Lao động trở về từ Libya - Sau niềm vui sum họp là những nỗi buồn

Theo thống kê sơ bộ, 13/13 xã của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đều có lao động sang làm việc tại Libya với tổng số 129 người. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết số lao động đó đã trở về nước an toàn. Sau niềm hạnh phúc trong ngày đoàn tụ, cuộc sống của họ giờ đây lại bắt đầu với những chuỗi ngày lo toan trước những khoản nợ nần chồng chất và kế mưu sinh.

Trở về từ "miền đất chết"

Dù đã trở về nhà hơn 10 ngày nay, nhưng khi nhắc lại những kỷ niệm khó quên trong chặng hành trình thoát khỏi vùng đất bạo loạn và chết chóc, gương mặt non nớt của Nguyễn Ngọc Ánh ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim (Lộc Hà) vẫn còn nguyên những nét bàng hoàng.

Ánh cho biết: “Nhóm chúng em có khoảng hơn 100 người, phải nằm vật vã ở sân bay Libya. Hơn 2 ngày chờ đợi mới có máy bay đến đón sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đây mỗi ngày 2 người được phát một ổ bánh mỳ nhưng nhiều lúc cũng bị quân phiến loạn cướp mất. Đói quá chúng em phải bứt cỏ để ăn.

Cái ăn đã thế nhưng cái ngủ còn đáng sợ hơn nhiều. Chỉ nguyên bộ quần áo trên người nên ban đêm ở sân bay rất lạnh, chúng em phải chui vào những chiếc ô tô hỏng nằm rải rác ở sân bay để trú ẩn cho đỡ rét. Sợ nhất là những làn đạn lạc do quân đội ở nơi đây đi rà soát dân bạo loạn và biểu tình. Giờ đã về nhà rồi nhưng trong giấc ngủ em vẫn còn giật mình thon thót”.

Niềm vui sum họp của gia đình anh Triển ở xóm 7, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà)
Niềm vui sum họp của gia đình anh Triển ở xóm 7, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà)

Dù không ở cùng nhóm chạy loạn với Ánh, nhưng đối với anh Lê Doãn Triển ở xóm 7 xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) thì quãng thời gian gần nửa tháng cầm cự để tìm đường trở về quê hương cũng lắm nỗi gian truân. Anh tâm sự: “Ngay khi nhà máy đình công, những lao động người Việt được ở tập trung theo từng lán từ 50-60 người. Hơn 1 tuần liền nằm chờ tàu sang Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi ngày, chúng tôi được cấp mỗi người 2 môi cháo nấu từ bột làm bánh mỳ. Đói quá nên chúng tôi đành nhặt cỏ xung quanh lán để ăn.

Thế nhưng, có những lúc cỏ cũng không có mà ăn bởi có khi vừa ra khỏi lán là đạn bay vèo ngang mặt, xung quanh là tiếng súng nổ ngày đêm không ngớt. Những lúc như thế anh em đành cố thủ trong lán và cùng nhau cầu mong vào một phép màu. Thế rồi niềm vui trở thành sự thực khi chúng tôi đặt chân sang đất Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đây, chúng tôi cảm thấy thực sự được sống dù mỗi bữa cũng chỉ được ổ bánh mỳ nhỏ và nước uống, nhưng hành trình ngày trở về đã bắt đầu tươi sáng hơn.

Cũng là một trong số những lao động trở về từ miền đất bạo loạn nhưng so với Ánh và anh Triển, lao động Nguyễn Minh Danh ở thôn Long Hải, xã Thạch Kim lại có phần may mắn hơn khi không phải chịu đựng những cơn đói thắt lòng. Dù vẫn phải đối mặt với nỗi lo mỗi khi quân phiến loạn mang súng ống, gậy gộc xông vào cướp điện thoại của anh em trong đoàn và nỗi sợ hãi khi sống giữa 2 làn đạn của quân đội và quân phiến loạn, nhưng trong quãng thời gian hơn 20 ngày lưu lạc mỗi ngày anh em vẫn có vài ổ bánh mỳ và nước uống.

Trở về từ "miền đất chết", mỗi lao động đều chỉ còn lại mỗi bộ quần áo trên người nhưng đối với họ niềm hạnh phúc nhất là đã được sống, đã được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, người thân.

Sau niềm vui là những nỗi lo mưu sinh

Theo báo cáo của phòng LĐTB&XH huyện Lộc Hà, toàn huyện có khoảng 129 lao động xuất khẩu sang Libya, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Thạch Kim (40 người) và Thịnh Lộc (36 người).

Ông Tô Đình Đính - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Lộc Hà cho biết: “Hầu hết số lao động này đều đi từ cuối năm 2010. Hiện tại, chúng tôi chưa thể thông kê được số vốn vay để làm thủ tục xuất khẩu của các lao động tại các ngân hàng nhưng ước đoán rằng con số đó rất lớn. Bởi, thực tế hầu hết những người đi xuất khẩu lao động đều có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm. Bôn ba ở xứ người cũng chỉ vì miếng cơm manh áo và khát vọng đổi đời. Nhưng do hoàn cảnh nên vô tình cuộc sống của họ lại càng khó khăn hơn trước”.

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, vòng vèo qua những con hẻm nhỏ quanh co chúng tôi cũng tìm được nhà Ánh. Căn nhà chật hẹp khoảng 20m2 là chỗ trú ngụ cho 6 người. Ông Nguyễn Văn Bốn - bố của Ánh tâm sự: “Thực sự đây là nhà của bà chị , chúng tôi chỉ là những người ở nhờ thôi. Tôi năm nay tuổi đã cao, bản thân lại bị tàn tật nên không làm được việc gì cả. 6 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào gánh hàng của bà nhà.

Ánh là con đầu, hoàn cảnh khó khăn nên đành dở dang việc học, gom góp đồng vốn để dành cùng với vay thêm của ngân hàng 20 triệu nữa cho con đi xuất khẩu với hy vọng đổi đời, nhưng không ngờ sự thể lại như thế. Giờ đây, cuộc sống của chúng tôi càng khó khăn hơn khi hàng tháng phải gánh thêm khoản lãi suất ngân hàng. Không biết cuộc sống của chúng tôi và việc học hành của mấy đứa còn lại sẽ ra sao trong những tháng ngày tiếp theo. Tôi chỉ mong nhà nước và các cấp chính quyền tạo điều kiện để chúng tôi giãn nợ ngân hàng, đồng thời tạo cơ hội để con chúng tôi tìm kiếm việc làm, giải quyết khó khăn trước mắt”.

Gánh nặng mưu sinh đang là nỗi lo với lao động Nguyễn Minh Danh ở xã Thạch Kim
Gánh nặng mưu sinh đang là nỗi lo với lao động Nguyễn Minh Danh ở xã Thạch Kim

Cùng nỗi niềm với ông Bốn, ông Lê Doãn Kiến ở xóm 6, xã Thịnh Lộc như đang ngồi trên đống lửa khi đối diện với những khoản nợ chồng chất. Đồng đất cát bạc màu của quê hương không đủ nuôi 5 miệng ăn của gia đình nên ông đành cắm sổ đỏ cho ngân hàng vay tiền để con trai đi xuất khẩu lao động.

Với hy vọng cuộc sống sẽ được đổi thay nhờ đồng lương của con từ nước ngoài gửi về nên chỉ sau 1 năm khi con trai là Lê Doãn Phú sang làm việc ở Libya, ông Kiến tiếp tục chạy vạy những người thân và vay lãi nóng để người con thứ là Lê Doãn Quý tiếp tục hành trình nối gót anh trai.

Trước Tết nguyên đán, Phú bị nhà máy phá vỡ hợp đồng do tình hình bất ổn nên đành trở về nước trước thời hạn trong lúc nợ ngân hàng vẫn còn phân nửa. Chiến sự ở Libya ngày càng trở nên nóng bỏng nên cũng chỉ sau 6 tháng sang nước bạn, giờ đây, Quý bắt đầu chặng hành trình trở về trên chuyến tàu thuỷ dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng vào ngày 21 tới.

"Mỗi cây mỗi hoa" nhưng đối với những gia đình có lao động đi xuất khẩu ở Libya của huyện Lộc Hà dường như đều cùng chung cảnh đối mặt với đói nghèo và nợ nần chồng chất. Anh Triển ở Thịnh Lộc cho biết: “Gia đình 4 miệng ăn của chúng tôi chỉ có 24 thước ruộng. Làm được gian nhà nhỏ để che mưa che nắng cũng đang phải gánh nặng nợ nần. Vợ chồng đành bàn nhau liều vay thêm ngân hàng và vay lãi nóng cho tôi đi xuất khẩu lao động nhưng nay xảy ra bạo loạn may mà người trở về được bình yên, còn tổng các khoản nợ tới 70 triệu đồng. Bây giờ, mỗi tháng lo kiếm tiền để trả lãi suất và nuôi con đã là một điều quá sức. Tôi chỉ mong sao được các cấp chính quyền và ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn để tiếp tục đi XKLĐ may ra mới kiếm được tiền trả nợ”.

Để chia sẻ khó khăn với những lao động vừa trở về từ Libya, vừa qua lãnh đạo huyện Lộc Hà đã đến thăm hỏi và động viên một số lao động vừa trở về. Ngay sau đó huyện đã có công văn chỉ đạo các xã nắm tình hình về số lượng người đi XKLĐ, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, động viên. Huyện đã có kế hoạch làm việc với các ngân hàng trong việc góp phần tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ cho các đối tượng.

Ông Tô Đình Đính - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện biết thêm: “Điều thiết thực nhất bây giờ để giúp đỡ các đối tượng này là sắp tới, huyện sẽ nhận 211 tấn gạo cứu đói giáp hạt phân phát về các hộ khó khăn ở xã và chúng tôi sẽ ưu tiên cho các gia đình khó khăn có người trở về từ Libya”.

Ngoài việc đặt vấn đề với một số doanh nghiệp đang triển khai các công trình, dự án trên địa bàn nếu có nhu cầu tuyển lao động nên ưu tiên nhận những đối tượng này, huyện cũng đang dự kiến trích một phần quỹ đảm bảo xã hội để động viên thăm hỏi các đối tượng.

Thực hiện công văn chỉ đạo của huyện, hiện nay, các địa phương ở huyện Lộc Hà đang xúc tiến các hoạt động thăm hỏi, động viên các lao động vừa trở về từ vùng nội chiến, đồng thời liên hệ với trường dạy nghề Phạm Dương tạo điều kiện đào tạo nghề cho con em nếu họ có nhu cầu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast