Lợi dụng ngoại cảm lừa đảo phải xử nghiêm

Cần xử lý những người lợi dụng, hoặc cường điệu khả năng để lừa đảo, đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm như tìm hài cốt liệt sĩ.

Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trao đổi với báo chí, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Hiện tượng ngoại cảm và khả năng ngoại cảm là có thật. Người có khả năng đó dùng ngoại cảm để giúp đỡ một số việc là tốt. Chỉ có điều, một số người lợi dụng, hoặc cường điệu khả năng dẫn đến lừa đảo. Điều đó thực sự không tốt, đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm như tâm linh.

PV: Vừa rồi, Ngân hàng Chính sách xã hội chi 75 triệu đồng /mộ và đã chi gần 8 tỷ chi ra để tìm hài cốt liệt sĩ. Ý kiến của ông về những việc mà NH này đang làm?

Ông Đào Trọng Thi: Nếu họ làm đứng đắn, có kết quả thật thì chi bao nhiêu phải tính toán, trả công người làm. Nhưng vấn đề đặt ra là họ có làm nghiêm túc hay đây là sự lừa đảo? Phải làm rõ. Nếu chứng minh là lừa đảo thì phải xử lý.

PV: Ngay cả nhà ngoại cảm tên tuổi hàng đầu Việt Nam thì cũng đã có dự báo sai khi tìm mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên, bản thân ông nhìn nhận việc này như thế nào?

Ông Đào Trọng Thi: Không ai nói ngoại cảm chính xác 100%. Nếu họ dự báo sai, không chính xác thì đó cũng là điều rất bình thường. Chỉ có điều , một mặt những người đó phải thông báo trung thực kết quả của ảnh, khả năng chính xác đến đâu, và đặc biệt không được cố tình lừa dối. Tôi nghĩ, không ai dám nói rằng ngoại cảm là đúng hết, chỉ có điều biết đến, đâu, đúng đến đâu thì nói đến đó thôi.

PV: Vậy vụ tìm hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên có nên xem xét ở khía cạnh hình sự?

Ông Đào Trọng Thi: Có hình sự hay không thì phải xem xét cụ thể, xem có lưa đảo hay không, và thứ hai là thỏa thuận như thế nào.

PV: Thực tế, không ít trường hợp họ có ý đồ trục lợi ngay từ ban đầu bằng ngoại cảm, thưa ông?

Ông Đào Trọng Thi: Đương nhiên đó là lừa đảo là vi phạm pháp luật phải xử lý thật nghiêm.

Chuyện công nhận nhà ngoại cảm cũng khó, vì không thể dùng phép đo nào để kiểm tra, chủ yếu là do uy tín của con người thôi. Quan trọng anh hành nghề phải đăng ký, khi anh cũng cấp dịch vụ anh phải có hợp đồng để về sau mới xem xét anh có vi phạm hay không.

Thời gian vừa rồi xảy ra sự cố cũng do người dân quá tin tưởng nhà ngoại cảm. Cũng có người giải quyết nhu cầu tâm lý nên chưa chắc đã muốn đi kiểm tra lại, dù có thể anh chưa tin 100%.

PV: Ở góc độ quản lý nhà nước, cần quản lý như thế nào để tránh tình trạng thật – giả lẫn lộn như hiện nay, thưa ông?

Ông Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ ngoại cảm vài năm trước rộ lên, làm sửng sốt mọi người vì thực sự lúc đó có kết quả tốt. Một số trường hợp rất chính xác và giúp được một số gia đình tìm được mộ người thân. Có lúc các nhà ngoại cảm đã được xã hội tin tưởng hơn mức bình thường. Nhưng một số năm gần đây tôi thấy họ bắt đầu có sai sót, kể cả có sự cố tình lừa đảo nên người ta bắt đầu đề phòng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có quy định hạn chế bớt chuyện nhà ngoại cảm hoạt động vượt quá mức năng lực của họ.

PV: Nhưng quy định dường như chưa đủ để ngăn các nhà ngoại cảm xưng danh vượt quá khả năng của mình, thưa ông?

Ông Đào Trọng Thi: Đúng thế. Nhưng tôi nghĩ, có hai vấn đề nhà nước và cơ quan quản lý phải có quy định chặt chẽ trong việc hành nghề. Nếu họ dùng năng lực ngoại cảm đẻ hành nghề thì mình mới quy định được. Tức là quy định về hành nghề tìm mộ... Còn bản thân người ta hoạt động, phát huy năng lực của họ thì chẳng có gì vi phạm. Nó chỉ vi phạm, dính đến pháp luật khi nó dùng hoạt động đó để làm các dịch vụ.

Tôi ví dụ như hoạt động tìm kiếm mộ, hài cốt. Nhà nước phải quy định, nhà ngoại cảm làm việc đó phải đăng ký hành nghề. Là cơ sở để quản lý. Quy định hành nghề thì trách nhiệm của anh ra sao. Về sau anh vi phạm thì tôi sẽ xử lý. Nếu anh đi tuyên truyền một việc mà vượt khả năng của anh hoặc anh cam kết hợp đồng với người ta mà không hoàn thành như tìm hài cốt không đúng, đưa hài cốt giả. Nhưng cùng với đó, người sử dụng dịch vụ đó thay vì tin tưởng bây giờ nên kiểm tra, giám định ADN xem có chính xác không. Còn nếu là xương chó, xương lợn, xương mèo thì càng dễ, chẳng cần ADN cũng xác định được.

PV: Sau tất cả những gì đã xảy ra, theo ông, chúng ta nên ứng xử với những người có khả năng ngoại cảm như thế nào và có nên khuyến khích tìm mộ bằng ngoại cảm?

Ông Đào Trọng Thi: Tôi cho rằng ở đây có hai phần: thứ nhất ta nên có sự hỗ trợ cho người có khả năng, có cách tổ chức khai thác khả năng của họ. Mặt khác, phải có cách giáo dục, động viên tuyên truyền cho những người đó làm việc chânh chính.

Người có năng lực ngoại cảm thực sự nên hình thành tổ chức của mình, giúp nhau nâng cao năng lực cá nhân, giám sát khuyến khích nhau hoạt động đúng pháp luật, khuôn khổ đạo đức của người Việt.

Còn việc có nên khuyến khích hay không? Tôi nghĩ là nên khuyến khích nếu hoạt động đó là nghiêm túc và hợp pháp, vì ngoại cảm là có thật không phủ nhận được, cả thế giới công nhận. Nhưng dùng nó như thế nào, sử dụng có hiệu quả, đừng đặt nó cao hơn khả năng, còn nếu mình cấm thì cũng không phải. Vì đây là vấn đề khóa học, phải công nhận, đó là khách quan không có gì lừa dối.

Bây giờ mình phải tiến lên quan lý dịch vụ đó, hành nghề ngoại cảm thì phải cấp phép. Còn cơ quan nghiên cứu cũng chỉ có chức năng nghiên cứu chứ không phải hành nghề. Đó là hai chuyện khác nhau.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Nguồn: Vov.vn

Vũ Hạnh/VOV online (ghi)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast