Lời khẩn cầu suốt 23 năm của người mẹ liệt sỹ

Trong căn nhà lạnh lẽo, tài sản đáng giá nhất là cỗ quan tài để dưới chiếc bàn thờ của người con đã anh dũng hy sinh, đã 23 năm, người mẹ già vẫn mòn mỏi chờ đợi một ngày con trai mình được công nhận là liệt sỹ...

Hy sinh anh dũng

Di ảnh Trung sĩ Nguyễn Trí Thuyên
Di ảnh Trung sĩ Nguyễn Trí Thuyên

Theo tài liệu lưu trữ tại Sư đoàn 337, ngày 19-10-1989, Đại đội 27 thuộc Phòng Tham mưu Sư đoàn 337, Quân đoàn 14 đã thực hiện chuyến hành quân khẩn trương và bí mật, nhằm bàn giao kịp thời 6 chiếc xe pháo dàn 5M-13H cho Tổng cục kỷ thuật thuộc Bộ Quốc phòng tại cảng Hải Phòng để tăng cường vũ khí, trang bị kỹ thuật bảo vệ biên giới trên biển. Chuyến hành quân lịch sử, đòi hỏi tuyệt đối bí mật, an toàn. Là một chiến sỹ lái xe có phẩm chất và kinh nghiệm của Sư đoàn 337, Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên, sinh năm 1965 (quê Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) được giao nhiệm vụ cấp bách này. Nhận nhiệm vụ cao cả, xác định rõ tính chất quan trọng và cả những hiểm nguy đang rình rập nhưng với tinh thần chiến sỹ, tất cả vì Tổ quốc thân yêu, Trung sỹ Thuyên sẵn sang lên đường. Chuyến hành quân ban đêm, hành trình phải đảm bảo yếu tố bí mật nên đoàn xe lầm lũi bật đèn gầm trong suốt cả cung đường đầy thách thức. Từ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về xuôi, Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, đảm bảo bí mật tuyệt đối theo yêu cầu. Tuy nhiên, do xe bị hỏng tay lái (như biên bản khám nghiệm xác nhận) nên anh đã anh dũng hy sinh tại tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Giang) vào lúc 0h25’ ngày 19-10-1989.

Trung sỹ Thuyên hy sinh khi mới tròn 24 tuổi. Anh ra đi để lại người vợ trẻ Ngô Thị Bình đang mang thai đứa con gái đầu lòng ở tháng thứ 7. Ở quê nhà, người mẹ già Nguyễn Thị Đậu đã ngất lên, ngất xuống khi hay tin người con trai duy nhất đã hy sinh.

Bằng chứng xác thực

Sau khi Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên hy sinh, Sư đoàn 337 đã có Giấy báo tử số 556 ngày 10-6-1990 do Trung tá Nguyễn Văn Cơ - Phó Sư đoàn ký, ghi rõ: “Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên đã hy sinh trong trường hợp lái xe phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu” và “được xác nhận là Liệt sỹ”, mai táng tại Nghĩa trang Nà phàn, xã Hoàng Đồng- thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn). Tiếp đó, ngày 10-6-1990 Sư đoàn 337 đã có thư chia buồn gửi gia đình Liệt sỹ Thuyên, khẳng định: “Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, đồng chí Nguyễn Trí Thuyên đã cùng đồng đội nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao và đã hy sinh vẻ vang ngày 19-10-1989”.

Giấy báo tử và giấy xác nhận, đề nghị công nhận liệt sỹ mà Sư đoàn 337 đã nhiều lần gửi các cơ quan từ TƯ đến địa phương nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Ngày 13/12/1991, Thủ trưởng Sư đoàn 337 đã cấp giấy giới thiệu và hồ sơ kèm theo cho mẹ Liệt sỹ Thuyên, gửi Bộ Lao động Thương binh, Vụ Thương binh liệt sỹ đề nghị “giải quyết chính sách cho Liệt sỹ Nguyễn Trí Thuyên”.

Tuy nhiên, sau 8 năm gửi hồ sơ đi mà chiến sỹ của đơn vị mình vẫn chưa được công nhận Liệt sỹ theo quy định, nên ngày 10/3/1998, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 337 tiếp tục có công văn xác nhận và “đề nghị xét duyệt cho đồng chí Thuyên là liệt sỹ và thân nhân của đồng chí Thuyên được hưởng các chế độ, quyền lợi theo chính sách hiện hành”. Văn bản này khẳng định “trường hợp hy sinh của đồng chí Thuyên là làm nhiệm vụ đặc biệt, để phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc”. Đồng thời, giấy báo tử xác nhận “Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên là liệt sỹ” cũng được Đại tá Trần Xuân Được, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 337 cấp lại ngày 01-8-1998.

Nỗi đau đằng đẵng 23 năm

Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến bà Nguyễn Thị Đậu khẳng khiu, dáng đi cong queo phải chống gậy vì chứng bệnh cột sống, đang phải sống đơn chiếc trong căn nhà tình thương ở xóm Nam Hà, xã Thạch Sơn khi tuổi đã gần 80.

Tài sản đáng giá nhất trong căn nhà tình thương là chiếc quan tài đóng sẵn, để dưới bàn thờ người con trai duy nhất Nguyễn Trí Thuyên. “Để phòng khi chết còn yên ấm cõi về chứ như thằng con tui, thương lắm chú à. Con tôi chết xác thân không nguyên vẹn, đến giờ cũng chẳng ai công nhận nó đã hy sinh vì đất nước”- bà Đậu vừa khóc, vừa nói.

Đằng đẳng 23 năm, bà Đậu đau khổ, héo hon thắp hương lên bàn thờ đứa con trai duy nhất đã hy sinh nhưng "chẳng ai công nhận nó đã hy sinh vì đất nước”
Đằng đẳng 23 năm, bà Đậu đau khổ, héo hon thắp hương lên bàn thờ đứa con trai duy nhất đã hy sinh nhưng "chẳng ai công nhận nó đã hy sinh vì đất nước”

Càng xót xa hơn, khi tìm về UBND xã Thạch Sơn, chúng tôi được biết cụ già đang ngày cháo, ngày cơm kia chưa được hưởng chế độ chính sách, ngay cả chiếc thẻ bảo hiểm phòng khi trái gió trở trời cũng chưa được nhận. Mặc dù lãnh đạo xã thừa nhận biết bà Nguyễn Thị Đậu có con hi sinh trong quân ngũ, đang một mình một khẩu trong căn nhà bốn mùa gió thốc bên cánh đồng vắng. Mà bà có thường xuyên ở trong căn nhà ấy đâu, chỉ quanh quẩn nơi góc bếp lợp tranh, vách đất. Bởi như bà nói “cứ lên nhà, nhìn thấy ảnh thằng Thuyên là tui không cầm được nước mắt, chỉ mong cho nó được Tổ quốc ghi công, lúc đó tui mới yên lòng”.

Thương người mẹ già đằng đẵng 23 năm chống gậy đi đến các cấp chính quyền địa phương và Trung ương để xin chế độ liệt sỹ cho con trai, giờ đây mắt mờ, chân chậm, chỉ biết khẩn cầu một phép màu đến từ cái tâm của người có trách nhiệm, các cấp các ngành liên quan.

Cũng ngần ấy năm, bà tựa cửa ngóng chờ một phép màu dẫu không thể đưa con trai bà trở về nhưng sớm được công nhận Liệt sỹ để nếu có ra đi, bà cũng cảm thấy lòng mình thanh thản
Cũng ngần ấy năm, bà tựa cửa ngóng chờ một phép màu dẫu không thể đưa con trai bà trở về nhưng sớm được công nhận Liệt sỹ để nếu có ra đi, bà cũng cảm thấy lòng mình thanh thản

Đem phân vân này trao đổi với Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 337 Nguyễn Hữu Hoàng- người đồng đội năm xưa của Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên, được biết đồng đội và đơn vị xác nhận đồng chí Nguyễn Trí Thuyên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đặc biệt, cấp bách; Sư đoàn đã có hồ sơ đề nghị Bộ lao động thương binh và xã hội, nhưng không được chuẩn y. Đơn vị rất mong muốn chiến sỹ của mình được công nhận là Liệt sỹ theo quy định.

Vĩ thanh

23 năm bà Đậu mỏn mỏi chờ đợi, cũng là chừng đấy năm bà phải thầm khóc một mình mỗi khi ngày kỷ niệm thương binh liệt sỹ hàng năm đến. Giờ bà chỉ còn một ước mong duy nhất đó là mang được tấm xác nhận liệt sỹ về đặt cạnh di ảnh anh Thuyên trên bàn thờ rồi có nhắm mắt bà cũng không còn gì tiếc nuối.

Thắp nén hương trước bàn thờ anh, chúng tôi cũng mong muốn ước mơ nhỏ nhoi của bà Đậu thành hiện thực. Để đến ngày 27-7, bà có thể đi khoe với bà con hàng xóm, sự hy sinh của con bà đã được công nhận Liệt sĩ. Dù rằng, bà chẳng còn nhiều thời gian nữa, chỉ sợ một ngày “trái gió trở trời”, ra đi mà lòng không thanh thản...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast