Long đong xóm bãi

“Nam thì theo bố ra biển khi còn chưa đủ lớn, nữ lại khăn gói lên chốn thị thành để kiếm việc mưu sinh. Cuộc sống tuy có đổi thay nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, cái khó vẫn bám riết người làng chúng tôi ngày này qua tháng khác”, đó là lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Luyến - một người dân xóm 15, xã Thạch Lạc (Thạch Hà).

Khi đến đây, khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được người dân vì họ đi biển, đi giúp việc và nhiều nghề khác để mưu sinh. Từ lâu, đã nghe phong thanh đây là làng “ô sin”. Cứ về làng là có “ô sin”, vừa có sức khỏe, vừa thật thà. “Hỏi chị ở mô đến là biết chị tìm dân vùng này làm chi rồi, để đó tui dẫn đi, nhà nớ có đứa mới làm trên thành phố về đó, ở nhà không nghề ngỗng chi, có người đến thuê ri chắc nó mừng lắm”.

Rất nhiều ngôi nhà khang trang nhưng cuộc sống người dân vẫn bấp bênh.
Rất nhiều ngôi nhà khang trang nhưng cuộc sống người dân vẫn bấp bênh.

Đó là lời chỉ dẫn tận tình của chị H. - một người dân của xóm 15. Trước khi đến làng “ô sin”, cứ đinh ninh rằng sẽ là những ngôi nhà lụp xụp, nhưng chúng tôi hoàn toàn “choáng” trước những ngôi nhà có phần khang trang nối tiếp nhau. Như hiểu được suy nghĩ đó, chị H. vội giải thích: “Dân làng ni hay lắm mấy chị à, gắng làm lụng, chắt bóp để xây được ngôi nhà, mua chiếc xe cho bằng người ta. Nhìn nhà to rứa chứ cuộc sống còn khổ lắm”.

Chị H. dẫn chúng tôi đến nhà anh chị Thiện - Tuyết, một gia đình thuộc diện khó khăn của thôn. Gia đình vắng vẻ vì anh chị tranh thủ ngày biển lặng hi vọng có được rổ cá, mớ tôm sau chuỗi ngày dài biển động. Tiếp chúng tôi là em T. (16 tuổi) và đứa em út bị tật nguyền. Khi biết chúng tôi không phải là người cần thuê giúp việc, em có chút buồn nhưng vẫn mở lòng chia sẻ: “Đi làm giúp việc cho họ tuy vất vả nhưng mỗi tháng cũng có khoảng 1,5-2 triệu đồng gửi về cho mẹ nuôi em. Làng em con gái khoảng 12 tuổi trở lên nếu không đi học thì lên thành phố giúp việc cho người ta”. Không chỉ đi giúp việc, với nghề biển cũng “cứ đến tuổi là đi”. Điều này như là luật bất thành văn của các nam thanh niên tuổi từ 15 trở lên; nhỏ thì theo bố học nghề, lớn lên một chút thì tự làm chủ, tự chèo chống để mưu sinh. Trong xóm hầu như nhà nào cũng có con em đi làm ăn xa. Chị Luyến (xóm 15) có 2 con đi giúp việc ở TP Hà Tĩnh tâm sự: “Không có tiền con gửi về thì biết lấy đâu ra, ở nhà đi biển bữa đực bữa cái. Tôm, cá đánh bắt mãi cũng đến lúc cạn kiệt”.

Ông Trần Thế Vững - Trưởng thôn cho biết: Thôn có 360 hộ với hơn 1.600 nhân khẩu, có 350 lao động dư thừa. Hầu hết người dân không có nghề nghiệp ổn định, đất đai bị xâm thực nên không trồng trọt được. Vậy nên, nam thì đi biển, nữ thì đi giúp việc. Trong những năm gần đây, một số người đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài.

Khi được hỏi về việc các em đang tuổi đi học mà phải làm thêm, ông Vững chia sẻ: “Năm học vừa qua, mặc dù nhà trường và chính quyền địa phương đã quan tâm và hứa sẽ tạo điều kiện giúp đỡ nhưng riêng xóm vẫn có 7 học sinh bỏ học. Người dân ở đây thấy con nhà người khác đi làm có tiền nên cũng thích cho con đi. Vì lợi trước mắt mà cha mẹ không định hướng đúng đắn cho con cái. Năm học mới này không biết có thêm mấy em bỏ học nữa”.

Người dân xóm 15 đang rơi vào vòng luẩn quẩn vì không có việc làm ổn định, cuộc sống bấp bênh. Học sinh bỏ học giữa chừng làm nghề giúp việc. Từ vấn đề này, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các ngành, các cấp cần có giải pháp tích cực để giúp người dân có cuộc sống ổn định, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bỏ học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast