Lành mạnh hóa truyền thông internet

(Baohatinh.vn) - Xuất phát từ thực trạng một số báo điện tử và các trang mạng vi phạm pháp luật hiện hành vì cung cấp thông tin bịa đặt, sai thực tế và phản cảm, Bộ TT&TT đã liên tục có nhiều quyết định xử phạt hành chính hay thu hồi giấy phép hoạt động. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng góp phần lập lại trật tự, lành mạnh hóa môi trường thông tin điện tử tại Việt Nam.

Khi chất lượng không tỷ lệ thuận với tốc độ

Kể từ ngày 1/12/1997, internet chính thức cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Trải qua 17 năm phát triển, internet nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội. Chỉ cần một phép so sánh nho nhỏ về lượng người dùng, sẽ thấy ngay quá trình bùng nổ internet ở nước ta. Từ 1,8 triệu người trong giai đoạn 1997-2003, đến nay đã tăng lên hơn 36 triệu người. Đặc biệt, theo kết quả thống kê gần đây, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia mà lượng người dùng internet có độ tuổi trẻ nhất khu vực. Trong đó, độ tuổi từ 15-24 chiếm 42%, từ 25-34 chiếm 32%. Con số này cho thấy, việc sử dụng internet nói chung, cũng như thông tin trên mạng nói riêng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của giới trẻ.

Lành mạnh hóa truyền thông internet ảnh 1
Ảnh minh họa từ internet

Tốc độ phát triển chóng mặt của internet đánh dấu kỷ nguyên bùng nổ thông tin. Công chúng hiện đại không chỉ tiếp nhận thông tin qua những phương tiện truyền thông đại chúng như báo in, phát thanh, truyền hình, mà nay còn có thêm báo mạng. Tính đến thời điểm này, nước ta có khoảng 70 báo điện tử và hơn 265 trang thông tin điện tử. Với ưu thế vượt trội của internet, số lượng báo điện tử và các trang tin còn tiếp tục tăng trong tương lai. Thế nhưng, việc tăng số lượng thông tin internet lại không tỷ lệ thuận với chất lượng. Không gian mạng giống như “chợ trời” khổng lồ, với đủ “thượng vàng, hạ cám”. Việc kết nối internet mở ra một kho thông tin không giới hạn, giúp phát triển kinh tế, văn hóa và những tiện ích trong cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó, internet cũng mang đến không ít thông tin “bát nháo”, vô bổ, thậm chí là tạo ra nhận thức lệch lạc. Điều đáng nói ở đây, là một số báo mạng hay trang thông tin điện tử cũng “tiếp tay” cho việc truyền tải những thông tin phi văn hóa và phản giáo dục.

Lướt qua một vài trang thông tin điện tử, độc giả dễ dàng tìm thấy hàng loạt bài báo được giật tít với những động từ hay tính từ biểu cảm mạnh như: “kinh hoàng”, “giật mình”, “đắng lòng”, “lộ hàng”, “bỏng mắt”… Mục đích của tít bài giật gân không gì khác ngoài việc thu hút lượt truy cập của độc giả.

Ngôn ngữ báo chí tác động trực tiếp đến hiệu quả tiếp nhận thông tin của công chúng, nên cần phải có chuẩn mực. Ngôn ngữ báo chí phải được xã hội chấp nhận và phù hợp với từng quy luật phát triển nội tại của xã hội theo từng giai đoạn. Nói như vậy không có nghĩa là kìm hãm đổi mới, sáng tạo. Sử dụng ngôn ngữ là cách để đóng dấu phong cách nhà báo. Nhưng sáng tạo ngôn ngữ, yêu cầu sự tỉnh táo của người cầm bút. Bởi, cách tân phải phù hợp với cái chuẩn, cái đúng, phù hợp thuần phong mỹ tục và được chấp nhận.

Lành mạnh hóa truyền thông internet ảnh 2
Theo thống kê, Việt Nam là một trong 2 quốc gia có lượng người dùng internet trẻ nhất khu vực. Ảnh minh họa từ internet

Một trong những tiêu chí đánh giá tít bài hay là đem đến sự hấp dẫn từ những thông tin mới lạ, độc đáo. Thế nhưng, không thể đánh đồng việc cố tình gây sốc với một tít hay. Những tít bài gây “méo mó” tiếng Việt, đi kèm với đó là những bài viết nội dung nhảm nhí, hời hợt sẽ có tác động xấu tới thẩm mỹ và nhận thức của người tiếp nhận. Đánh vào tâm lý tò mò của người đọc, các trang mạng cung cấp hàng loạt thông tin soi mói đời tư của các ngôi sao, ca sĩ, những người nổi tiếng, hay các vụ cướp - hiếp - giết rùng rợn, gây cho người đọc sự mất niềm tin vào xã hội. Điều này đi ngược lại với nhiệm vụ nâng cao trình độ dân trí, định hướng thẩm mỹ cho bạn đọc của báo chí.

Hiện nay, thông tin trên báo mạng không chỉ dừng lại ở những cái tít gây sốc, một số trang tin điện tử còn có tình trạng cung cấp thông tin thiếu kiểm chứng và thiếu chính xác, nghiêm trọng hơn là nhằm bôi xấu hình ảnh của quan chức nhà nước, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng. Nếu những thông tin thiếu định hướng, phản giáo dục này không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ ảnh hưởng xấu đến giới trẻ - tầng lớp chiếm tỷ lệ sử dụng internet lớn nhất ở Việt Nam.

Lập lại “trật tự ảo”

Xuất phát từ thực trạng nhiều thông tin được đăng tải lên mạng sai lệch, phản cảm và không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, Bộ TT&TT cũng như các cơ quan chức năng ngày càng thắt chặt việc quản lý, cũng như rà soát lại các trang mạng thông tin tổng hợp.

Lành mạnh hóa truyền thông internet ảnh 3

Trang thông tin Haivl.com đã bị Bộ TT&TT xử phạt 205 triệu đồng, đồng thời rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn.

Từ đầu năm đến nay, đã có 33 trường hợp thuộc 26 cơ quan báo chí bị xử phạt, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Nhiều vụ xử phạt thu hút sự quan tâm của dư luận như: đình chỉ hoạt động 3 tháng và phạt 200 triệu đồng đối với báo “Trí thức trẻ” vì bài viết “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ”; trang 2sao.vn bị phạt 55 triệu đồng và tước giấy phép 3 tháng do hành vi xúc phạm danh nhân qua bài “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Gần đây nhất, dư luận quan tâm đến vụ xử phạt 205 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động của trang mạng xã hội haivl.com.

Đây là trang mạng giải trí được Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cấp giấy phép hoạt động từ cuối tháng 3/2013, đã nhanh chóng trở thành một trong những website có số lượng người truy cập, nhiều thành viên nhất Việt Nam. Mang danh là một trang web giải trí nhưng haivl.com chứa đựng những hình ảnh khiêu dâm, dung tục. Ngoài ra, còn cung cấp, trao đổi và truyền đưa thông tin có nội dung xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng dân tộc. Việc đóng cửa vĩnh viễn haivl.com đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ dư luận vì đã hạn chế được một kênh thông tin không lành mạnh và tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Với việc xây dựng “Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020”, Bộ TT&TT tạm dừng việc cấp phép thành lập các cơ quan báo chí. Song song với đó là sự phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ kiểm tra, thanh tra chặt chẽ để lập lại trật tự, an toàn trong môi trường internet cũng như hạn chế báo mạng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thông tin giật gân, câu khách. Dự thảo đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 xác định báo điện tử sẽ đóng vai trò chủ lực, thì việc tăng cường kiểm soát, thanh tra của các cơ quan chức năng vô cùng cần thiết nhằm tạo ra văn hóa internet lành mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast