờ đê đẫm nắng ngày tiễn đưa ai nhập ngũ. Tú gọi những câu thơ tình yêu ấy là “ những câu thơ choàng quân phục! ”

Chúng tôi vào trận đánh mỗi ngày. Những ngày tháng tư năm ấy, như một linh cảm, Tú siết chặt tay tôi: “Chúng ta đang tiến về hướng Sài Gòn đồng hương ạ! Sài Gòn giải phóng, bà con ta trong nớ được giải phóng, được độc lập - tự do; quê hương mình, đất nước mình không còn bom đạn nữa. Chúng mình sẽ được trở lại trường học. Mọi người sẽ được tự do yêu nhau, xây đắp hạnh phúc! ”

Tình đồng chí - Ảnh: Internet.
Tình đồng chí - Ảnh: Internet.

Những năm tháng ấy, thời gian trôi đi nhanh quá, dữ dội quá. Dữ dội đến độ người lính chúng tôi không còn cảm giác thời gian nữa. Thời gian nhập nhòa màu lửa cháy, nhập nhào màu máu đỏ. Chỉ có màu xanh áo lính của chúng tôi và những câu thơ tình yêu của Tú cho chúng tôi nhận ra nơi này còn có màu xanh. Một màu xanh khát khao và hy vọng…!

Nhưng rồi người đồng đội yêu dấu ấy của chúng tôi đã không trở về. Ngày 9-4-1975, sư đoàn nhận lệnh nổ súng tấn công thị xã Xuân Lộc, cái chốt chặn kiên cố nhất của quân địch ở cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, mở màn chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh. Sau một tuần quần nhau với địch ta vẫn chưa giải phóng được cứ điểm kiên cố này. Bọn địch từ Bình Phước, từ Sài Gòn liên tục kéo đến tăng viện cho Xuân Lộc.

Đêm 11-4, tiểu đoàn tôi được lệnh vòng qua Xuân Lộc phục kích chặn đánh quân tiếp viện của đich cho căn cứ. Cả tiểu đoàn ém mình trong cánh rừng cao su chặn địch tiếp viện từ hướng ngã ba Dầu Dây đến. Mặc dù chúng tôi hành quân hết sức bí mật, nhưng hình như lũ quân tăng viện đánh hơi được điều gì bất ổn. Chúng cho máy bay rà soát trên đội hình mai phục của quân ta và tung một đại đội thám báo đi trước lùng sục.

Để đánh lạc hướng địch, Tú xung phong dẫn một tổ mặc giả quần áo du kích bí mật tách xa đội hình quân ta, nổ súng vào lũ thám báo. Bọn địch bị lừa, trúng kế của anh, hò nhau đuổi theo tổ chiến đấu của Tú, xa dần đội hình quân ta phục kích. Tú và những người lính anh hùng ấy vừa bắn vừa rút lui. Khi đã kéo địch ra xa đội hình phục kích của tiểu đoàn, các anh bắn đến viên đạn cuối cùng rồi lần lượt hy sinh. Chúng tôi ngồi trong công sự thấy rõ mồn một bọn thám báo kéo xác đồng đội mình ra mặt đường, ruột ai cũng như bị xát muối. Nhưng vì thắng lợi cuối cùng của trận đánh, đành phải cắn răng chịu đựng. Nhiều người cố ghìm tiếng nấc, có người đôi tròng mắt bật máu…!

Khi quân địch tưởng chúng chỉ đụng độ với toán du kích địa phương, cả trung đoàn địch không đề phòng gì cả kéo đến, lọt vào ổ phục kích của quân ta. Lệnh nổ súng! Chúng tôi xông lên bằng tất cả lòng căm thù và sức mạnh tình yêu đồng đội.

Trận đánh kết thúc rồi, đêm ấy trong cánh rừng tập kết, bên tôi không còn cánh võng của Tú nữa. Vậy mà, trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn thấy Tú bằng xương, bằng thịt đang ngồi trên cánh võng nơi chốn cũ, miệng mỉm cười, đang đọc cho tôi nghe bài thơ tôi hằng thích. Tỉnh dậy, người ướt đẫm mồ hôi, tôi như còn nghe lời thơ lãng đãng đâu đó trong tiếng suối chảy, tiếng gió ngàn…

Xung kích! - Ảnh: Internet.
Xung kích! - Ảnh: Internet.

Rất nhiều đêm, rất nhiều năm, hình ảnh người đồng đội ấy cứ hiện về cháy rát trong trái tim tôi. Và tôi hiểu, hình bóng người đồng đội ấy sẽ cùng tôi đi suốt cuộc đời. Tú đã đi xa. Người đồng đội - đồng hương Hà Tĩnh của tôi - đã đi xa, nhưng cuộc đời và những câu thơ anh còn đó. Anh đã đi vào ký ức tôi, đi vào ký ức của bao đồng đội. Một ký ức phục sinh trong chúng tôi bao điều tốt đẹp.

Và cứ mỗi độ tháng Tư về, nghĩ về đồng đội của mình trong tháng năm dữ dội và huy hoàng nhất của đời mình, của Tổ quốc mình ấy, trong tôi lại hiện về lấp lánh màu xanh quân phục sạm đen khói súng của Tú đang ôm súng lao lên trong ánh lửa cầu vồng. Trong tôi lại hiện về lấp lánh những câu thơ Tú vẫn thường đọc cho chúng tôi nghe những tháng năm trận mạc.

35 năm đã đi qua, cuộc đời Tú - người đồng hương Hà Tĩnh yêu quý của tôi - cuộc đời của bao người lính như anh và những câu thơ tình yêu trong lửa đạn vẫn còn sống mãi trong trái tim, trong nỗi nhớ, trong ký ức đồng đội, cao hơn số phận con người…!

Tháng 4-2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast