Ký ức xanh trên công trường Trạm bơm Linh Cảm

Người ngoài cuộc, ít ai nghĩ rằng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hoàng Trạch đã có một thời cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp thủy lợi tỉnh nhà; đặc biệt là thời kỳ ông được giao nhiệm vụ làm Phó chỉ huy xây dựng công trình thủy nông Linh Cảm. Giờ đây, mỗi lần nhắc lại kỷ niệm xưa, những hình ảnh và âm thanh náo nức của một thời sôi nổi và hào hùng dường như vẫn tươi nguyên...

Những thử thách đầu tiên

Tôi biết Nguyễn Hoàng Trạch từ thời ông còn làm Giám đốc Sở Thủy lợi Nghệ Tĩnh. Người ta vẫn thường nể trọng và khâm phục ở sự say mê, sáng tạo trong từng hoàn cảnh khác nhau và tinh thần tự lực, đi lên bằng chính mình. Câu chuyện mà tôi ghi lại hôm nay xuất phát từ câu nhận xét rất tình cờ của một người bạn trong lúc trà dư tửu hậu: “Nếu không có Trạm bơm Linh Cảm thì dân 3 huyện phía Bắc Hà Tĩnh hôm nay làm gì có chuyện dư lúa, thừa ngô được. Công ấy là của 3 vị Trần Quang Đạt (nguyên Chủ tịch tỉnh), Đinh Sĩ Nam (nguyên Phó Chủ tịch) và Nguyễn Hoàng Trạch. Ông Đạt chỉ đạo tầm xa, còn ông Nam, ông Trạch chỉ huy trực tiếp tại công trường”. Trong 3 người đó thì ông Đạt và ông Nam bây giờ đã về cõi vĩnh hằng; chỉ còn ông Trạch hiện đang cư trú tại đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh.

Kênh dẫn nước đầu nguồn Linh Cảm. Ảnh: Thế Cải
Kênh dẫn nước đầu nguồn Linh Cảm. Ảnh: Thế Cải

Tìm đến nhà ông, tôi để ý trên bàn của vị cựu Phó Chủ tịch tỉnh sắp xếp ngay ngắn từng cuốn sách về khoa học thủy lợi, bên cạnh những cuốn sách về chính trị và văn học. Ông Trạch bảo tôi “Mình không phải mệnh thủy nhưng nghề thủy lợi đã ăn sâu vào máu thịt mình. Cậu biết đấy, tóc mình sớm bạc cũng vì đau đáu làm sao có đủ nước bạc để dân đủ cày, đủ cấy quanh năm”. Câu nói của ông khiến tôi lặng người đi giây lát rồi tiếp tục nghe ông kể về những dòng ký ức xanh trong cuộc đời mình.

Ngày ấy, Nguyễn Hoàng Trạch mới 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp hệ chính quy Trường Đại học thủy lợi tại Hà Nội năm 1963, ông được phân về tỉnh Hà Tĩnh công tác. Gặp chàng sinh viên trẻ đầy mơ mộng, ông Trần Quang Đạt - Giám đốc Ty thủy lợi Hà Tĩnh nói: “Vừa có sức khỏe, lại được đào tạo chính quy, số người như cậu ở đây hiếm lắm, vì vậy, cậu phải có niềm tin ở mình để không ngừng rèn luyện và phấn đấu”. Rồi vị Trưởng ty còn giải thích thêm: “Dân xứ Nghệ mình nghèo lắm. Nghèo vì hạn hán, nghèo vì bão lụt liên miên. Cậu cũng sinh ra từ núm ruột nghèo đó đi lên, nên bây giờ cậu phải giúp dân làm được công trình thủy lợi, để có nước sản xuất lúa, khoai…”. Gặp nhau chỉ trong khoảnh khắc, nhưng “cái buổi ban đầu” ấy, vẫn neo mãi trong tâm khảm ông Nguyễn Hoàng Trạch đến bây giờ. Ông Trạch bảo: “Không phải chỉ có mình, lớp trẻ thời ấy ai cũng vậy, được cấp trên tin và giao nhiệm vụ là sướng rồi. Khổ mấy cũng chịu đựng được khi con người có trái tim lửa…”.

Công trình xây dựng Trạm bơm Linh Cảm vừa làm lễ khởi công chưa đầy 3 tháng. Bấy giờ, cả một núi công việc đang dồn lên đôi vai ông. Mục tiêu đặt ra trong lúc này là đào móng, phấn đấu trong 3 tháng phải đào được gần 10 vạn m3 đất để bước sang năm 1964, công trình Trạm bơm Linh Cảm có thể vận hành và đưa nước lên kênh. Trong tay ông Nguyễn Hoàng Trạch lúc này chỉ có 1 bản vẽ thiết kế của Bộ Thủy lợi. Chủ đồ án thiết kế là Phạm Đình Hòe và Nguyễn Xuân Lâm, cả 2 vị kỹ sư tài năng này đều được đào tạo từ Nga về. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cả ông Lâm và ông Hòe đều là người con quê hương Đức Thọ.

Để thiết kế một công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung lúc bấy giờ, không biết bao nhiêu đêm ông Hòe và ông Lâm đã chong mắt thức trắng dưới ngọn đèn. Đằng sau đó còn có bộ chỉ huy, giám sát, thẩm định bản thiết kế như Đại tá Lê Tính (Viện trưởng Viện Thiết kế quân đội), ông Vũ Khắc Mẫn - kỹ sư thâm niên từ hồi Pháp thuộc. Rồi đến Thứ trưởng Đào Trọng Kim phụ trách duyệt nội dung trước lúc khởi công. Người được giao đọc, nghiên cứu và thực thi nghiêm túc bản thiết kế này lại là chàng sinh viên Nguyễn Hoàng Trạch 23 tuổi, mới ra trường.

“Ăn gió nằm sương” trên công trường

Ông Nguyễn Hoàng Trạch nhớ lại: Đây là thời gian khổ nhưng cũng là thời vàng son của cuộc đời mình. Bởi khí thế xây dựng công trình thủy lợi Trạm bơm Linh Cảm đã trở thành trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ông Trần Quang Đạt làm “vị Tư lệnh tầm xa”, ông Đinh Sĩ Nam làm Chỉ huy trưởng công trình. Ngoài ra, cứ mỗi tuần, ông Nguyễn Xuân Linh - Bí thư thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch UBND tỉnh lại đến trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công trạm bơm một lượt.

Ông Trạch bảo: “Tiếp xúc với các vị lãnh đạo tỉnh ta hồi ấy, mình có 3 điều phục: phục kiến thức thực tiễn rất phong phú, phục ý chí tiến công mãnh liệt, phục vì “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”. Những ngày ấy, ông làm việc như một cỗ máy vượt quá công suất, nhiều lúc mệt phờ người nhưng ông vẫn mãn nguyện và hạnh phúc. Ông Nam bảo ông Trạch: “Cậu cần bao nhiêu quân, huy động bao nhiêu vật tư, thiết bị, lên kế hoạch thật cụ thể là mình đáp ứng kịp thời”. Giữa lời nói của ông Nam và hành động của ông cứ răm rắp như người lính bước vào hàng quân.

Mỗi ngày, trên công trường đều rộn tiếng ca. Các chi đoàn, tổ đội, đơn vị năng suất gấp 2, 3 lần so với dự định. Ông Trạch tâm sự: “Máy phát điện chạy suốt ngày, suốt đêm. Tôi cùng với 10 cán bộ kỹ thuật thay nhau bám công trình quên ngày, quên tháng. Lúc đầu, tóc tốt cứ lấy kéo tự cắt cho nhau và sướng nhất sau mỗi chiều mặt trời lặn được tắm nước sông La”.

Để tiện làm việc gần công trường, ông Trạch cùng với mấy anh em xin nghỉ nhờ tại nhà bác Hạnh – một nông dân nghèo nhưng tính tình rất cởi mở... Ông Trạch nhớ cả cửa hàng giải khát huyện Đức Thọ phục vụ ăn uống cho những cán bộ tham gia xây dựng công trình Trạm bơm Linh Cảm. Chao ôi! Mỗi sáng được điểm tâm những chiếc bánh mì hay bánh sắn được các chị phục vụ rán lên, bây giờ nghĩ lại, ông vẫn thấy ngon và thòm thèm. “Chiến dịch xây dựng Trạm bơm Linh Cảm trong 3 tháng đầu đó là thử thách đầu tiên trong cuộc đời mình. Nhưng điều may mắn nhất đối với mình là được Bộ Thủy lợi tin, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tin và dân tin” - ông Trạch xúc động nhớ lại.

Ký ức xanh trên công trường Trạm bơm Linh Cảm ảnh 2
Ký ức xanh. Ảnh: Lucbat.vn

Sau khi thành công giai đoạn đầu đào chân móng, Nguyễn Hoàng Trạch cùng anh em tiếp tục bước sang giai đoạn 2: đổ bể tông, lắp máy và xây dựng hệ thống điện. Bộ Thủy lợi đã bổ sung cho ban thi công công trình Linh Cảm thêm 40 người nữa. Trên cơ sở tính toán và đề xuất của Nguyễn Hoàng Trạch, Bộ Thủy lợi tiếp tục đưa vào các nhóm thợ mộc, thợ sắt, thợ nề (mỗi nhóm 10 người) có trình độ và tay nghề cao...

Khi đã có nhân lực, dĩ nhiên phải có vật lực, thế là mọi công việc như chuẩn bị cát, đá, sỏi, xi măng, cốt pha lúc này, Ban chỉ huy công trường đều phải lên kế hoạch và lịch trình rất khoa học. Nguyễn Hoàng Trạch bàn với Đinh Sĩ Nam thành lập ngay một bộ phận cung ứng vật tư tại khu vực sát chợ Hạ. Để vật tư đưa về vừa theo đúng tiến độ vừa đảm bảo chất lượng, ngoài các cán bộ, nhân viên coi giữ vật liệu cẩn thận còn có 1 tổ kiểm tra nghiêm túc, kỹ càng từng hạt cát, viên sỏi, đến thanh gỗ làm vật dụng cốt pha. Khối cát nào bị dính tạp chất đều đưa ra sàng lọc lại, thanh thép nào bị han rỉ lập tức chuyển sang sân sau.

Ông Trạch bảo: “Ngoài bộ khung làm việc thường ngày, Ban chỉ huy tiếp tục về tuyển chọn những người thợ giỏi để phục vụ cho công việc xây dựng trạm bơm. Thế là 30 thợ rèn Trung Lương làm công việc uốn thép làm khung dầm, 50 thợ mộc Thái Yên làm cốt pha. Rồi hàng trăm thợ xây, phụ nề từ Đức Thủy, Tân Trường lên... Có được công trình xuyên suốt thế kỷ như Trạm bơm Linh Cảm, tôi nhận ra một điều sâu sắc rằng: thành tích của tôi còn bé nhỏ lắm, thành tích nhân dân mới vĩ đại. Họ vừa có sức khỏe lại vừa có bàn tay vàng. Cái hay của thời gian khổ ấy là huy động được nguồn lực tại chỗ”. Cao điểm nhất là thời gian đổ bê tông công trình, suốt đêm cùng cán bộ kỹ thuật điều hành và giám sát, Nguyễn Hoàng Trạch cùng tập thể thức trắng, 3 ngày gói cơm nắm ăn tại hiện trường và áo quần không kịp giặt giũ.

Đến tháng 3/1964, việc xây dựng công trình Trạm bơm Linh Cảm theo đồ án thiết kế kỹ thuật cơ bản đã hoàn thành. Tầng 1 của trạm bơm đã bắt đầu bước sang lắp đặt máy. Vào mùa hè năm 1964, 2 chiếc máy đầu tiên chạy thử tưới 900 ha đồng ruộng Đức Thọ giữa tiếng reo vui vỡ trời, vỡ đất của nhân dân. Ông Đinh Sĩ Nam ghé tai nói với Nguyễn Hoàng Trạch: “Thế là đã thực sự làm được việc lợi lớn cho dân rồi”…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast